Tân Cương có trở thành 'Chechnya của Trung Quốc'?

Với tiêu đề trên, báo Độc lập (Nga) ngày 11/7 đăng bài bình luận trong đó đưa ra nhận định rằng tiếp sau Nga, Trung Quốc đang trở thành mục tiêu của các nhóm Hồi giáo chính trị có thế lực thuộc dòng Sunni và đồng minh phương Tây của các nhóm này.

Cảnh sát bán quân sự Trung Quốc tại khu tự trị Tân Cương. Ảnh: AFP


Bài báo cho rằng tình hình khu vực Tân Cương của Trung Quốc hiện nay khiến người ta nhớ đến bối cảnh nước Nga những năm 90 của thế kỷ trước với nước cộng hòa tự trị Chechnya luôn muốn tách ra độc lập. Cũng vẫn những bài giảng xúi giục (đòi độc lập) tại các thánh đường Hồi giáo, cũng vẫn là những cuộc tấn công nhằm vào các đồn cảnh sát gây nhiều tang tóc, vẫn là việc khéo léo thổi phồng những sai sót của chính quyền địa phương thành những "câu chuyện hoang đường" mang tính khiêu khích, kích động, rồi thành lập các văn phòng ở nước ngoài để tiến hành chiến tranh thông tin... Bề nổi tại khu tự trị Tân Cương hoàn toàn giống với bối cảnh nước Cộng hòa Chechnya trong thành phần Liên bang Nga trước kia, và nguyên nhân sâu xa của những bất ổn ở hai vùng đất này cũng tương tự nhau.

Khu tự trị Tân Cương nằm ở vùng Tây Bắc Trung Quốc, với khoảng 10 triệu người sinh sống, trong đó phần lớn là người Duy Ngô Nhĩ. Dù đông hơn người Hán nhưng người Duy Ngô Nhĩ thường cảm thấy không được đối xử đúng mực và những mâu thuẫn nảy sinh từ đây, dẫn đến những vụ đụng độ thường xuyên xảy ra.

Việc Trung Quốc tăng tốc phát triển trước hết đối với các khu vực lạc hậu, trong đó có Tân Cương, đã tạo ra một tầng lớp trung lưu có học tại những vùng đất đó và "giới tinh hoa" này đòi hỏi được "trọng dụng", nếu không muốn nói là được "lãnh đạo".

Tân Cương, tên chính thức là khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (hay khu tự trị Uyghur Tân Cương) là một khu vực tự trị tại Trung Quốc. Đây là đơn vị hành chính cấp tỉnh lớn nhất của Trung Quốc với diện tích lên tới 1,6 triệu km2. Tân Cương có biên giới với Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ.

Tân Cương có trữ lượng dầu mỏ và là khu vực sản xuất khí đốt lớn nhất Trung Quốc. Đây là nơi cư trú của nhiều nhóm dân tộc và tôn giáo khác nhau, tuy nhiên phần lớn cư dân tại đây theo Hồi giáo. Nơi đây còn có khu tự trị Ninh Hạ của dân tộc Hồi. Và cùng với hai dân tộc chính sống ở vùng đất này là người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi, còn có các dân tộc khác như người Mông Cổ, người Kozak, người Uzbek và người Tatar...

Theo điều tra dân số năm 2000, tổng số người Hồi giáo ở Trung Quốc là 9,8 triệu, và người Duy Ngô Nhĩ là 8,4 triệu người. Nhà thờ Hồi giáo đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc là tại Trường An (Tây An ngày nay) từ năm 742. Triều đại nhà Đường cai trị thời đó đã trọng dụng người Turki, là tổ tiên hiếu chiến của những người Duy Ngô Nhĩ, để bảo vệ Con đường Tơ lụa nổi tiếng.

