Tàu sân bay INS Vikrant - tiến bộ quan trọng của Ấn Độ

Ngày 12/8, Ấn Độ đã công bố chiếc tàu sân bay tự đóng đầu tiên có tên INS Vikrant. Đây được đánh giá là cột mốc quan trọng trong kế hoạch trị giá 5 tỷ USD mà chính quyền nước này đầu tư nhằm tăng cường sức mạnh quốc gia và thách thức tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tàu sân bay INS Vikrant. Ảnh: AFP/TTXVN


Với việc chính thức hạ thủy tàu sân bay INS Vikrant vào năm 2018, Ấn Độ sẽ trở thành một trong số các quốc gia có thể tự thiết kế và xây dựng các tàu sân bay như Anh, Pháp, Nga và Mỹ. "Đối thủ" của Ấn Độ là Trung Quốc không nằm trong số này. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony nói: "Đây là cột mốc rất có ý nghĩa. Nó không chỉ đánh dấu bước đầu tiên của một hành trình dài mà còn là một thành tựu quan trọng (trong sự nghiệp quốc phòng) của chúng tôi".

Giới phân tích cho rằng INS Vikrant, sẽ được trang bị và lắp đặt các loại vũ khí và máy móc trước khi đưa vào thử nghiệm trong bốn năm tới, là tiến bộ vượt bậc về mặt kỹ thuật và quân sự của Ấn Độ - quốc gia đang tích cực thể hiện mình và xác lập tầm ảnh hưởng tại châu Á. Rahul Bedi, một chuyên gia quốc phòng cộng tác với "Tuần báo Quốc phòng" của tổ chức IHS Jane's, nói với AFP: "INS Vikrant sẽ được triển khai tại Ấn Độ Dương, nơi quy tụ nhiều lợi ích về kinh tế và thương mại của toàn thế giới".

Trước đó, hôm 10/8, Ấn Độ cũng tuyên bố tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do nước này tự thiết kế và chế tạo đã sẵn sàng cho các cuộc thử nghiệm trên biển. Thủ tướng Manmohan Singh đã gọi đây là một "bước tiến dài" đối với Ấn Độ. Chuyên gia Bedi nói: "Tất cả các sự kiện này đều là thuộc kế hoạch nhằm củng cố và tăng cường sức mạnh cũng như tầm ảnh hưởng của Ấn Độ, từ đó gia tăng vị thế trên lĩnh vực ngoại giao". Theo giới quan sát, nền dân chủ lớn nhất thế giới này đang đầu tư hàng chục tỷ USD để nâng cấp hệ thống vũ khí hạng nặng từ thời Xô Viết nhằm tăng cường khả năng quốc phòng.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành công trong chương trình tên lửa tầm xa và hải quân, Ấn Độ cũng chịu không ít thiệt hại trong việc phát triển các loại máy bay và vũ khí chiến đấu trên đất liền khác, khiến quốc gia này phải phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động nhập khẩu. Việc phát triển INS Vikrant đã bị chậm hai năm so với kế hoạch do các rắc rối về nguồn cung thép chuyên dụng từ Nga, các cản trở trong việc nhập khẩu nhiều thiết bị thiết yếu và sự cố các máy phát điện sử dụng động cơ diesel quan trọng bị hư hại nặng nề sau một vụ tai nạn đường bộ.

Theo giới phân tích, xét về tổng thể, Ấn Độ vẫn tụt xa so với Trung Quốc về thực lực quốc phòng, do vậy việc New Delhi đánh bại được đối thủ trong cuộc đua phát triển tàu sân bay tự đóng là một thành công rất đáng chú ý.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có tên gọi Liêu Ninh, được nâng cấp từ một chiếc tàu cũ mua của Ukraine, đã chính thức hạ thủy hồi tháng 9/2012. Được biết Bắc Kinh dự kiến đóng mới hoặc mua thêm tàu cỡ lớn hơn trong tương lai. Tuần báo Jane's hồi đầu tháng cũng đưa tin họ có các bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tự đóng một tàu sân bay tại một xưởng đóng tàu gần Thượng Hải.

Hiện Ấn Độ chỉ triển khai duy nhất một tàu sân bay do Anh thiết kế và đóng cách đây 60 năm, từng được Ấn Độ mua lại và đổi tên thành INS Viraat năm 1987. Tàu này dự kiến sẽ ngừng hoạt động trong một vài năm tới. Nga, một đồng minh của Ấn Độ, dự kiến cũng sẽ chuyển cho quốc gia Nam Á này tàu sân bay thứ ba - INS Vikramaditya - vào cuối năm nay sau nhiều tranh cãi gay gắt xung quanh vấn đề tân trang tàu chiến thời Xô Viết khiến chi phí tăng và kéo theo nhiều trì hoãn.

Tàu INS Vikrant, với tên gọi có nghĩa "dũng cảm" hay "táo bạo" trong tiếng Hindi, sẽ mang theo các máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga chế tạo và nhiều máy bay hạng nhẹ khác khi chính thức được hạ thủy vào năm 2018. Phần vỏ, thiết kế cũng như các thiết bị của tàu sân bay INS Vikrant đều do Ấn Độ tự sản xuất, song hầu hết các loại vũ khí trang bị đều là nhập khẩu. Hệ thống điều khiển động cơ của INS Vikrant cũng được mua từ công ty GE của Mỹ.

Thiếu tướng Hải quân đã nghỉ hưu K. Raja Menon nhận định: "Vai trò chủ yếu của tàu này (INS Vikrant) là bảo vệ hạm đội hải quân Ấn Độ chứ không phải phục vụ các cuộc tấn công trên đất liền. INS Vikrant là tàu sân bay phòng thủ, bởi vậy nó sẽ tấn công các đối tượng có ý đồ nhằm vào hạm đội (hải quân) của chúng tôi... nếu không có hệ thống phòng không, hạm đội hải quân sẽ không thể tồn tại".

Ông C.Uday Bhaskar, một quan chức hải quân đã về hưu, cựu Giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia tại New Delhi, nói rằng INS Vikrant sẽ "gia tăng vị thế và uy tín của Ấn Độ" song "không thay đổi cán cân quyền lực với Trung Quốc", bởi "chuyên môn về hạt nhân cũng như khả năng công nghệ của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu vẫn ở tầm cao hơn" so với Ấn Độ.

Ông Bedi cho biết lực lượng hải quân Ấn Độ hiện đang triển khai 39 tàu và đã bắt đầu kế hoạch đóng thêm hai tàu sân bay nữa.


TTK








Quang cảnh hạ thủy tàu sân bay 'khủng' của Ấn Độ
Quang cảnh hạ thủy tàu sân bay 'khủng' của Ấn Độ

Ấn Độ đã gia nhập câu lạc bộ tàu sân bay của thế giới sau khi tiến hành hạ thủy tàu sân bay INS Vikrant theo đúng lịch trình. Đây là tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ chế tạo.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN