07:08 12/07/2012

Thảm sát ở Palawan: Kỳ 2: Vụ thảm sát kinh hoàng

Một cuộc tấn công của quân đồng minh được thực hiện bởi một máy bay ném bom B-24 Liberator của Mỹ diễn ra hôm 19/10/1944 đã đánh chìm hai tàu và phá hủy một số máy bay của phát xít Nhật ở Palawan.

Một cuộc tấn công của quân đồng minh được thực hiện bởi một máy bay ném bom B-24 Liberator của Mỹ diễn ra hôm 19/10/1944 đã đánh chìm hai tàu và phá hủy một số máy bay của phát xít Nhật ở Palawan. Thêm vài chiếc Liberator quay lại Palawan hôm 28/10 và phá hủy 60 chiếc máy bay Nhật đang đỗ trên đường băng. Những chiến công này của quân đồng minh đã tiếp thêm sức mạnh cho các tù binh. Tuy nhiên, khi tinh thần của tù binh Mỹ càng được củng cố, thì sự đối xử của các tên cai ngục Nhật đối với họ càng tồi tệ. Họ không chỉ bị tra tấn dã man hơn mà khẩu phần ăn vốn đã quá ít ỏi của họ nay còn bị cắt giảm hơn nữa, thậm chí nhiều tù binh bị cắt hẳn khẩu phần ăn.


Để tránh tên rơi đạn lạc trong những trận không kích của quân đồng minh, những tù binh ở đây đã đề xuất với những tên cai ngục cho phép họ sơn dòng chữ “Trại giam tù binh Mỹ” trên mái nhà giam. Ban đầu quân Nhật từ chối yêu cầu này, song sau cùng cũng miễn cưỡng đồng ý. Tuy nhiên, sau khi dòng chữ này được sơn lên mái nhà giam, quân Nhật liền xếp hàng hóa vào trong những khu nhà giam giữ tù binh chiến tranh, còn những người tù thì bị lùa vào những khu nhà khác.


 

Một hình ảnh trong vụ thảm sát kinh hoàng ở Palawan.

 

Kế hoạch giải cứu các tù binh ở Palawan đã được Mỹ tính đến. Các lực lượng của Mỹ dưới quyền chỉ huy của Đại tướng Douglas MacArthur đã đổ bộ thành công lên đảo Leyte, Philíppin vào hôm 19/10/1944. Mặc dù các tù binh không nắm được thông tin này nhưng việc hàng ngày trông thấy các máy bay Mỹ qua lại khu vực này khiến họ tin ngày được giải cứu không còn xa. MacArthur cũng cảnh báo chỉ huy lực lượng Nhật ở Philíppin, Thống chế Hisaichi Terauchi, rằng ông ta sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu đối xử tồi tệ với tù binh và những dân thường vô tội. Những tờ truyền đơn với nội dung này được các máy bay Mỹ thả xuống những vị trí đóng quân của phát xít Nhật ở khắp đất nước Philíppin vào hôm 25/11/1944.


Sự xuất hiện thường xuyên của máy bay đồng minh trên bầu trời cộng với việc khu nhà giam được sơn dòng chữ “Trại giam tù binh Mỹ” bị quân Nhật dùng vào việc cất trữ hàng hóa khiến các tù binh phải đào ba căn hầm trú ẩn. Quân Nhật ra lệnh, lối vào mỗi cửa hầm chỉ rộng đủ một người chui ra, chui vào. Các căn hầm được dựng lên về phía bờ biển của trại giam. Mặc dù không chống chịu hoàn toàn được các đợt ném bom, các gian hầm này phần nào cũng hạn chế được thương vong cho các tù binh. Cũng có những hố trú ẩn có thể chứa được hai hoặc ba người.


 

Máy bay B-24 Liberator ném bom xuống Palawan.

 

Ngày 14/12/1944, máy bay Nhật thông báo về sự xuất hiện của một đoàn tàu Mỹ. Trên thực tế, đoàn tàu đang chạy về phía đảo Mindoro nhưng quân Nhật lại cho rằng chúng đang hướng đến đảo Palawan. Nhật còn thông báo trông thấy hai máy bay chiến đấu Lockheed P-38 của Mỹ. Các tù binh được lệnh vào hầm trú ẩn.

Sau một lát, họ chui ra khỏi hầm nhưng viên Trung úy Nhật Yoshikazu Sato ra lệnh cho họ ở nguyên vị trí. Lúc 2 giờ chiều, hồi còi báo động thứ hai nổi lên và tất cả tù binh chạy xuống hầm. Những tù binh này không thể biết được rằng, một thảm họa khủng khiếp đang chờ đợi họ ở phía trước.


Theo kế hoạch đã được hoạch định từ trước, 50 - 60 tên lính Nhật, dưới sự chỉ huy của Sato, dội xăng xuống các căn hầm này và châm lửa, tiếp theo là những quả lựu đạn được quăng xuống. Ngay lập tức, từ căn hầm vọng ra những tiếng la hét, tiếng kêu cứu của những người tù bị mắc kẹt bên trong. Trong khi đó, trên mặt đất là một thứ âm thanh ghê rợn được kết hợp từ tiếng reo hò của những tên lính Nhật và tiếng cười gằn của tên sĩ quan chỉ huy Sato. Những tù binh nào thoát khỏi đám cháy liền hứng trọn những loạt đạn súng máy, những lưỡi lê và dùi cui của bọn lính canh. Hầu như các tù binh Mỹ không thể thoát khỏi trận tàn sát man rợ này. Tuy nhiên, vài người trong số họ trước khi ngã xuống đã kịp giết chết vài tên lính Nhật.


Hạ sĩ Rufus Smith - người may mắn sống sót sau vụ thảm sát - miêu tả hành động trốn chạy khỏi căn hầm của anh giống như trèo thang xuống địa ngục. Bốn sĩ quan Mỹ trong trại giam đào được nơi trú ẩn của riêng họ nhưng cũng bị tưới xăng và châm lửa. Trung úy Carl Mango bị bốc cháy toàn thân và anh cố gắng chạy về phía những tên lính Nhật để tấn công chúng nhưng bị chặn lại bởi những loạt đạn súng máy.


Khoảng 30 đến 40 tù binh Mỹ chạy thoát khỏi khu vực diễn ra vụ thảm sát. Họ thoát được nhờ lao qua hàng rào dây thép gai hoặc chui qua dưới chân hàng rào, nơi một số lối thoát hiểm bí mật đã được chuẩn bị sẵn đề phòng trường hợp khẩn cấp. Họ bị ngã hoặc nhảy xuống từ vách đá phía trên bờ biển rồi tìm nơi ẩn nấp giữa tảng đá và tán lá. Trung sĩ Douglas Bogue hồi tưởng: “Có lẽ khoảng 30 hay 40 người đã chạy trốn thành công qua lớp hàng rào thép gai để xuống đến mép nước.

Vài người trong số họ khi cố bơi qua vịnh Puerto Princesa thì ngay lập tức hứng trọn các loạt đạn của quân Nhật. Tôi nấp trong một khe nhỏ giữa các hòn đá, nghe thấy những âm thanh của vụ thảm sát dội lại từ phía trên. Bọn chúng thậm chí đã sử dụng cả thuốc nổ ném vào căn hầm. Tôi biết rằng, ngay khi hoàn thành xong việc bắn giết phía trên, bọn chúng sẽ chuyển xuống lùng sục tù binh dưới bãi biển. Mùi thịt người cháy bốc ra khét lẹt. Ngay sau đó, chúng chia thành từng nhóm lùng sục từng khe đá tìm và bắn điên cuồng vào bất kỳ người nào mà chúng phát hiện ra. Nhờ Chúa che chở, tôi đã không bị phát hiện”.


Khánh Chi (tổng hợp)
Đón đọc kỳ cuối: Lời kể của nhân chứng