Trường An khi ấy là nơi các thương gia Trung Quốc tập kết hàng hóa, tơ lụa để chuẩn bị cho những chuyến buôn bán lớn qua "Con đường tơ lụa", nằm trong hệ thống những con đường thương mại lớn nhất thế giới thời cổ đại, nối giữa hai nền văn minh Đông và Tây. Ở Trung Quốc, ta có thể bắt gặp nhiều nhà thờ Hồi giáo truyền thống ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Hàng Châu, Lan Châu và Tây Ninh... Và có thể nói có rất nhiều thánh đường Hồi giáo như thế được xây dựng tại Trung Quốc.

Từ thực tế trên, có thể thấy rõ tại sao khi đó Tân Cương, và tại sao Chechnya lại không thể là nước cộng hòa hoặc khu tự trị Hồi giáo duy nhất của Trung Quốc và Nga, cho dù trong lịch sử người Duy Ngô Nhĩ đã từng có những trang hùng mạnh. Dường như vai trò quan trọng của các khu vực này chính là do vị trí của họ trên biên giới hoặc trong vùng lân cận giáp giới với các nước Hồi giáo, và có thể dễ dàng thâm nhập từ bên ngoài.

Bài báo đồng thời nhận định nếu không có nguồn tài trợ bên ngoài, không có những thế lực cố tình xúc xiểm gây hiềm khích nội bộ, không có lính đánh thuê hay các nhà truyền giáo, và nếu không có thông tin về các cuộc xung đột ở Chechnya, hẳn sẽ không có những cuộc xung đột lớn và đẫm máu (tại Tân Cương) như hồi tháng 7/2009 và kéo dài tới hiện nay. Nếu không có sự tham gia của các trung tâm nước ngoài nhằm thổi bùng ngọn lửa đang cháy âm ỉ qua nhiều thế kỷ bất mãn của người Duy Ngô Nhĩ thì hẳn tình hình Tân Cương chắc không đến mức căng thẳng như thời gian qua.

Bài báo kết luận Chechnya và Tân Cương được coi là khu vực chiến lược để tạo ra một "Vương quốc Hồi giáo" đầy hứa hẹn. Sau khi bình định Chechnya, các thế lực này đã chuyển sự chú ý đến Tân Cương, khu vực tiếp giáp với tiền đồn quan trọng nhất của họ tại Afghanistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Kazakhstan. "Quan tâm" hơn đến Tân Cương cũng còn bởi các thế lực này đang tập trung chuẩn bị kỹ càng hơn cho giai đoạn tiếp sau năm 2014, khi Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) của NATO, mà nòng cốt là Mỹ rút khỏi Afghanistan, và "vùng đệm" này được lấp đầy bằng những người Hồi giáo có vũ trang chính là mục tiêu của phương Tây. Bài báo cũng cho rằng không phải ngẫu nhiên mà cuộc đổ máu lớn đầu tiên tại Tân Cương trong năm 2009 lại trùng hợp với các cuộc nổi dậy ở Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan...

Về bản chất, những người ủng hộ thành lập một Vương quốc Hồi giáo đã thực hiện các đơn đặt hàng lớn của phương Tây là gây bất ổn cho toàn bộ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều này đặc biệt thấy rõ trong cuộc nội chiến ở Syria. Còn tại Tân Cương, người ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy sự tương tác giữa Hồi giáo và phương Tây, thông qua việc thành lập tại Mỹ một Liên đoàn Thế giới những người Duy Ngô Nhĩ. Chính quyền Trung Quốc cần phải chú ý tới bài học từ Chechnya, được đúc rút chính từ kinh nghiệm buồn của nước Nga.


Quế Anh

Trung Quốc công bố danh sách 'truy nã gắt gao' tại Tân Cương
Trung Quốc công bố danh sách 'truy nã gắt gao' tại Tân Cương

Chính quyền khu tự trị Tân Cương vừa công bố danh sách những đối tượng bị "truy nã gắt gao nhất" và treo thưởng cho người cung cấp thông tin chỉ điểm.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN