Trước triển vọng kinh tế ảm đạm và khả năng tái diễn “kịch bản Lehman Brothers” ở châu Âu, nhiều nước như Ôxtrâylia hay Braxin đã tiến hành giảm lãi suất, bơm tiền kích thích kinh tế. Sắp tới, Anh, Ấn Độ và có thể là Trung Quốc sẽ nối bước.
Tuy nhiên, với tư cách “đầu tàu kinh tế thế giới” và sở hữu đồng tiền quốc tế - USD - Mỹ chứ không phải nước nào khác một lần nữa đã trở thành tâm điểm chú ý, nhất là khi ngày càng có nhiều nguồn tin nói rằng quốc gia này sẽ thực hiện chính sách nới lỏng định lượng lần thứ ba (QE3). Thậm chí, chủ biên của tạp chí tài chính danh tiếng “The Gartman Letter”, ông Dennis Gartman, còn khẳng định với truyền hình CNBC rằng, QE3 sẽ sớm được Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) thông qua. Liệu khả năng này có trở thành hiện thực và nó có tác động thế nào đối với nước Mỹ nói riêng, thế giới nói chung?
Bài 1: QE3: Nhìn từ góc độ chức năng của FED
Luật Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 1913 sau khi được Tổng thống Woodrow Wilson ký ban hành. Theo đó, FED có chức trách là tạo ra số việc làm nhiều nhất và bình ổn lạm phát. Vì vậy, hầu hết các nhà bình luận đã gắn QE (Quantitative easing - bơm thêm tiền vào nền kinh tế) với tình hình việc làm và lạm phát của Mỹ: Khi lạm phát quá thấp và tỉ lệ có việc làm quá thấp, khả năng thực hiện QE sẽ tăng lên. Thực tế hai lần tiến hành QE trước (QE1 vào tháng 12/2008, trị giá 1.700 tỉ USD và QE2 vào tháng 8/2010, trị giá 600 tỉ USD) cũng như chương trình hoán đổi trái phiếu Operation Twist trị giá 400 tỉ USD vốn được coi là QE2.5 vào tháng 10/2011 cũng cho thấy rõ điều đó.
Người dân không có việc làm xếp hàng chờ vào hội chợ việc làm ở Portland, bang Oregan (Mỹ) tháng 12/2011. Ảnh: Internet |
Vậy tình hình hiện nay ra sao? Theo số liệu mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố, trong tháng 5, nước này chỉ tạo được thêm 69.000 việc làm mới, là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 5/2011, thấp hơn nhiều so với dự báo. Ở chiều ngược lại, số người thất nghiệp tháng 5 ở Mỹ đã tăng thêm 370.000 người, cao hơn mức dự báo (365.000 người), đưa tỉ lệ thất nghiệp từ mức 8,1% của tháng 4 lên mức 8,2% vào tháng 5. Đây là lần đầu tiên trong 1 năm trở lại đây, số lượng người thất nghiệp ở Mỹ tăng lên. Về vấn đề lạm phát, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ chỉ tăng 2,3% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 4, là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2011. Theo chuyên gia kinh tế Tom Porcelli thuộc RBC Capital Markets LLC ở New York, nhiều khả năng CPI của Mỹ trong các tháng tới sẽ tiếp tục giảm.
Bên cạnh đó, với tư cách là Ngân hàng Trung ương, FED còn có một chức năng quan trọng khác là đảm bảo tính thanh khoản cho nền kinh tế Mỹ (trong một bài phát biểu vào tháng 4, Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke cũng đã nhấn mạnh tới điều này). Theo báo cáo nghiên cứu mang tên “Hoạt động ngân hàng trong bóng tối” (Shadow Banking) của FED New York, tính thanh khoản của kinh tế Mỹ được cấu thành từ hai bộ phận: Thanh khoản của hệ thống ngân hàng truyền thống và thanh khoản của Shadow Bank (tập hợp các định chế tài chính nằm ngoài sự giám sát của nhà nước như đối với các ngân hàng thương mại bình thường). Do vậy, chỉ cần tổng hợp phân tích về sự biến đổi trong tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng truyền thống và sự biến đổi trong tính thanh khoản của Shadow Bank sau khủng hoảng tài chính năm 2008 là có thể biết tình hình thanh khoản của kinh tế Mỹ ra sao.
Báo cáo về tính thanh khoản theo quý của FED cho thấy, lâu nay Shadow Bank luôn là nguồn tạo thành tính thanh khoản quan trọng nhất ở Mỹ. Vào thời kỳ đỉnh cao (quý I/2008), quy mô bảng cân đối kế toán (Balance Sheet, phản ánh tình trạng tài sản và vốn) của Shadow Bank đạt 21.000 tỉ USD, cao hơn nhiều so với mức của hệ thống ngân hàng truyền thống, nhưng hết quý IV/2011, chỉ còn 15.100 tỉ USD và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm xuống. Về phía hệ thống ngân hàng truyền thống, nhờ hai lần thực hiện chính sách nới lỏng định lượng, quy mô bảng cân đối kế toán của hệ thống ngân hàng truyền thống từ quý II/2008 tới quý IV/2011 đã tăng thêm 2.300 tỉ USD. Tổng hợp quy mô bảng cân đối kế toán của hệ thống ngân hàng truyền thống và Shadow Bank, sẽ thấy để trở về với mức của quý I/2008, nền kinh tế Mỹ vẫn còn thiếu tới 3.600 tỉ USD. Làm sao để có thể lấp được chỗ trống thanh khoản này? Rõ ràng chỉ có FED mới làm được điều đó và FED khó có lựa chọn nào khác ngoài việc in tiền bơm vào thị trường - thực hiện QE3.
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)
Đón đọc bài 2: QE3: Những nhân tố thúc đẩy Mỹ nới lỏng tiền tệ