Những kẻ thù 'thân thiện': Nghịch lý Mỹ -Trung

Theo mạng tin "ipolitics.ca" ngày 4/6, trước cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 7/6 tới, hai nước đang bên bờ vực một cuộc xung đột địa chính trị. Như chính sự thừa nhận của các quan chức hai nước, Trung Quốc hiện là một cường quốc trỗi dậy cổ điển, sẵn sàng thách thức sự thống trị của Mỹ. Về lịch sử, siêu cường toàn cầu duy nhất không bao giờ chịu "bó giáo quy hàng" mà không chiến đấu.

Công ty Shuanghui International Holdings Ltd. (Trung Quốc) đã mua công ty Smithfield Foods Inc. của Mỹ với giá 4,7 tỷ USD.


"Sự trỗi dậy hòa bình" là một khẩu hiệu hữu ích đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Còn "sự suy giảm hòa bình của Mỹ" sẽ chẳng khiến ai có thể đắc cử, dù là ứng cử viên của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa. Địa chính trị luôn là một ván bài "một mất, một còn". Nếu Trung Quốc có thể sao chép các hệ thống phòng thủ tên lửa, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Mỹ, vị thế toàn cầu của Mỹ sẽ bị xói mòn và những lợi ích sẽ rơi vào tay Trung Quốc.

Thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang phát triển mạnh. Tuần trước, công ty Shuanghui International Holdings Ltd. có trụ sở tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã mua công ty chế biến thịt lợn khổng lồ Smithfield Foods Inc. của Mỹ với giá 4,7 tỷ USD. Đây là hợp đồng mua công ty Mỹ lớn nhất từ trước đến nay và đó là lý do để hy vọng. Quyền sở hữu các công ty lớn của nhau không thể đảm bảo hòa bình hay khiến xung đột có thể biến mất qua một đêm, nhưng nó có thể khiến hai bên có động lực để quản lý xung đột và không để xung đột địa chính trị vượt qua những lợi ích lớn do thương mại đem lại.

Căng thẳng gia tăng liên quan tới các cuộc tấn công mạng và thương vụ mua lại công ty Smithfield đang minh họa cho thực trạng nghịch lý trong mối quan hệ Trung - Mỹ và giải thích tại sao các quan chức hai nước đang phải vật lộn để đưa ra một khuôn khổ khái niệm mới để có thể hiểu được sự thay đổi này. Trước đây chưa từng có một cường quốc đang trỗi dậy nào lại trở nên phụ thuộc về kinh tế với quốc gia mà nó đang thách thức như Trung Quốc với Mỹ hiện nay. Ngoài việc Mỹ đang chiếm 25% thị phần xuất khẩu của Trung Quốc, hay Bắc Kinh đang nắm giữ 8% số nợ quốc gia của Mỹ, hiện còn có khoảng 200.000 người Trung Quốc đang học tập tại Mỹ và khoảng 80.000 người Mỹ đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc.

Sự kết hợp giữa cạnh tranh địa chính trị và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đang đặt điều kiện cho một cuộc chiến, sẽ không phải là Chiến tranh Lạnh mới, mà đúng hơn là một cuộc "Chiến tranh Nguội". Nếu Liên Xô trước đây và Mỹ đã tránh được một cuộc xung đột tổng lực do cùng chắc chắn về sự hủy diệt hạt nhân, thì mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay được xác định bằng nguy cơ mà hai bên cùng chắc chắn về sự hủy diệt kinh tế. Chi phí kinh tế của xung đột bạo lực sẽ lớn đến mức không tính nổi.

Tổng thống Obama nên làm gì để chuẩn bị cho một hội nghị cấp cao, nơi ông sẽ đối diện với một người muốn Trung Quốc có vai trò lớn hơn trong các mối quan hệ song phương? Đầu tiên ông Obama phải hiểu được cấu trúc động cơ của Trung Quốc. Công luận Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc kỳ vọng Trung Quốc đang trỗi dậy sẽ phải được Mỹ đối xử như một đối tác và ông Tập Cận Bình - người đã nói về việc đạt được "Giấc mơ Trung Hoa" - phải hài hòa được sự kỳ vọng này trong trung hạn. Tuy nhiên, trước mắt, tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng cao do xuất khẩu dẫn đầu. Và công việc quan trọng nhất của ông Tập Cận Bình trong "ngày nay, ngày mai và muôn đời sau" là giữ cho Đảng tiếp tục nắm quyền.

Do Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Mỹ và Trung Quốc cần hội nhập vào kinh tế toàn cầu để duy trì sức mạnh kinh tế, nên thông điệp của ông Obama là Mỹ sẽ không dung thứ trước các cuộc tấn công mạng, được thiết kế để thay đổi cán cân quân sự-chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Chiến lược lâu dài để quản lý cuộc "Chiến tranh Nguội" cũng tương tự như vậy: Hãy để cho những lợi ích tích cực từ thương mại làm đòn bẩy cho những sáng kiến của cả hai bên để tránh bạo lực và hướng đến hợp tác. Trung Quốc và Mỹ không thể tạo ra điều không tưởng, nhưng có thể sử dụng sự thần kỳ của hợp tác kinh tế và thương mại để tránh chiến tranh giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới.


TTXVN/Tin tức

Đối thoại Mỹ - Trung về tin tặc liệu có kết quả?
Đối thoại Mỹ - Trung về tin tặc liệu có kết quả?

Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí sẽ tổ chức đối thoại cấp cao thường xuyên hơn nhằm chuẩn hóa các khái niệm về an ninh mạng và gián điệp thương mại. Tuy nhiên, dư luận cũng tỏ ra nghi ngờ về thành công của các cuộc đối thoại này.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN