06:22 24/06/2015

Thách thức từ những hủ tục, biến tướng

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song ở một số nơi, việc cưới, việc tang và lễ hội vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục, biến tướng và có nguy cơ lan rộng.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song ở một số nơi, việc cưới, việc tang và lễ hội vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục, biến tướng và có nguy cơ lan rộng. Nguy cơ xói mòn giá trị đạo đức, bản sắc dân tộc, cùng với những biểu hiện trục lợi ngày càng rõ nét... đang trở thành thách thức đối với công tác quản lý nhà nước.

Vẫn tồn tại nhiều hủ tục, biến tướng trong lễ hội. Ảnh: Lê Phú


Theo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT& DL), việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội nhiều năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Những phong tục tập quán tốt đẹp được bảo tồn, những hình thức lỗi thời, lạc hậu được dần dần loại bỏ. Nhiều địa phương đã nghiên cứu, xây dựng những hình thức tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống... Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hủ tục chưa được khắc phục, những diễn biến phức tạp nảy sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường đang tác động đến tư tưởng, nếp sống, lối sống của một bộ phận nhân dân. Đại diện Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh, những thách thức này không chỉ phản ánh tác động của mặt trái kinh tế thị trường, mà còn liên quan đến sự chuyển đổi các giá trị. Những giá trị văn hóa tinh thần trước đây vốn được coi trọng thì nay bị các hiện tượng trục lợi lấn át; các giá trị vật chất có xu hướng lấn át giá trị văn hóa truyền thống trong các hoạt động cưới, tang, lễ hội.

Có thể thấy, bên cạnh những đám cưới lành mạnh, tiết kiệm, rất nhiều đám cưới được tổ chức phô trương, lãng phí, vụ lợi. Điều đáng nói là rất nhiều đám cưới hàng trăm mâm lại do cán bộ, công chức, đảng viên, các gia đình khá giả tổ chức. Trong quá trình tổ chức đám cưới, nhiều nghi thức truyền thống đã bị pha trộn, biến dạng. Nhiều đám cưới đi thuê, mượn các xe sang trọng để rước dâu cho “hoành tráng”. Trang phục, quà cưới, hoa cưới và cả nghi lễ tổ chức đám cưới đều bị Tây hóa, không còn giữ được những nét bản sắc của truyền thống văn hóa Việt... Có thể kể đến một vài đám cưới như đám cưới “khủng” ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), đám cưới đình đám của con Tổng Giám đốc Công ty CP thủy sản Bình An với dàn siêu xe, trong khi bản thân doanh nghiệp này đang nợ công nhân hàng trăm tỷ đồng tiền lương…

Việc tổ chức tang ma vẫn còn nhiều tập tục lạc hậu, tiêu cực như cúng bái, cầu hồn, cầu siêu, cúng tuần phô trương, cúng viếng quá nhiều vòng hoa, câu đối, bức trướng, rải rắc vàng mã, tiền giấy trên đường đưa tang vừa tốn kém vừa mất vệ sinh. Tình trạng ganh đua xây mồ mả quy mô lớn, gây lãng phí đất đai và phản cảm trong nghĩa trang…

Hoạt động lễ hội cũng diễn ra phức tạp, biểu hiện lễ lấn hội. Nhiều địa phương đua nhau nâng cấp lễ hội nhằm trục lợi để kinh doanh lễ hội. Tình trạng quan chức xuất hiện ở nhiều lễ hội gây dư luận không tốt… Một số người dân đi dự lễ hội thiếu ý thức có nhiều hành vi thiếu văn hóa, phản văn hóa như cướp lễ, đánh nhau. Bên cạnh đó, còn những tập tục lạc hậu không phù hợp xã hội đương đại, bị dư luận xã hội lên án là phản cảm như các lễ hội cầu trâu, chém lợn...

Theo GS.TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH VN), ý thức của người đi lễ hiện nay thay đổi nhiều, nhiều người đi lễ nhằm cầu mong lợi lộc, công danh, nên có sự tranh giành, cướp lộc. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ các lễ hội cũng đang là nguyên nhân của các xích mích, tranh giành nhau giữa các chủ thể tổ chức lễ hội, nảy sinh những vấn đề phức tạp… đòi hỏi quản lý Nhà nước cần suy nghĩ và tìm giải pháp xử lý.

Từ những thách thức trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang và lễ hội ở nhiều địa phương hiện nay, TS Lê Thị Bích Hồng, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho rằng, các cấp chính quyền cần có hướng dẫn, quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội văn minh; xây dựng chế tài xử lý những cán bộ vi phạm… Bên cạnh đó, cần có các quy định, mô hình tổ chức việc cưới, tang lễ hội văn minh, phù hợp với từng địa bàn. Chính quyền cần vận động giáo dục nhân dân bỏ dần thói quen, tập tục trái với nếp sống văn minh.

Ông Trần Quốc Oanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Kạn cho rằng, các ngành, các cấp của tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, vận động, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới tang, lễ hội. Nhiều nơi lấy đó làm tiêu chí gắn với việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa, gắn với danh hiệu thi đua của cán bộ Đảng viên, công nhân viên chức… Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn các cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, tích cực vận động gia đình, người dân trên địa bàn cư trú thực hiện các quy ước, hương ước, phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phù hợp xu thế phát triển của xã hội.
Phương Hà