Phái đoàn chính phủ Syria và phe đối lập dự kiến sẽ tới Geneva hôm 22/1, để tham dự đàm phán hòa bình nhằm tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc xung đột tại Syria (gọi tắt là Hội nghị Geneva 2).Đây là lần đầu tiên sau gần 3 năm, các đại diện trong chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập do phương Tây hậu thuẫn mới lại gặp nhau. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nói rằng, đàm phán bước ngoặt này sẽ mang “một sứ mệnh của hy vọng” mà các bên cần phải nắm lấy để chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng ở Syria.
Geneva 2 liệu có mang lại một lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại Syria? Ảnh: AFP |
Tiến trình và mục đích chính của Geneva 2Một năm sau khi nổ ra cuộc xung đột đẫm máu ở Syria (3/2011), cả Moscow và Washington đi đến thống nhất rằng chỉ có một giải pháp chính trị mới giúp khai thông được khủng hoảng, bế tắc chính trị ở Syria. Tháng 6/2012, quan chức của Nga, Mỹ cùng với nhiều nước lớn tụ họp tại Geneva, đạt được thỏa thuận về lộ trình chuyển tiếp chính trị cho Syria, còn được gọi với tên khác là “Tuyên bố chung Geneva”. Bản lộ trình đề cập đến việc thiết lập một mô hình chính quyền chuyển tiếp được các phe phái tại Syria chấp thuận, có đủ thực quyền giám sát các cuộc bầu cử và đưa đất nước tiến theo mô hình dân chủ. Kể từ đó, dù các bên đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy Tuyên bố chung, nhưng đều thất bại, mà nguyên do chủ yếu nhất là việc xác địnhh ai là người đại diện cho phe đối lập Syria, vai trò của Tổng thống Assad trong và sau thời kỳ chuyển tiếp là gì.
Tháng 11/2013, Tổng thư ký Ban Ki-moon đưa ra thời hạn cho vòng hội đàm mới, ngày 22/1 và gọi Hội nghị Geneva 2 là “một phương tiện cho chuyển tiếp hòa bình”. Mục tiêu của Geneva 2 là đi đến một thỏa thuận giữa chính phủ và phe đối lập về việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố chung Geneva.
Phái đoàn Syria sẽ do Ngoại trưởng Walid al-Muallem dẫn đầu. Ngoài ra còn có Thứ trưởng Faisal al-Moqdad, Cố vấn Tổng thống Bouthaina Shaaban, đại sứ Syria tại LHQ Bashar al-Jaafari. Ahmad Jarba, Chủ tịch Liên minh Dân tộc Syria (SNC), sẽ là người đứng đầu phe đối lập tham dự hội nghị. Cùng với đó là khoảng 10 đại biểu đại diện cho các sắc tộc, nhóm đối lập tại Syria.
Về sự tham gia của quốc tế, dự kiến sẽ có khoảng 30 nước cử đoàn tham dự. Đây là những nước được Đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập gửi thư mời.
Quan điểm các bên và triển vọng đàm phánChính phủ Syria xác nhận sẽ tham dự hội nghị, nhưng cương quyết không chấp thuận yêu sách của phe đối lập buộc Tổng thống Assad từ chức. Họ cũng muốn các cuộc hội đàm sẽ đặt ưu tiên vào cuộc chiến “chống chủ nghĩa khủng bố”, mà thực chất là chấm dứt sự hỗ trợ cho những nhóm khủng bố có vũ trang ở Syria. Ngoại trưởng Syria nhấn mạnh, đó sẽ là một “phần quan trọng cho bất kỳ một giải pháp chính trị thành công nào đối với khủng hoảng ở Syria”.
Nhóm đối lập lớn nhất, SNC, mãi đến hôm 18/1 mới bỏ phiếu thông qua việc tham dự Geneva 2, sau nhiều ngày tranh luận căng thẳng. Trước đó, SNC khẳng định sẽ chỉ dự hội nghị nếu như một số yêu cầu được thỏa mãn, trong đó có việc thả tù nhân chính trị, thiết lập hành lang cứu hộ và buộc ông Assad không giữ bất kì vai trò nào trong chính quyền chuyển tiếp. Tuy nhiên, các nhóm đối lập khác tham gia trực tiếp trên chiến trường Syria quyết định không cử đại diện tham dự, tuyên bố không quan tâm đến kết quả Geneva 2, vì đây là một “công cụ lừa bịp”.
Lãnh đạo các nước lớn nhìn nhận Geneva 2 là cơ hội tốt nhất để đưa Syria thoát khỏi vòng quay xung đột đẫm máu. Tuy nhiên, khả năng đạt được một thỏa thuận tại hội nghị này vẫn là dấu hỏi lớn, mà chủ yếu là liên quan đến vai trò của ông Assad trong tương lai. Phe đối lập muốn ông Assad từ chức, còn chính phủ thì khẳng định bất kể quá trình chuyển tiếp diễn ra như thế nào cũng không thể loại bỏ vai trò của Tổng thống, ngầm khẳng định ông Assad sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử vào tháng 4 tới. Thêm vào đó, việc thủ lĩnh của nhóm phiến quân nổi dậy tuyên bố không màng tới kết quả Geneva 2 cho thấy, không dễ để đạt được một hiệp định ngừng bắn tại Syria ở hội nghị lần này.
HT (Al Jazeera)