12:17 31/12/2011

Thách thức trên con đường tái cử của Tổng thống Obama

Còn gần 1 năm là tới ngày người dân Mỹ quyết định xem Tổng thống Barack Obama có xứng đáng giữ thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa hay không (6/11/2012).

Còn gần 1 năm là tới ngày người dân Mỹ quyết định xem Tổng thống Barack Obama có xứng đáng giữ thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa hay không (6/11/2012). Tháng 1/2012, người Cộng hòa cũng sẽ bắt đầu bỏ phiếu tại các cuộc bầu cử sơ bộ với ứng cử viên hàng đầu hiện nay là Mitt Romney, cựu Thống đốc bang Massachusetts, New Gingrich, cựu chủ tịch Hạ viện, và Ron Paul, Hạ nghị sỹ bang Texas.

Mặc dù gần đây có những dấu hiệu cải thiện về tỷ lệ ủng hộ đối với đương kim Tổng thống Obama, nhưng những thách thức tái cử đối với ông còn rất lớn. Sự mất lòng tin đối với cơ quan công quyền, khủng hoảng kinh tế chưa có lối thoát đang là những vấn đề làm đau đầu vị đương kim tổng thống này. Tuy vậy, chặng đường gần 1 năm phía trước vẫn còn đủ dài để ông điều chỉnh chính sách để lấy lại lòng tin của cử tri như: cải thiện kinh tế, tạo việc làm, có chiến dịch tranh cử thông minh để giành thế thượng phong.

Cử tri mất lòng tin

Nước Mỹ đang bế tắc khi lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đang bị cản trở bởi không khí chính trị năm bầu cử tổng thống. Quốc hội lưỡng đảng Mỹ không tìm được sự thỏa hiệp trong các vấn đề quan trọng như ngân sách, gói kích thích kinh tế tạo việc làm... để giải quyết thế bế tắc này. Lẽ dĩ nhiên là các chính trị gia tham gia tranh cử của cả hai đảng đều chịu trận trước sự mất lòng tin của cử tri, nhưng người đang điều hành chính phủ là đương kim tổng thống Obama phải chịu nhiều búa rìu dư luận hơn cả vì những thành tích điều hành đất nước của ông.

Ảnh: Internet

Nước Mỹ đúng là đang ở thế kẹt: mức xếp hạng tín nhiệm bị đánh tụt, tỉ lệ thất nghiệp luôn ở mức gần 9%, trong đó số người thất nghiệp dài hạn chiếm tỷ lệ lớn nhất kể từ những năm 1940. Trong khi đó, quyền lực siêu cường của nước Mỹ đang chuyển dần sang khu vực khác. Nền kinh tế được coi là sáng tạo và lạc quan nhất thế giới đã mất đi “lá bùa” của mình. Chẳng thế mà cứ 4 người dân Mỹ được hỏi thì 3 người cho rằng nước Mỹ đang đi sai đường và 8 trong 10 người đuợc hỏi mất lòng tin vào chính phủ.

Theo kết quả thăm dò dự luận của Đài truyền hình CBS và Thời báo New York tháng 10/2011, chỉ 10% cử tri tin rằng chính quyền liên bang đang làm tốt nhiệm vụ của mình, mức độ thấp kỷ lục từ khi ông Obama lên nắm quyền. Trong khi đó, chỉ 9% cử tri hài lòng với sự vận hành của Quốc hội Mỹ hiện nay. Một cuộc thăm dò tương tự của Viện Gallup cùng thời gian đã cho thấy một thái độ tiêu cực “lịch sử” đối với chính phủ khi 81% người được hỏi tỏ thái độ không hài lòng với cách điều hành đất nước của chính phủ. Đây quả thực là đòn giáng mạnh vào Tổng thống Obama trong nỗ lực tái cử năm 2012.

Kinh tế yếu kém

Không khó để thấy được tại sao cử tri lại cảm thấy thất vọng như vậy đối với chính phủ và các chính trị gia. Mọi thứ đều bắt nguồn từ nền kinh tế yếu kém đang phải vật lộn để thoát khỏi suy thoái lần 2. Vẫn theo kết quả thăm dò dư luận của CBS và Thời báo New York, 57% cử tri coi vấn đề kinh tế và việc làm là những vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ đang phải đối mặt, so với 5% quan tâm đến thâm hụt ngân sách, 2% quan tâm đến sức khỏe và giáo dục và 1% quan tâm đến vấn đề nghèo đói, tội phạm và chiến tranh. Phần lớn cử tri cho rằng nền kinh tế Mỹ đang diễn biến tồi tệ và họ không hy vọng mọi thứ sớm được cải thiện.

Ở giai đoạn đầu tiên sau khi ông Obama lên nắm quyền, phần lớn người Mỹ còn đỗ lỗi cho cựu Tổng thống Bush và người Cộng hòa về những rắc rối của nền kinh tế Mỹ. Nhưng thời điểm này, có tới 53% cử tri cho rằng Tổng thống Obama phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với tình trạng kinh tế tồi tệ hiện nay, tăng 20% so với giai đoạn đầu. Đáng lo ngại là có tới 60% cử tri độc lập, những lá phiếu mang tính quyết định cho việc tái cử của bất kỳ ứng viên nào, đổ lỗi cho ông Obama về tình hình kinh tế hiện nay.

Dù biết rằng cải thiện được điều kiện kinh tế sẽ tạo được ưu thế vượt trội cho mình, nhưng những giải pháp ông Obama đưa ra đang bị Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát Hạ viện tìm mọi cách ngăn cản. Ông đã cố gắng tìm kiếm sự thỏa hiệp nhưng dường như người Cộng hòa không cho ông cơ hội. Ông đã không thể đạt được một giải pháp về ngân sách dài hạn do ủy ban lưỡng đảng Simpson – Bowles đề xuất khi ủy ban này do chính ông bổ nhiệm. Kể từ sau vụ nâng trần nợ công đầy căng thẳng mùa hè vừa qua, ông chẳng làm được gì hơn ngoài việc xoay quanh quan điểm cánh tả, hứa hẹn với cử tri ủng hộ ông rằng vấn đề ngân sách có thể được giải quyết bằng việc đánh thuế “những triệu phú, tỷ phú”.

Còn nhiều cơ hội

Tuy nhiên, một năm là thời gian khá dài đối với nền chính trị Mỹ. Dù gì đi nữa, ở thời điểm hiện tại ông Obama cũng đang có những ưu thế nhất định để khởi động cuộc đua. Trong khi ông đã gần như chắc chắn là đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử thì người Cộng hòa vẫn còn mất thời gian đấu đá nhau từ nay đến tháng 8/2012 để chọn ra ứng viên đại diện cho đảng. Như vậy, ví như trong một cuộc đua ngựa, ông Obama đang có lợi thế hơn một cái đầu so với các ứng viên đối lập. Số tiền ông Obama quyên góp được cho chiến dịch tranh cử tới thời điểm này lớn hơn nhiều so với tổng số tiền quyên góp của các ứng cử viên Cộng hòa cộng lại.
Theo viện nghiên cứu Brookings có trụ sở tại Oasinhtơn, trong gần 1 năm tới, ba nhân tố có thể làm thay đổi lợi thế cho Tổng thống Obama, gồm: (1) Tăng trưởng kinh tế có thể vượt ngoài mong đợi và tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm đủ mạnh để khôi phục hy vọng về tương lai của người dân Mỹ; (2) Người Cộng hòa có thể tự làm khó mình nếu chỉ định một ứng viên không thuộc dòng chính hay không đủ tư cách cho vị trí tổng thống. (3) Bộ máy tranh cử của Tổng thống Obama có thể đưa ra quyết định thông minh khi ưu tiên tập trung vào những bang có tính quyết định đến các cuộc bầu cử tổng thống trong nửa cuối thế kỷ trước và sẵn sàng thực hiện điều đó cho cuộc bầu cử năm tới.

Ngoài ra, để tạo sự khác biệt, ông Obama có thể học bài học của cựu Tổng thống Bill Clinton trong chiến dịch tái cử năm 1994 là: giữ lập trường chính trị ôn hòa, tìm cách đoàn kết người dân Mỹ. Ông sẽ ở vị trí trung tâm, sẵn sàng hợp tác với hai đảng để cùng đưa nước Mỹ thoát khỏi bế tắc hiện nay. Chủ trương này sẽ hóa giải chủ trương “phá bĩnh” của phe Cộng hòa mà theo đánh giá của các chuyên gia có thể làm mất đi lá phiếu của nhóm cử tri độc lập.

Kết quả thăm dò dư luận của Viện Gallup (Mỹ) công bố ngày 27/12 cho thấy, tỉ lệ ủng hộ ông Obama là 47% so với 45% tỉ lệ không ủng hộ. Đây là lần đầu tiên trong 5 tháng qua, tỉ lệ ủng hộ đối với ông Obama cao hơn tỉ lệ không ủng hộ. Về tương quan lực lượng với các ứng viên đảng Cộng hòa, kết quả cuộc thăm dò chung của hãng thông tấn AP và công ty thăm dò dư luận GfK trong thời gian từ 8 - 12/12 cho thấy, có 47% số người được hỏi sẽ lựa chọn ông Obama so với 46% chọn ông Mitt Romney. Ông Obama thậm chí còn dẫn điểm với khoảng cách khá xa (51% - 42%) so với đối thủ đang nổi lên của đảng Cộng hòa Newt Gingrich.

Quang Tuyến