Philippines có hiện đại hóa được quân đội lạc hậu?

Theo trang mạng “The Diplomat”, trong thông điệp quốc gia mới đây, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã nhắc lại mong muốn tăng cường năng lực của Lực lượng vũ trang Philippines (AFP). Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng đây không phải là mục tiêu chính phủ Philippines có thể dễ dàng theo đuổi.

Theo ông, việc tăng cường “năng lực phòng vệ khả tín tối thiểu” sẽ đối mặt với nhiều thách thức do vấn đề ngân sách. AFP hiện được cấp ngân sách rất hạn chế, và thực tế phần lớn ngân sách quân sự dành cho trả lương và trợ cấp chứ không phải là tăng cường năng lực quốc phòng. Ngoài ra, Hiến pháp năm 1987 của Philippines không cho phép ngân sách quốc phòng được lớn hơn ngân sách dành cho giáo dục.

Hải quân Philippines tại lễ kỷ niệm 115 năm ngày thành lập ở pháo đài San Felipe, ngày 21/5/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong dự thảo ngân sách 2014, Bộ Giáo dục Philippines sẽ nhận được 5,9 tỷ USD, trong khi ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng và AFP cộng lại chỉ vẻn vẹn 1,9 tỷ USD. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà phân tích đã công khai nghi ngờ khả năng Philippines thực sự hiện đại hóa được quân đội lạc hậu của mình, hay thậm chí là thiết lập được một năng lực phòng vệ khả tín tối thiểu - hai ưu tiêu chính của Manila. Tình hình này đang khiến các nhà hoạch định quân sự cả trong và ngoài nước vốn mong muốn cải thiện năng lực quân đội Philippines cảm thấy chán nản.

Rõ ràng, mục tiêu của Manila cần một ngân sách lớn, liên tục và có tầm nhìn dài hạn. Vấn đề ở chỗ liệu chính quyền Tổng thống Aquino có thực sự nhiệt thành với nỗ lực hiện đại hóa AFP hay không? Chỉ khi chính phủ Philippines làm rõ hơn nữa dự định phát triển chiến lược này thế nào và thể hiện ý chí và cam kết chính trị, các đối thủ tiềm tàng mới coi khả năng phòng vệ của Philippines là khả tín.

Hiện lý thuyết về năng lực phòng vệ khả tín tối thiểu đang là khái niệm ngày càng phổ biến trong cuộc tranh luận công khai về hiện đại hóa quân đội Philippines. Tuy nhiên, chính phủ thể hiện sự tiếp nhận mơ hồ khái niệm này. Một số quan chức chính phủ đơn thuần gắn kết năng lực phòng vệ khả tín tối thiểu với việc mua sắm khí tài quân sự mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự. Số khác cho rằng huấn luyện quân sự chiến lược là thành tố quan trọng. Trong khi đó, một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng mới đây tuyên bố mục đích của chính phủ trong việc hiện đại hóa quân đội là nhằm răn đe “những kẻ muốn gây chiến” với Philippines.

Quan chức trên lưu ý Philippines có kế hoạch thực hiện 24 dự án hiện đại hóa quân đội trong 3 năm tới. Những dự án này, với ngân sách chính phủ, gồm việc mua chiến đấu cơ, trực thăng hải quân, máy bay tuần tra, tàu khu trục nhỏ, tàu tuần tra và tàu tấn công đa mục đích. Trong số những thương vụ nổi bật nhất, AFP mua ba tàu tuần tra lớp Hamilton cũ của lực lượng Tuần duyên Mỹ (hai trong số đó đã được bàn giao cho Hải quân Philippines). AFP cũng dự định mua 12 chiến đấu cơ FA-50 mới của tập đoàn Korea Aerospace Industries với giá xấp xỉ 440 triệu USD. Những bổ sung này chắc chắn sẽ giúp tăng cường năng lực cho AFP.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải đầu tư hàng tỷ USD để “biến” quân đội Philippines thành một lực lượng phòng vệ khả tín. Tuy nhiên, với việc đóng cửa các căn cứ quân sự Mỹ kéo theo việc mất đi khoản tiền cho thuê lớn, AFP giờ đây phải dựa vào việc chuẩn chi ngân sách của Quốc hội và quỹ hiện đại hóa AFP để đầu tư khí tài mới. Những nguồn lực này là không đủ để thực hiện toàn bộ kế hoạch hiện đại hóa.

Cho đến gần đây, Philippines vẫn còn cảm thấy thoái mái dưới cái ô bảo vệ của Mỹ trước các mối đe dọa tương đối nhỏ bên ngoài. Điều này rõ ràng tạo ra một mức độ ỷ lại đối với những vấn đề liên quan đến năng lực phòng vệ và quá trình hiện đại hóa quân đội. AFP sở hữu phần lớn khí tài của mình thông qua vô số chương trình viện trợ quốc phòng của Mỹ và điều này đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều chuyên gia.

Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ và các nước bạn bè khác sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho Philippines ở những mức độ lớn hơn, vẫn luôn có câu hỏi đặt ra về việc AFP, với năng lực hiện tại, có thể thực sự tiếp nhận được bao nhiêu.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự thay đổi chính sách lớn từ chính phủ, chứ chưa nói đến ý chí chính trị, để tạo ra sự thay đổi cần thiết. Và dù đến khi sự chuyển đổi này được thực hiện và công chúng chấp nhận chi ngân sách cho một quân đội mạnh hơn, Philippines vẫn sẽ phụ thuộc phần lớn vào các biện pháp ngoại giao để bảo vệ lãnh thổ của mình. Điều này có nghĩa Manila sẽ tiếp tục thúc đẩy và kiên trì liên minh chiến lược với những đồng minh mạnh như Mỹ, Australia và Nhật Bản.


Việt Hải

Nhật, Philippines 'đoàn kết' đối phó Trung Quốc
Nhật, Philippines 'đoàn kết' đối phó Trung Quốc

Theo Julius Cesar I. Trajano, chuyên gia phân tích cao cấp tại Singapore, Nhật Bản và Philippines đã xích lại gần nhau để đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc cũng như có chung lợi ích về kinh tế.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN