12:10 25/12/2014

Thảm họa sóng thần tại Ấn Độ Dương: 10 năm nhìn lại

Đợt sóng thần cao tới 30m đã lan tỏa nhanh chóng từ tâm chấn với vận tốc 800km/h, ập vào bờ biển của 11 quốc gia nằm dọc bờ Ấn Độ Dương gồm Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Thái Lan...

Sóng thần là một trong những thảm họa thiên nhiên vô cùng khủng khiếp, nó có thể tàn phá, thậm chí là hủy diệt cả một thành phố, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều trận “đại hồng thủy” kỷ lục, một trong số đó là thảm họa sóng thần kinh hoàng xảy ra ở Ấn Độ Dương đã cướp đi sinh mạng của hơn 225.000 người cách đây đúng 10 năm, ngày 26/12/2004.

10 năm đã trôi qua, song trong ký ức của nhiều người dân châu Á nói riêng và người dân trên thế giới nói chung, thảm họa kinh hoàng do trận động đất, sóng thần gây ra ở khu vực Ấn Độ Dương hẳn vẫn chưa phai mờ.

Trận động đất sáng sớm ngày 26/12/2004 ngoài khơi mũi Bắc quần đảo Sumatra (Indonesia) được ghi nhận là trận động đất lớn đầu tiên xảy ra ở khu vực kể từ năm 1833. Một số chuyên gia ước tính rằng năng lượng tỏa ra trong trận động đất này tương đương với 9.500 quả bom nguyên tử đã làm một số hòn đảo nhỏ bên bờ phía Tây Nam của Sumatra bị xê dịch về phía Tây Nam khoảng 20m.

Sự phóng thích ứng suất từ chuyển động trượt chìm này đã tạo ra một vùng sụp gẫy dài hơn 1200km và sâu gần 10m dưới đáy đại dương. Sự dịch chuyển của nền đại dương đã khuấy động một lượng nước khổng lồ dọc theo vùng sụp gẫy, tạo ra một hiện tượng tự nhiên vô cùng nguy hiểm: sóng thần.

Sau trận sóng thần, người đàn ông may mắn sống sót quay trở lại nơi gia đình ông sinh sống ở thành phố Banda Aceh, Indonesia để tìm kiếm thi thể người thân.


Chỉ trong vòng vài giờ, đợt sóng thần cao tới 30m, đã lan tỏa nhanh chóng từ tâm chấn với vận tốc 800km/h, ập vào bờ biển của 11 quốc gia nằm dọc bờ Ấn Độ Dương gồm Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Somalia, Kenya, Seychelles, Tanzania quét trôi bãi biển, nhà cửa, cơ sở vật chất hạ tầng và người ra ngoài biển khơi.

Cơn sóng thần này đã thật sự phát huy khả năng tàn phá ghê gớm trên suốt 5.000 km đường di chuyển của nó trên đại dương. Đây được đánh giá là đợt sóng thần gây thảm họa chết người và tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử. Có khoảng hơn 225.000 người chết. Hàng triệu người mất hết nhà cửa. Đảo Sumatra là tâm chấn của thảm họạ. Indonesia là nước bị thiệt hại nhiều nhất.
 
Ước tính tổng thiệt hại trong trận động đất và sóng thần ở Indonesia lên tới 4,5 tỷ USD. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhận định, hơn 1 triệu người dân Indonesia rơi vào cảnh nghèo khó sau thảm họa này, cùng với 900.000 người khác ở Ấn Độ và Sri Lanka.

Sau khi thảm họa sóng thần xảy ra, ông Koffi Annan, khi đó là Tổng thư ký Liên hợp quốc đã nói rằng phải mất ít nhất 10 năm mới có thể khắc phục được hậu quả thảm khốc này. Cộng đồng quốc tế, các tỏ chức nhân đạo đã đổ hàng tỷ USD để viện trợ cho các nước bị ảnh hưởng. Các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đã thành lập một liên minh để đảm bảo rằng viện trợ đến đích nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể. Cùng với những nỗ lực không ngừng của chính phủ các nước, 10 năm sau cuộc sống tại những “vùng đất chết” đã bắt đầu hồi sinh.

Đồ họa: TTXVN


Thiệt hại về vật chất thì có thể bù đắp song những ảm ánh kinh hoàng về trận sóng thần này thì khó có thể xóa nhòa, đặc biệt là đối với trẻ em.

Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) với 1.600 trẻ em sống sót ở 4 nước, thảm hoạ sóng thần đã có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ em, đặc biệt là với trẻ em Indonesia mạnh hơn ở các nước khác. Tổ chức UNICEF cho rằng 1/3 trẻ em bi quan về tương lai, trong đó nhiều em cảm thấy cuộc sống hiện tại còn tệ hơn sau khi bị sóng thần.

Ở ba nước là Thái Lan, Sri Lanka và Ấn Độ có 80% trẻ em nói cảm thấy thiếu tự tin về tương lai, 3/4 trẻ em ở Thái Lan sợ mất người thân trong gia đình. Hơn 50% trẻ được phỏng vấn ở Ấn Độ và Sri Lanka lo sợ cho những thảm họa khác. Nhiều trẻ em nói không còn thấy thoải mái khi bơi hay chơi trên bờ biển.

Nhằm tránh lặp lại thảm họa động đất và sóng thần lịch sử này, một hệ thống cảnh báo sóng thần sớm được xây dựng tại các nước khu vực Ấn Độ Dương đã chính thức đi vào hoạt động vào ngày 12/10/2011. Tổng cộng có 24 quốc gia tham gia hệ thống cảnh báo sóng thần sớm do UNESCO và Nhật Bản hỗ trợ.


TTTL/TTXVN