Cuộc gặp cấp chính phủ được chờ đợi giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên dự kiến diễn ra trong hai ngày 12 - 13/6 tại Seoul đã bất ngờ bị hủy bỏ vào phút chót do hai bên không thể thống nhất về thành phần tham dự. Một lần nữa, cộng đồng quốc tế khó có thể hy vọng vào một bước tiến khả quan như mong đợi chừng nào hai miền Triều Tiên còn thiếu tin tưởng lẫn nhau.
Việc hủy bỏ này chủ yếu do phía Hàn Quốc chủ động với lý do không nhất trí được về cấp quan chức sẽ dẫn đầu phái đoàn mỗi bên. Phía Triều Tiên khẳng định chỉ tiến hành đàm phán nếu Hàn Quốc cử quan chức cấp Bộ trưởng tham dự, nhưng Xơun lại đề xuất cử thứ trưởng Bộ Thống nhất Kim Nam-shik. Trong khi đó, Bình Nhưỡng đề cử ông Kang Ji-young, Giám đốc Ủy ban tái thống nhất hòa bình Triều Tiên làm trưởng đoàn đàm phán. Theo hãng tin Yonhap, Xơun từng đề xuất cử Bộ trưởng Thống nhất Ryoo Kihl-jae tới tham dự hội đàm với điều kiện Bình Nhưỡng phải cử ông Kim Yang Gon, Bí thư Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên, nhưng đã bị từ chối. Ngoài ra, hai bên còn bất đồng về chương trình nghị sự. Hàn Quốc muốn cuộc hội đàm hai ngày tập trung vào bình thường hóa hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong, nối lại tour du lịch tới Núi Kumgang và đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Nhưng theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, Triều Tiên lại muốn bàn cả việc cùng tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 13 Tuyên bố chung liên Triều và lễ kỷ niệm lần thứ 41 Thông cáo chung liên Triều.
Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Song-Hye (phải) và trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Chun Hae-Sung (trái) sau khi kết thúc cuộc đàm phán cấp chuyên viên tại làng đình chiến Panmunjom ngày 10/6. Ảnh: YONHAP-TTXVN |
Hiện chưa bên nào cho biết cuộc hội đàm bị hoãn hay bị hủy vô thời hạn. Lần cuối cùng hai miền Triều Tiên tổ chức các cuộc hội đàm cấp chuyên viên là vào tháng 2/2011, và kể từ năm 2007 hai bên không có cuộc gặp cấp bộ trưởng nào.
Vở kịch mang tên Triều Tiên?
Hơn hai tháng sau tuyên bố đe dọa biến Seoul thành “biển lửa” và giáng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu vào các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản, Triều Tiên đã thành công trong việc đưa Hàn Quốc trở lại bàn đàm phán. Ngày 9/6, các quan chức hai miền đã tổ chức cuộc gặp cấp chuyên viên lần đầu tiên sau nhiều năm, trong một nỗ lực nhằm đẩy lùi hàng thập kỷ mất lòng tin với nhau và tìm kiếm một cái kết tích cực cho nhiều tháng căng thẳng quân sự leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Mục đích của các cuộc thảo luận cấp chuyên viên tại làng đình chiến Panmunjom là mở đường cho các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng hai nước ở Seoul. Các cuộc thảo luận đã tập trung vào việc khôi phục các mối quan hệ thương mại vốn bị đình hoãn trong thời gian qua, trong đó có khu công nghiệp chung Kaesong mà Triều Tiên đã đóng cửa hồi tháng 4/2013, khi căng thẳng giữa hai nước lên đến đỉnh điểm.
Một điểm đáng chú ý là các cuộc thảo luận trên diễn ra ngay sau một động thái bất ngờ của Triều Tiên - đó là việc Bình Nhưỡng đột ngột thay đổi giọng điệu gay gắt lâu nay và đề xuất tiến hành đối thoại giữa hai miền. Hàn Quốc đã nhanh chóng đưa ra câu trả lời bằng cách đề nghị tổ chức một cuộc gặp cấp bộ trưởng ở Seoul. Tuy nhiên, phía Triều Tiên yêu cầu tiến hành các cuộc hội đàm cấp thấp hơn trước, và kết quả chính là cuộc gặp mặt ngày 9/6 tại làng Panmunjom (sau khi đã thay đổi địa điểm họp hai lần). Theo một số chuyên gia phân tích, nhiều khả năng Triều Tiên áp dụng chiến thuật câu giờ để chờ tin tức tình báo từ Sunnylands, bang California (Mỹ) về thỏa thuận của cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Không phải ngẫu nhiên Triều Tiên đưa ra đề xuất hội đàm trùng với thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands. Đề nghị này đánh đi một tín hiệu (chưa biết thật giả) rằng Triều Tiên sẵn sàng có hành động thực sự có ý nghĩa để làm tan tảng băng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Và kịch bản Sunnylands
Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands kết thúc với tuyên bố quan trọng nhất là sự đồng thuận giữa hai cường quốc Mỹ, Trung để đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Các nhà quan sát cho rằng cuộc đối thoại liên Triều lần này là kết quả của chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sức ép từ Bắc Kinh đã buộc Bình Nhưỡng phải có cách tiếp cận vấn đề khác để giảm thiểu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, vốn không có lợi cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Thời gian gần đây, Trung Quốc - đồng minh lớn duy nhất và cũng là nhà tài trợ kinh tế của Triều Tiên - đã phải chịu áp lực từ Mỹ yêu cầu nước này kiềm chế và thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chiến lược gây bất ổn thông qua các hành động mang tính đối đầu. Hơn nữa, Trung Quốc cũng muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vì nước này không muốn có một cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử ở Đông Bắc Á, điều sẽ dẫn tới việc Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu bom hạt nhân.
Về phần Mỹ, lý do chính khiến siêu cường này trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương không phải vì đồng minh Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên hay vì Đông Nam Á, mà là vì một Trung Quốc đang trỗi dậy muốn chia sẻ quyền lực kinh tế - chính trị và quân sự với Mỹ. Dù xem Trung Quốc là một đối trọng, nhưng để đặt lên bàn cân chiến lược sự lựa chọn giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ rõ ràng sẽ chọn Trung Quốc vì giữa hai nước có quá nhiều ràng buộc về lợi ích và không thể tách rời.
Có người ví thế giới như một sòng bài lớn mà Mỹ là chủ sòng bài và các quốc gia còn lại là những con bạc khát nước. Lịch sử thế giới đã nhiều lần chứng tỏ vận mệnh các nước nhỏ do các nước lớn chi phối. Một lần nữa, lá bài Triều Tiên lại được đem ra “mặc cả” ở Sunnylands. Các siêu cường xem ra đã chia xong quân bài, vấn đề còn lại là các nước nhỏ phải đủ tầm nhìn để quyết định lá bài có trong tay.
Nguyệt Ánh