Ai Cập bước vào giai đoạn bất ổn mới

Ngày 14/8, tình hình Ai Cập tiếp tục có các diễn biến bất ổn mới sau khi lực lượng an ninh cưỡng chế và trục xuất đám đông người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi ra khỏi hai khu cắm trại - nơi họ đã tiến hành các cuộc biểu tình ngồi trong suốt sáu tuần qua nhằm yêu cầu phục chức cho nhà lãnh đạo Ai Cập đầu tiên được bầu dân chủ.

Việc hàng chục người thiệt mạng và một vài lãnh đạo của tổ chức Anh em Hồi giáo bị bắt giam sau cuộc trấn áp của chính quyền đã khiến cho phong trào chính thống này bị thiệt hại nặng nề và ở trong tình trạng bị cô lập nghiêm trọng. Sự kiện vừa qua cũng khiến Phó Tổng thống Mohamed ElBaradei, chủ nhân giải Nobel Hòa bình và là một nhà lãnh đạo ủng hộ cải cách trong chính phủ lâm thời, quyết định từ chức nhằm phản đối các cuộc đàn áp bạo lực trong bối cảnh giới lãnh đạo được quân đội hậu thuẫn áp đặt tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm trong vòng một tháng.

Xe ủi đi qua khu trại của những người biểu tình bị đốt cháy ở Cairo ngày 14/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Chính quyền lâm thời, lên lãnh đạo đất nước sau khi ông Morsi bị lật đổ hôm 3/7, nhiều ngày trước đã cảnh báo rằng họ đang lên kế hoạch giải tán các khu cắm trại biểu tình - nguyên nhân chính gây cản trở giao thông tại một số khu vực ở thủ đô Cairo. Chính quyền cáo buộc những người nổi dậy đã dọa dẫm người dân ở các khu vực lân cận, làm bùng phát bạo lực và cản trở giao thông.

Tháng trước, Chỉ huy trưởng Quân đội, Tướng Abdel-Fattah el-Sisi - người phế truất ông Morsi - đã kêu gọi tập hợp lực lượng nhằm phản đối các cuộc nổi dậy. Cuộc tập hợp ngày 26/7 đã quy tụ được hàng triệu người. Sau đó, Chính quyền tuyên bố các nỗ lực ngoại giao đã thất bại và quyết định giải tán các khu biểu tình ngồi là "điều chắc chắn sẽ xảy ra". Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Morsi đã tìm cách phòng thủ và gia cố các khu biểu tình, và thậm chí số người tham gia biểu tình đã tăng lên sau khi truyền thông hôm 12/8 tiết lộ thông tin về các kế hoạch trấn áp. Cảnh sát cho biết họ đã hoãn lại quyết định này song không nói rõ sẽ hoãn đến bao giờ.

Tổ chức Anh em Hồi giáo tuyên bố ủng hộ ông Morsi và khẳng định sẽ duy trì các khu trại biểu tình cho tới khi nhà lãnh đạo này được phục chức. Những người Hồi giáo đã phủ nhận tiến trình chính trị mà quân đội đề xuất - trong đó kêu gọi sửa đổi bản Hiến pháp được ban hành năm 2012 và tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống vào đầu năm tới.

Chính quyền lâm thời cùng những nhà hoạt động xã hội tự do và thế tục nói rằng phòng trào chống lại vị tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập là hoàn toàn chính đáng do nhà lãnh đạo này đã lạm dụng quyền lực và đất nước cần tìm kiếm một cơ hội thứ hai để tiến tới dân chủ. Chính quyền đã có nhiều biện pháp nhằm cưỡng chế các thủ lĩnh Anh em Hồi giáo, bắt giam một số nhân vật quan trọng với cáo buộc có những hành vi kích động bạo lực.

Các nỗ lực về mặt ngoại giao của cộng đồng quốc tế, như những cuộc điện đàm và các chuyến thăm của nhiều nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu nhằm thúc đẩy hòa giải, đã thất bại. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng nhiều quan chức phương Tây và các quốc gia Hồi giáo khác đã lên tiếng phản đối những diễn biến bạo lực vừa qua. Ông Kerry cho rằng điều này đã "giáng một cú đòn" vào các nỗ lực hòa giải chính trị, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo chính quyền lâm thời kiềm chế và có biện pháp hợp lý để kiểm soát tình hình.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Barack Obama không hề tỏ dấu hiệu cho thấy họ sẽ thay đổi chính sách đối với Ai Cập. Các quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ nói rằng vai trò của Mỹ chủ yếu là kêu gọi và hỗ trợ chính quyền lâm thời hoàn thành các cam kết về cải cách chính trị mà họ đã đưa ra.

Hầu hết người dân Ai Cập theo đạo Hồi, song phần đông những người ủng hộ chủ trương ôn hòa lại tỏ ra ác cảm đối với Anh em Hồi giáo do lo ngại ông Morsi và các đồng minh có thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ một phiên bản luật Hồi giáo hà khắc hơn đối với đất nước. Tuy nhiên, cũng có nhiều người phản đối các cuộc đàn áp bạo lực và cho rằng xã hội Ai Cập khó có thể ổn định nếu thiếu sự tham gia của lực lượng Hồi giáo trong tiến trình chính trị.

Quyết định từ chức của ông ElBaradei là dấu hiệu đầu tiên cho thấy những rạn nứt trong nội bộ chính quyền lâm thời cũng như sự chia rẽ về quan điểm của giới lãnh đạo. Ông ElBaradei, từng là người đứng đầu cơ quan thanh sát hạt nhân của Liên hợp quốc, chỉ vừa mới được bổ nhiệm hồi tháng trước vào vị trí Phó Tổng thống phụ trách đối ngoại. Trong bức thư từ chức, chính khách này đã bày tỏ sự thất vọng khi thừa nhận Ai Cập đang chia rẽ và bất ổn hơn nhiều so với thời điểm ông nhậm chức.

Trong bối cảnh như hiện nay, thật khó để dự đoán về tương lai của Ai Cập. Thêm một số thủ lĩnh của Tổ chức Anh em Hồi giáo, trong đó có các nhân vật quyền lực như Mohammed el-Beltagy và Essam el-Erian, đã bị bắt giam sau khi lực lượng an ninh càn quét hai khu trại biểu tình. Giới quan sát cho rằng Anh em Hồi giáo có thể sẽ rất chật vật trong việc tái tập hợp lực lượng do những người nổi dậy ủng hộ ông Morsi tại các khu trại này đang tỏ ra vô cùng sợ hãi.

Bất chấp việc chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên cả nước để kiềm chế bạo lực, song các vụ đụng độ lẻ tẻ vẫn xảy ra trong đêm. Sự tức giận về việc ông Morsi bị lật đổ đã dẫn tới làn sóng bạo lực của các tay súng Hồi giáo ở phía Bắc Bán đảo Sinai, giáp Israel và Dải Gaza. Những phần tử cực đoan có thể sẽ lợi dụng sự bất bình về các cuộc đàn áp và con số dân thường thương vong để kích động bạo lực tại khu vực nhạy cảm này và nhiều nơi khác trên khắp Ai Cập.


TTK







Xem quân đội Ai Cập bắn, ném lựu đạn cay người biểu tình
Xem quân đội Ai Cập bắn, ném lựu đạn cay người biểu tình

Lực lượng an ninh Ai Cập đã bắn, ném lựu đạn cay và dùng xe ủi đất để giải tán biểu tình ngồi của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi ngày 14/8 tại Cairo, Ai Cập, khiến gần 300 người thiệt mạng trong đó có hơn 40 cảnh sát và 2.000 người bị thương.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN