Khả năng xảy ra 'Mùa xuân Saudi Arabia'

Theo mạng tin "Project syndicate" ngày 17/11, Saudi Arabia -một trong những xã hội "cứng nhắc" nhất thế giới Arập- hiện đang ở trong trạng thái thay đổi. Các quan hệ của vương quốc Hồi giáo này với phương Tây, nhất là Mỹ, đang lung lay khi tình hình biến động tại Trung Đông và Bắc Phi do Mùa xuân Arập gây ra. Trong khi đó, một mầm mống phản kháng trong nước đã xuất hiện khi một nhóm phụ nữ thách thức lệnh cấm phụ nữ lái xe tại Saudi Arabia.

Lực lượng đặc nhiệm Saudi Arabia. Ảnh: AFP-TTXVN


Mặc dù Saudi Arabia vẫn là nền kinh tế Arập lớn nhất, sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới và người bảo vệ Hồi giáo dòng Sunni nhưng ảnh hưởng chính trị của quốc gia này đã bị thu hẹp đáng kể trong những năm gần đây.

Từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 2000, Saudi Arabia là nhà điều phối hoạt động chính trị toàn Arập, với các cung điện tại Riyadh và Jeddah đã thu hút nhiều nhà chính trị trong toàn thế giới Arập. Nhưng từ đó đến nay, các phòng tiếp tân gần như trống không. Qatar - với sự giàu có dường như vô tận và một chiến lược truyền thông, đầu tư và đối ngoại toàn diện đang thay thế Saudi Arabia làm trọng tài quyết định trong hầu hết các cuộc xung đột tại Trung Đông.

Sự giảm sút ảnh hưởng chính trị của Saudi Arabia đang góp phần làm tăng cảm giác suy giảm quốc gia. Những nỗ lực cải cách của Quốc vương Abdullah - nhất là những cải cách nhằm hạn chế quyền lực của phái tôn giáo cực kỳ bảo thủ Wahhabi-Salafi đang mất đà, và cái chết của hai Thái tử đang làm phức tạp thêm tiến trình chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ.

Mặc dù các nhà lãnh đạo Saudi Arabia đang tìm cách huy động sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu bằng cách phân phối một phần đáng kể thu nhập từ dầu mỏ vào các chương trình hỗ trợ tín dụng và phúc lợi có mục tiêu nhưng tình trạng đói nghèo lan rộng và bất bình đẳng thu nhập vẫn tồn tại.

Những người Hồi giáo dòng Shi'ite tại tỉnh Đông giàu dầu mỏ đã nhiều lần thách thức lệnh cấm biểu tình chống chế độ. Và chiến dịch của Saudi Arabia nhằm chống lại những người Hồi giáo Shi'ite tại Yemen đang chứng tỏ là kéo dài và tốn kém hơn dự tính.

Trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo Saudi Arabia vẫn quan ngại về việc trao quyền cho người dân và làm gián đoạn trật tự Arập mà họ đã chi phối trong 3 thập kỷ qua. Đối với những người Wahhabi tại Saudi Arabia, những hình thức đổi mới của chính trị Hồi giáo là một nguy cơ chiến lược.

Trong năm qua, gia đình Hoàng gia Saudi Arabia đang tập trung giải quyết nhiều thách thức. Quốc vương Abdullah đã có những thay đổi nhân sự quan trọng trong các bộ quốc phòng, nội vụ, đối ngoại và tình báo. Chính phủ cũng đang tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế. Và một số phái trong gia đình Hoàng gia Saudi Arabia đang thận trọng vươn đến các tổ chức xã hội dân sự, tìm cách khuyến khích họ tham gia cuộc đối thoại về tương lai đất nước.

Hơn nữa, để chống lại ảnh hưởng của Iran tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải, Saudi Arabia đang tăng cường hỗ trợ cho các đồng minh tại Iraq, Jordan, Liban và chịu trách nhiệm tài trợ, trang bị vũ khí và chỉ đạo các lực lượng đối lập và phiến quân tại Syria. Saudi Arabia cũng hỗ trợ việc ngăn chặn sự nổi lên của chính trị Hồi giáo tại Bắc Phi, trong đó có ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi.

Tuy nhiên, không có chính sách nào trong số những chính sách trên giải quyết thách thức cơ bản mà Saudi Arabia đang phải đối mặt, đó là sự giàu có đang suy giảm. Saudi Arabia được dự báo trở thành quốc gia nhập khẩu năng lượng ròng vào năm 2030. Do nhiều ngành kinh tế đang thiếu sức cạnh tranh và hệ thống giáo dục bất cập, dân số Saudi Arabia, với 70% dưới 35 tuổi, sẽ có tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục trong những năm tới.

Vấn đề là những thách thức rõ ràng mà Saudi Arabia đang đối mặt hiện vẫn chưa xuất hiện. Việc tiếp tục không có hành động kiên quyết có thể dễ dàng dẫn Saudi Arabia tới tình trạng suy sụp không thể đảo ngược.

Trong một kịch bản như vậy, nền kinh tế đang dần suy yếu sẽ ảnh hưởng đến khả năng của chính phủ trong việc mua chuộc sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu, trong khi tạo điều kiện cho các nhóm phiến quân ở khu vực phía Đông và phía Nam làm xói mòn thẩm quyền của chính phủ. Điều này có thể khiến học thuyết chính trị và tôn giáo Wahhabi mất sự ủng hộ của giới trẻ và châm ngòi cho một cuộc đấu đá nội bộ trong chính phủ.


Thanh Hoa

Vì sao Arập Xêút tránh can dự vào cuộc nội chiến Syria
Vì sao Arập Xêút tránh can dự vào cuộc nội chiến Syria

Theo các nhà phân tích, bị ám ảnh bởi kinh nghiệm cuộc chiến Afghanistan, nơi hàng trăm lính Arập Xêút đã tham chiến để rồi trở về gieo rắc khủng bố, vương quốc này đang cố gắng tránh phải chịu những hệ quả tương tự từ cuộc xung đột Syria.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN