Theo Julius Cesar I. Trajano, chuyên gia phân tích cao cấp tại Ban nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, chuyến thăm gần đây Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Manila đã tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Philippines và hai nước đã xích lại gần nhau hơn cùng phản ứng với sự quyết đoán của Trung Quốc cũng như có chung lợi ích về kinh tế. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines B. Aquino trong chuyến thăm Manila tháng 7/2013. Ảnh: Internet |
Trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, ông Abe tuyên bố rằng Tokyo và Manila sẽ mở rộng phạm vi hợp tác hàng hải và kinh tế của họ. Tokyo sẽ mở rộng một khoản vay tín dụng dự phòng để sẵn sàng ứng phó với thảm họa thiên tai của Philippines và đề nghị tiếp tục hỗ trợ cho tiến trình hòa bình đối với Mindanao (hòn đảo lớn thứ hai, nằm ở phía bắc Philippines) cũng như một loạt các sáng kiến khác.
Khi hai nước ký Hiệp định quan hệ đối tác chiến lược năm 2011, mục đích ban đầu chỉ đơn giản là tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nguồn nhân lực và đầu tư giữa hai nền kinh tế thông qua việc thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản-Philippines. Nhưng kể từ khi Abe lên làm thủ tướng Nhật, các mối quan hệ hai nước đã chuyển trọng tâm sang hợp tác an ninh hàng hải.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Abe hứa hỗ trợ 10 tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Philippines thông qua một thỏa thuận cho vay. Nhìn bề ngoài, thỏa thuận này sẽ không gây nghi ngờ cho bất cứ ai, vì cả Nhật Bản và Philippines đều là những quốc gia hàng hải và đều muốn đảm bảo an ninh hàng hải và tự do hàng hải ở Biển Đông, tuyến đường biển quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, sự hợp tác này có thể được xem như một phản ứng rõ ràng đối với một mối đe dọa chung – sự tăng cường sức mạnh hải quân trên Biển Đông và Biển Hoa Đông của Trung Quốc. Mối quan hệ với Nhật Bản chỉ là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Philippines: tăng cường hợp tác quốc phòng với các đồng minh của mình để bù đắp cho khả năng quân sự hạn chế cũng như sư bất an của nước này trước người khổng lồ Trung Quốc.
Phương pháp tiếp cận đa phương của Manila đối với an ninh ở Biển Đông cũng là một nỗ lực để chống lại sự khẳng định của Bắc Kinh đòi đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông - tạo thế hợp pháp mang tính chiến lược nhằm làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của Manila. Đây cũng là lý do tại sao Tổng thống Aquino quyết định sẽ cho phép Mỹ và Nhật Bản tiếp cận căn cứ hải quân Subic, một căn cứ quân sự cũ của Mỹ và có vị trí chiến lược trên Biển Đông.
Nhật Bản cũng có lợi từ việc tăng cường hợp tác này. Philippines sẽ đóng một vai trò trong chiến lược phòng thủ mới hồi sinh của Nhật Bản trong việc triển khai hải quân và các máy bay giám sát để bảo vệ những hòn đảo hẻo lánh trên biển Hoa Đông. Ngoài ra, một mối quan hệ gần gũi hơn với Philippines cũng phù hợp với chiến lược chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong việc tái can dự sâu hơn vào ASEAN.
Nhìn chung, quan hệ đối tác hồi sinh giữa hai nước sẽ hữu ích. Bởi vì ngoài vấn đề an ninh hàng hải và tranh chấp chủ quyền, chính phủ Nhật Bản hiểu rằng, nếu muốn thành công nền kinh tế nước này cần phải thắt chặt quan hệ với các nước ASEAN rất sôi động và đang cải cách mạnh mẽ. Và Philippines, một nước có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực ASEAN, đang là điểm đến đầu tư và một thị trường béo bở cho các công ty Nhật Bản vốn đang phải tìm kiếm những thị trường thay thế Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống Nhật Bản lan rộng khiến cho công việc kinh doanh của các công ty này bị gián đoạn.
CT (Theo Eastasiaforum.org)