Nước Mỹ có thể vỡ nợ ra sao?

Nước Mỹ đang tiến đến bờ vực vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử do những bế tắc chính trị tại Washington D.C. Ngày 17/10 tới đây là thời điểm mà Bộ trưởng Tài chính Jack Lew nói rằng Bộ của ông sẽ hết sạch mọi “biện pháp đặc biệt” để gia hạn khả năng vay mượn của chính phủ mà không phá vỡ trần nợ về mặt kỹ thuật. Sau ngày này, ngân khố Mỹ chỉ còn 30 tỉ USD, trong khi một ngày chính phủ có thể tiêu tốn đến 60 tỉ USD.

Vậy nước Mỹ có thể bị vỡ nợ như thế nào và khi nào?

Chính phủ Mỹ và Quốc hội đang bế tắc cả về kế hoạch ngân sách năm tài chính mới lẫn việc nâng trần nợ công. Ảnh: AP


Nước Mỹ có thể vỡ nợ ra sao?

Washington chỉ thu được khoảng 70 xu tiền thuế cho mỗi dollar chi tiêu, vì thế chính phủ phải vay mượn để trang trải bằng cách phát hành trái phiếu. Điều này rất dễ dàng vì có rất nhiều nhà đầu tư muốn cho nước Mỹ vay tiền. Vấn đề là ở chỗ: Quốc hội đã đặt ra một mức trần nợ để chính phủ không chi tiêu bừa bãi nhiều hơn mức có thể chịu trách nhiệm và các nhà lập pháp hiện chưa đạt được thỏa thuận để nâng mức trần này lên.

Khi ai đó mua trái phiếu, có nghĩa họ đang cho chính phủ vay tiền, và chính phủ phải trả lãi hàng tháng. Khoản tiền lãi này là khổng lồ - lãi phải trả trong tháng 10 là khoảng 13 tỉ USD, vào ngày 17/10. Khoản thanh toán lãi trong tháng 11 sẽ là khoảng 25 tỉ USD.

Vậy Washington sẽ vỡ nợ vào 17/10?

Không, nhưng khi đó chính phủ sẽ ở mức thiếu tiền mặt nguy hiểm. Đến ngày 17/10 thì Bộ Tài chính Mỹ không còn biện pháp xoay sở nào để gia hạn khả năng vay mượn mà không phá vỡ trần nợ. Khi không thể vay nợ thêm, các hóa đơn thanh toán sẽ phải trả bằng tiền mặt có sẵn và các khoản thu nhập đang thu về. Bộ Tài chính đã tính toán khi đó ngân khố chỉ còn khoảng 30 tỉ USD. 

Số tiền đó đủ dùng trong bao lâu?

Không được lâu. Văn phòng Ngân sách quốc hội cho rằng, nước Mỹ sẽ bắt đầu lỡ các khoản thanh toán đối với ít nhất một số nghĩa vụ nợ của mình trong khoảng ngày 22/10 đến cuối tháng 10. Không ai biết thời điểm chính xác bởi không thể biết doanh thu từ thuế trong ngày mai của nước Mỹ sẽ là bao nhiêu.

Nước Mỹ sẽ vỡ nợ khi cạn tiền, đúng không?

Điều đó phụ thuộc vào cách định nghĩa vỡ nợ. Trong lịch sử, vỡ nợ là khi một quốc gia lỡ hạn thanh toán cho một chủ nợ. Chính quyền Tổng thống Obama nói rằng, vỡ nợ sẽ xảy ra khi lỡ bất cứ khoản thanh toán, kể cả thanh toán cho bảo hiểm y tế công cộng. Hóa đơn lớn thực sự đầu tiên sau khi phá vỡ trần nợ là khoản thanh toán An sinh xã hội 12 tỉ USD vào ngày 23/10.

Khi nào thì các thị trường tài chính “tan chảy”?

Các thị trường sẽ được báo động khi các chủ nợ không được trả lãi trong một thời gian đã gia hạn. Nhiều nhà phân tích cho rằng chính phủ ít nhất nên thử ưu tiên các khoản thanh toán về nợ quốc gia, nhưng quan chức Bộ tài chính cho rằng, chọn lựa hóa đơn nào để thanh toán trước là bất khả thi. Những khoản thanh toán đầu tiên dự kiến sau khi phá vỡ trần nợ là vào ngày 17, 24 và 31/10. Khoản đầu tiên này có lẽ sẽ không bị lỡ, nhưng chính phủ có thể không đủ tiền cho các khoản vào 24 và 31/10.

Chính quyền của Tổng thống Obama đau đầu tìm cách khai thông bế tắc để mở cửa trở lại chính phủ và tránh nước Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ. Ảnh: AFP


Vỡ nợ ảnh hưởng nền kinh tế ra sao?

Một khi vỡ nợ xảy ra, chỉ sau một đêm chính phủ phải cắt giảm mạnh chi tiêu khoảng một phần ba. Lực cản tài chính, nếu kéo dài trong trọn một năm, sẽ tương đương 4,2 % tổng sản lượng kinh tế quốc gia, theo tính toán của Goldman Sachs. Đó là chưa tính nguy cơ khủng hoảng tài chính. Nếu các nhà đầu tư mất bình tĩnh, các thị trường chứng khoán có thể biến động, ảnh hưởng tới các quỹ hưu trí và khiến người tiêu dùng chi tiêu ít đi.

Các thị trường tín dụng có thể “đóng băng” vì giới đầu tư thế giới có thể xem xét lại giá trị các khoản nợ hàng ngàn tỉ USD của Mỹ. Bộ tài chính nước này mới đây cảnh báo vỡ nợ có thể gây ra suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái thập niên 1930.

Liệu có cách nào để thoát khỏi nguy cơ này?

Đội ngũ hoạch định chính sách của Washington đã bắt đầu thử mọi ý tưởng, để về lý thuyết có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng trần nợ. Bộ Tài chính có thể in 1 ngàn tỉ USD tiền giấy và thế chấp ở Cục Dự trữ liên bang, làm tăng một cách “kỳ diệu” két bạc của chính phủ. Chính quyền Obama cũng có thể tự nâng trần nợ bằng cách áp dụng Tu chính án thứ 14 của hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên Nhà Trắng đã bác bỏ cả hai cách giải quyết này, bởi nguyên nhân cốt lõi nước Mỹ vỡ nợ không phải do nền kinh tế yếu kém, chỉ là hệ thống chính trị đang gặp trục trặc, và cách giải quyết hợp lý nhất là một thỏa thuận giữa Nhà Trắng và Quốc hội.


Bạch Đàn (Theo SCMP)
Chính phủ Mỹ đóng cửa tuần thứ hai
Chính phủ Mỹ đóng cửa tuần thứ hai

Tính đến ngày 7/10, bộ phận Chính phủ liên bang Mỹ bị đóng cửa do thiếu kinh phí ngân sách đã bước sang tuần thứ hai, nhưng các bên gồm Quốc hội hai viện và cơ quan hành pháp vẫn bảo lưu quan điểm của mình, quyết không chịu nhượng bộ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN