Tạt axít - Nỗi đau dai dẳng ở Bănglađét

“Phần lớn nạn nhân trong các vụ tấn công là phụ nữ và bé gái. Hầu hết các vụ tấn công bắt nguồn từ những tranh chấp đất đai và thù hằn gia tộc. Mặc dù không phải là những “người chơi” chính trong những mâu thuẫn này, phụ nữ và bé gái vẫn bị nhắm đến bởi họ là mục tiêu dễ tấn công hơn cả”, Farina Ahmed, Chủ tịch Hội nạn nhân axít tại Bănglađét cho biết.

 

Một cuộc tuần hành của nạn nhân các vụ tấn công axít ở Đắcca.

Nạn tấn công bằng axít tại Bănglađét tăng mạnh vào những năm 1990, khi đất nước này hầu như không có luật xử phạt các vụ tấn công axít lẫn quy định về việc mua bán axít. Những năm gần đây, số vụ tấn công axít đã bắt đầu giảm nhưng vẫn còn là một vấn đề đáng quan tâm.


Bibi Mariam, 45 tuổi, cùng gia đình trở thành nạn nhân của một vụ tấn công axít vào năm 2008. Cuộc tấn công này không chỉ cướp đi mạng sống của đứa con năm tháng tuổi mà còn khiến Mariam, chồng cô, và một người con gái khác của cô bị bỏng nặng. Một vài người hàng xóm có tranh chấp đất đai với gia đình Mariam đã ném axít vào cô, chồng cô và hai con gái khi họ đang say giấc trong ngôi nhà của mình ở một ngôi làng nhỏ trên đảo Rosulpur (cách thủ đô Đắcca 300 km về phía đông nam). Thủ phạm thực hiện vụ tấn công tàn bạo này đã được tự do chỉ sau 21 tháng ngồi tù và nay đang tiếp tục đe dọa sự an nguy của gia đình Mariam trừ khi cô và những người thân chịu rút lui khỏi vụ tranh chấp kia.


Đau lòng trước những vụ tấn công dã man ấy, một người Anh tên là John Morrison đã quyết định thành lập Hội nạn nhân axít (ASF) vào tháng 5/1999 tại Bănglađét, liên kết với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và nhiều tổ chức phát triển khác trên thế giới. Theo ghi nhận của ASF, trong vài năm gần đây đã có một số vụ tấn công axít nhằm vào người già và nam giới. Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu trong những vụ tấn công này vẫn là phụ nữ và các bé gái. Phần lớn các vụ tấn công bắt nguồn từ những thù oán gia tộc, tranh chấp đất đai, ngăn cấm hôn nhân hay bị từ chối cầu hôn.


Chủ tịch Hội nạn nhân axít tại Bănglađét, ông Fatima cho biết: “Các vụ tấn công thường diễn ra ở những vùng hẻo lánh, nơi mà axít sulfuric rất dễ kiếm. Hầu hết những người sống sót sau những vụ tấn công axít đều phải chịu sự xa lánh của xã hội, dẫn đến mất dần tự tin vào bản thân và địa vị kinh tế. Đặc biệt là phụ nữ, họ gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm và nếu còn độc thân (như trong hầu hết các trường hợp) thì rất khó lấy được chồng.


“ASF cố gắng dành những hỗ trợ tốt nhất cho các nạn nhân, từ vật lý trị liệu đến tư vấn tâm lý, thậm chí còn có cả bệnh viện để các nạn nhân có thể dễ dàng tiến hành các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ”. Cùng với đó, Hội cũng giúp đỡ các nạn nhân sớm trở về cuộc sống bình thường bằng những phụ cấp thu nhập, cung cấp cơ hội làm việc hoặc tạo điều kiện cho họ tiếp tục học tập. Họ hi vọng có thể hình thành nhận thức cho người dân về tấn công bằng axít, ngăn chặn những hành vi tấn công và hỗ trợ các nạn nhân về cả thuốc men và pháp luật.


Afrina Sharmin, một nhân viên y tế ở ASF, thừa nhận: “Hiện nay chưa có loại thuốc nào có thể ngay lập tức làm lành các vết thương do axít gây ra sau mỗi vụ tấn công và biện pháp duy nhất là xả nước vào phần da bị bỏng”.


Chính vì vậy ASF đã cùng một số tổ chức cá nhân khác như Prothom Alo và Bangladesh's leading Bengali daily chung tay thực hiện chiến dịch “Hãy sử dụng nước” như một nỗ lực để nâng cao nhận thức của cộng đồng cách xử lý sau khi bị tấn công.


An Khanh (Theo THX)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN