Kết thúc có hậu với cuộc hôn nhân 'Chị Đen - Anh Đỏ'

Gần ba tháng sau cuộc tổng tuyển cử, nước Đức đã chính thức có một chính phủ mới. Ngay sau khi nhậm chức, nội các mới đã đi vào hoạt động. Và như vậy, cuộc "hôn nhân" giữa liên đảng bảo thủ Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ xã hội (SPD) mà báo chí Đức thường gọi là mối lương duyên Đen (CDU/CSU)- Đỏ (SPD) đã có một cái kết có hậu.

Tổng thống Đức Joachim Gauck phát biểu trước khi thực hiện nghi thức trao quyết định bổ nhiệm Thủ tướng cho bà Angela Merkel trong buổi Lễ bổ nhiệm ngày 17/12/2013 tại Phủ Tổng thống Đức ở Berlin.


Gập gềnh tìm đến nhau

Sau cuộc tổng tuyển cử hôm 22/9 với kết quả không đảng nào giành được quá bán để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ, Liên đảng bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel đã tiến hành đàm phán thăm dò với cả hai đảng SPD và đảng Xanh. Cuối cùng, liên đảng bảo thủ đã chọn đối tác tham gia đàm phán chính thức là đảng trung tả của ông Sigmar Gabriel.

Tiến trình đàm phán bắt đầu từ hôm 23/10 diễn ra hết sức căng thẳng, nhiều lúc tưởng chừng đổ vỡ do sự khác biệt về nhiều lĩnh vực của các bên tham gia.

SPD luôn khẳng định, thậm chí tuyên bố là "tối hậu thư" về một số vấn đề không thể thoả hiệp trong đàm phán như lương tối thiểu, tăng thuế với người có thu nhập cao hay vấn đề quốc tịch kép. Trong khi CDU/CSU luôn bác bỏ vấn đề lương tối thiểu, yêu cầu áp dụng chính sách hưu trí mới, kế hoạch chăm sóc con cái hay vấn đề hôn nhân đồng tính. Đặc biệt, SCU không thoả hiệp trong yêu sách đòi đánh thuế xe ôtô của người nước ngoài ở Đức, điều mà ngay cả cho tới lúc này, SPD và cả Thủ tướng Merkel cũng cho là không khả thi.

Tuy nhiên, cuối cùng những vấn đề then chốt vốn được các đảng nêu trong cương lĩnh tranh cử đã đạt được sự thống nhất, hay nói đúng hơn là sự nhượng bộ. Một bản thoả thuận liên minh dày 185 trang đã được hoàn tất sau cuộc đàm phán marathon cuối cùng giữa ba đảng hôm 27/11.

Tiếp đó, văn kiện liên minh đã được liên đảng bảo thủ thông qua, đồng thời cũng nhận được sự ủng hộ của đa số đảng viên SPD trong một cuộc trưng cầu ý kiến về việc có hay không tham gia chính phủ liên minh với đảng trung hữu. Đã có lúc dư luận ở Đức bóng gió tới nguy cơ đổ vỡ của kế hoạch liên minh nếu các đảng viên SPD phản đối thoả thuận hợp tác này.

"Siêu bộ" và những bất ngờ


Trong nội các mới, Chủ tịch SPD Gabriel sẽ giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng. Đây được coi là "siêu bộ", bởi lĩnh vực năng lượng trước đây do Bộ Môi trường cùng quản lý. Đây cũng là yêu sách của SPD, từng đòi lập một bộ năng lượng riêng để điều hành, quản lý cuộc cách mạng năng lượng trong tiến trình chuyển đổi năng lượng sang chủ yếu sử dụng nguồn năng lượng có thể tái tạo.

Ngoài mở rộng quản lý ở Bộ Kinh tế, SPD cũng đã thành công khi "kéo" lĩnh vực xây dựng từ Bộ giao thông (CSU đảm nhiệm) về Bộ Bộ Môi trường và lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng từ Bộ Nông nghiệp (CSU) về Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất khi cả ba đảng thông báo danh tính các bộ trưởng nội các là vị trí Bộ trưởng Quốc phòng dành cho bà Ursula von der Leyen, trước là Bộ trưởng Lao động và Xã hội. Bà Merkel là nữ Thủ tướng đầu tiên của nước CHLB Đức và trong nhiệm kỳ 3, nhà lãnh đạo Đức cũng đã lần đầu tiên trong lịch sử đưa một phụ nữ vào lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Đành rằng bà Leyen là nữ chính khách tài ba, giỏi cả tiếng Anh và tiếng Pháp, song việc đưa bà sang nắm một bộ như bộ Quốc phòng là điều hoàn toàn bất ngờ. Báo chí sở tại đánh giá đây là gương mặt sáng giá của liên đảng bảo thủ và việc bà được bổ nhiệm đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức được cho là bước chuẩn bị cho thế hệ kế cận của đảng trong cuộc tổng tuyển cử vào 4 năm tới.

Về người phụ nữ quyền lực nhất thế giới    

Thủ tướng Angela Merkel sinh ngày 17/7/1954 tại thành phố Hamburg, được cử giữ chức Chủ tịch CDU từ năm 2000. Bà trúng cử vào Quốc hội năm 1990 và từ năm 1991 - 1998, bà giữ các chức vụ Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên rồi Bộ trưởng Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên và An toàn lò phản ứng hạt nhân.

Năm 2005, bà được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng và là nữ Thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức. Tiếp đó, năm 2009, bà lại được tái bầu đứng đầu nội các trong chính phủ liên minh với đảng Dân chủ Tự do (FDP). Với nhiệm kỳ mới này, bà Merkel sẽ là vị thủ tướng nắm quyền với thời gian dài thứ ba ở Đức kể từ năm 1949, trước đó là cố Thủ tướng đầu tiên của nước Đức Konrad Adenauer (CDU) trên 14 năm và cựu Thủ tướng Helmut Kohl (CDU) 16 năm.

Liên tiếp trong các năm từ năm 2006 đến nay (trừ năm 2010), bà Merkel được tạp chí danh tiếng Forbes bầu là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới với khả năng điều hành đầu tàu kinh tế châu Âu "nhẹ nhàng" lướt trên cuộc khủng hoảng đã có thời điểm khiến hàng loạt quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) lao đao.

Giờ đây, một nhiệm kỳ bốn năm đang đón đợi chính trị gia 59 tuổi với nhiều thách thức phía trước, một phần do sự ràng buộc về chính sách và việc phân công quản lý giữa các đảng. Bà được tái bầu với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục 462 phiếu thuận.

Tuy nhiên, riêng điều này cũng đã nói lên sự chia rẽ bắt nguồn ngay từ chính liên đảng cầm quyền. Bởi chỉ tính riêng CDU/CSU (311 ghế) và SPD (193 ghế), số phiếu thuận trên cho thấy đã có 42 nghị sĩ trong liên đảng cầm quyền bỏ phiếu chống.

Một cuộc hôn nhân giữa "Chị Đen và Anh Đỏ" tới đây liệu có thuận lợi và suôn sẻ như khi bắt đầu cuộc hôn nhân này? Thời gian sẽ trả lời.


Mạnh Hùng

Đức: Kẻ được, người mất trong nội các mới
Đức: Kẻ được, người mất trong nội các mới

Ngày 15/12, hai đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã công bố danh sách các vị trí nội các mà mỗi đảng nắm giữ, theo đó, CDU nắm chức Thủ tướng, Chánh văn phòng nội các cùng 5 bộ, CSU nắm 3 bộ trong khi SPD nắm 6 bộ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN