Vũ khí hoá học Syria ở đâu ra?

Syria đã nhận vũ khí hoá học từ khi nào, kho vũ khí của họ lớn đến đâu? Những câu hỏi này càng được quan tâm hơn trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị cho hành động quân sự nhằm trừng phạt cái mà họ cho là một cuộc tấn công khí độc của quân đội Syria nhằm vào người dân, bất chấp Damascus đã bác bỏ và cho rằng đây là hành động tạo cớ đòi can thiệp từ bên ngoài của “quân khủng bố”.

Mặt nạ phòng độc đắt hàng đột biến tại Israel trước nguy cơ Syria bị Mỹ tấn công.


Chương trình vũ khí hoá học của Syria bắt nguồn từ hàng thập kỷ trước, có lẽ từ những năm 1970. Ban đầu do một số nước khác cung cấp, nhưng hiện giờ, người ta vẫn chưa chắc chắn liệu Syria có thể tự chế tạo kho vũ khí hoá học cho riêng mình hay không.

Cho đến nay Syria vẫn là một trong 6 quốc gia còn lại trên thế giới chưa phê chuẩn Công ước Vũ khí hoá học, Công ước đặt ra ngoài vòng pháp luật việc sản xuất, tàng trữ và sử dụng khí độc.

Năm 2012, giới chức Syria thừa nhận họ sở hữu thứ vũ khí giết người hàng loạt này nhưng cảnh báo sẽ chỉ sử dụng nếu có sự can thiệp từ bên ngoài, và không bao giờ dung vũ khí hoá học để chống lại người Syria. Damascus được tin là sở hữu hàng trăm tấn khí mustard, chất gây bỏng và chất độc thần kinh, có thể bao gồm sarin và tác nhân VX.  Tuy nhiên, do cuộc nội chiến, có khả năng các lực lượng đối lập tại Syria cũng nắm được nguồn vũ khí đáng sợ này.

Một số nhà phân tích tin rằng Ai Cập đã cung cấp cho Syria vũ khí hoá học ngay trước cuộc chiến tranh Yom Kippur (các nước Arập – Israel) từ tháng 10/1973. Có các báo cáo cho biết quân đội Israel đã thu giữ một lượng lớn đạn dược chứa khí độc trong cuộc xung đột, nhưng Syria rõ ràng đã không sử dụng chúng mặc dù gánh thất bại cuối cùng.

Năm 1979, hiệp định hoà bình giữa Ai Cập với Israel đã làm rạn vỡ sự thống nhất vốn đã giảm đi giữa các nước Arập trong khu vực. Mối quan hệ Syria – Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi nghiêm trọng do các xung đột xung quanh nguồn nước và nhiều vấn đề khác. 

Tình thế ngày càng bị cô lập chính trị và việc quân đội luôn phải sẵn sàng đối đầu với Israel là động lực để Syria phát triển khả năng vũ khí hoá học. Tuy vậy, việc họ có tự phát triển được loại vũ khí giết người hàng loạt này hay không, thì đến nay vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Chỉ có một điều chắc chắn là Liên Xô đã bổ sung thêm nhiều thiết bị và vũ khí tiên tiến hơn cho Syria so với kho vũ khí do Ai Cập cung cấp, bao gồm nguyên liệu vũ khí hoá học, hệ thống phát tán, và các chương trình huấn luyện đội ngũ.

Chính quyền Tổng thống Assad thừa nhận sở hữu vũ khí hoá học, nhưng không bao giờ sử dụng để chống lại người Syria.


Các cơ sở tác nhân hoá học của Syria có thể được rải khắp đất nước. Một số địa điểm quan trọng được cho là ở Al Safira (ở ngoại ô Aleppo), Damascus, Hamah; Latakia và Homs.

Syria cũng sở hữu các tên lửa SS-21 và lớp Scud, có thể mang theo đầu đạn vũ khí hoá học. Ngoài ra, Damascus được tìn là có các đạn pháo và bom mang vũ khí hoá học.

Theo chuyên gia LHQ, các kho vũ khí hoá học thường khó di dời và xử lý, đặc biệt nếu chúng không phải là các loại hoá chất độc hiện đại, vốn bao gồm hai thành phần chính sẽ không thể gây tử vong nếu không được hoà trộn với nhau.

Cho đến nay, trước liên tiếp những cáo buộc của Mỹ và đồng minh phương Tây về việc sử dụng vũ khí hoá học trong vụ tấn công hôm 21/8 ở ngoại ô Damascus, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn kiên quyết bác bỏ, đồng thời tố cáo chính phe đối lập đã gây ra vụ thảm sát này để tạo cớ cho một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài.


Bạch Đàn  (CSMonitor)

Khắp nơi phản chiến, ủng hộ Syria
Khắp nơi phản chiến, ủng hộ Syria

Trong lúc Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự “có giới hạn” nhằm trừng phạt chính quyền Damascus, người yêu chuộng hoà bình trên khắp thế giới đã sôi sục biểu tình phản chiến, phản đối sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Syria.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN