Quốc đảo Cyprus (Síp) và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận giải cứu nền kinh tế nhỏ bé đang đứng bên bờ vực phá sản này. Đây là tin tốt cho Cyprus. Ngay cả nếu thỏa thuận không đem lại kết quả như mong muốn thì ít nhất nó cũng tạm thời chấm dứt tình trạng bất ổn cho quốc đảo này và chắc chắn đây cũng là tin tốt cho EU.
Nga có nguy cơ mất hàng tỷ USD gửi tiết kiệm trong các ngân hàng của Cyprus. |
Tuy nhiên, theo tờ “Bưu điện Washington” (Mỹ), toàn bộ câu chuyện giải cứu theo các điều khoản được mô tả lại là tin xấu với nước Nga. Nó cho thấy sự thất bại của Nga trong việc khẳng định lại ảnh hưởng một thời của mình ở châu Âu cũng như khả năng của Nga vươn lên là một lựa chọn đối với các quốc gia Đông Âu khác.
Một số lợi ích của Nga bị đe dọa trong thỏa thuận giải cứu của EU đối với quốc đảo Síp. Trước hết, các công dân Nga có nguy cơ mất hàng tỷ USD gửi tiết kiệm trong các ngân hàng của Cyprus, thiên đường trốn thuế của các tỷ phủ Nga. Thứ hai là đảo Síp - một đồng minh nhỏ bé nhưng hữu ích - sẽ xa rời Nga hơn, khiến Nga mất đi một chỗ đứng của mình ở châu Âu.
Tiến trình đàm phán để giải cứu Cyprus thực tế là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Nga và EU. Khi các nhà lập pháp Cyprus nỗ lực đàm phán gói giải cứu với EU, họ cũng tìm cách thương thuyết để giãn nợ và vay tín dụng từ Nga. Điểm cốt lõi của các cuộc đàm phán này là nếu họ nhận được nhiều hỗ trợ từ Nga, họ sẽ nhận ít hơn từ EU và gói cứu trợ vì thế cũng bớt đau đớn hơn. Cyprus đã cần Nga đến mức nước này chấp nhận nhượng cho Nga cổ phần tại các mỏ khí vừa mới được phát hiện gần đây.
Đây là cơ hội tốt để quốc đảo này trung thành hơn với Nga và cũng cho thấy Moscow là một lựa chọn tốt hơn so với Brussels, một phần trong nỗ lực của Nga suốt thập kỷ qua nhằm kéo Đông Âu trở lại quỹ đạo của Nga. Trong các cuộc thương thuyết, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã công khai chỉ trích EU, ví liên mình này như “một chú voi trong cửa hàng đồ gốm”. Thế nhưng, các cuộc đàm phán giữa Cyprus và Nga kết thúc mập mờ, với việc các quan chức Nga nói với người đồng cấp Síp rằng họ không sẵn lòng chấp thuận điều gì.
Trong thỏa thuận đạt được hiện nay với EU, người gửi tiền có hơn 130.000 USD trong các ngân hàng Cyprus - mà phần nhiều trong số này là giới nhà giàu Nga - sẽ thiệt thòi nhiều hơn so với trước thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán Nga - Cyprus. Cyprus ngày càng cảm thấy biết ơn EU, trong khi mức độ quan hệ với Nga sẽ dần suy giảm. Tất nhiên, Nga không thể nhanh chóng mất đi mối quan hệ như vậy với Cyprus vì các mối liên hệ chính trị, văn hóa vẫn khá sâu đậm, nhưng rõ ràng Moscow đã không tận dụng được cơ hội để thể hiện mình.
Giải pháp cứng rắn, hoặc "được ăn cả, ngã về không" của Moscow không chỉ đẩy Cyprus tiến gần hơn tới EU. Cách tiếp cận này có điều gì đó giống với tư duy thời Chiến tranh Lạnh, kết cục là sự mở rộng của NATO tới tận Romania. Đó có thể là trường hợp đặc biệt, nhưng dẫu sao nó cũng phản ánh một phần trong chính sách đối ngoại của Nga. Năm 2009, việc Nga ngừng xuất khẩu khí đốt sang Ukraine để gây sức ép trả nợ với nước này đã khiến Nga đã mất đi 1 tỷ USD tiền xuất khẩu và làm giảm uy tín của nước này, vốn luôn được coi là một nguồn cung cấp năng lượng an toàn.
Dan Drezner viết trên "Tạp chí chính sách đối ngoại" khi bình luận về thỏa thuận giải cứu Cyprus như sau: “Nga đã có nhiều cơ hội để trở thành một đối trọng với EU, nhưng Moscow đã không thể lay chuyển vị thế của một EU đang ốm yếu đối với thành viên vốn có quan hệ thân cận nhất với Nga”.
Quang Tuyến