04:08 19/04/2012

Thách thức địa lý đối với phát triển vùng nội địa Trung Quốc

Phát triển các tỉnh nội địa là một ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua. Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau cuộc suy thoái toàn cầu 2008 - 2009, khi mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng...

Phát triển các tỉnh nội địa là một ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua. Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau cuộc suy thoái toàn cầu 2008 - 2009, khi mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng, phát triển vùng nội địa càng nổi lên như là một sáng kiến chính sách - một đòi hỏi cấp bách và cơ bản về kinh tế. Hiện đại hóa và kết nối vùng nội địa nghèo đói và đông dân được coi là bước đi cốt yếu để xây dựng một nền tảng tiêu dùng nội địa đủ mạnh để cho phép chuyển nền kinh tế Trung Quốc từ mô hình hiện nay sang mô hình ổn định hơn về lâu dài.

Tuy vậy, theo mạng phân tích thông tin tình báo chiến lược Stratfor (Mỹ), không giống như Mỹ, nước hưởng lợi từ việc có một vùng đất thấp rộng lớn, dễ đi lại và được kết nối bởi một hệ thống sông duy nhất, vùng nội địa của Trung Quốc gồ ghề và rất khác nhau. Ngày nay, mặc dù Bắc Kinh đã nỗ lực thúc đẩy nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối nội bộ cũng như giữa các khu vực, nhưng khó khăn của việc hội nhập và phát triển các tỉnh nội địa của Trung Quốc vẫn tồn tại do sự đa dạng địa lý của khu vực, sự cách xa khu vực duyên hải giàu có và việc dân số lớn nhưng nằm rải rác về địa lý.

Bắc Kinh đặt phát triển khu vực nội địa là ưu tiên hàng đầu vào năm 1999, khi Chủ tịch Giang Trạch Dân đưa ra sáng kiến "Tây tiến" nhằm đưa vùng viễn tây của Trung Quốc vào nền kinh tế quốc gia. Tuy vậy, "Tây tiến" chỉ là một phần của tiến trình này. Khu vực quan trọng nhất trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tái cấu trúc nền kinh tế là miền trung Trung Quốc. Nhưng địa lý của miền trung Trung Quốc đặt ra những thách thức to lớn đối với hội nhập và phát triển kinh tế.

Khái niệm miền trung Trung Quốc xuất phát từ kế hoạch "Sự nổi lên của miền trung Trung Quốc" được Bắc Kinh đưa ra năm 2004 và muốn nhắc đến 6 tỉnh là Hồ Nam, Hồ Bắc, Sơn Tây, An Huy, Giang Tây và Hà Nam. Tổng diện tích của miền trung Trung Quốc (bao gồm cả Tứ Xuyên và Trùng Khánh) là khoảng 1,63 triệu km2, nhưng có dân số lên đến 500 triệu người, bằng tổng dân số của Mỹ và Braxin.

Thách thức đầu tiên đối với việc phát triển miền trung Trung Quốc là việc cách xa biển. Không giống như các tỉnh ven biển, có các trung tâm kinh tế lớn giáp biển và do đó có thể tiếp cận trực tiếp các tuyến đường vận tải biển toàn cầu, sự cô lập về mặt địa lý của khu vực nội địa Trung Quốc làm cho việc sản xuất theo hướng xuất khẩu ở khu vực này trở nên ít hấp dẫn. Ví dụ như việc vận chuyển hàng hóa từ Hồ Nam và An Huy đều chậm và tốn kém hơn so với vận chuyển từ Chiết Giang hay Quảng Đông.

Đây là một khó khăn đối với Bắc Kinh. Khi nào nền kinh tế vẫn còn hướng tới sản xuất để xuất khẩu thay vì tiêu dùng nội địa, Trung Quốc vẫn khó có thể kết nối hoàn toàn các tỉnh miền trung thành một cơ sở sản xuất khả thi về mặt kinh tế. Tuy vậy, tiêu dùng nội địa lớn hơn, như mục tiêu cuối cùng của việc tái cấu trúc và cải cách kinh tế do Bắc Kinh đề ra, sẽ yêu cầu cả việc tiếp tục tăng trưởng ở vùng ven biển và việc phát triển ở khu vực nội địa. Do đó, Bắc Kinh đang cố gắng chuyển nền kinh tế vào sâu phía nội địa bằng việc chuẩn bị nền móng cho tiêu dùng nội địa.

Tuy vậy, khi nào nền kinh tế Trung Quốc vẫn dựa vào xuất khẩu, đại đa số dân chúng khu vực miền trung Trung Quốc (ngoài một số khu vực kinh tế hàng đầu như Trùng Khánh và Vũ Hán) sẽ vẫn phải tự nuôi mình bằng nông nghiệp và công nghiệp nhỏ. Vì vậy, việc cách xa bờ biển của khu vực miền trung Trung Quốc làm cho Bắc Kinh gặp khó khăn hơn trong việc thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đang ngày càng lung lay. Trong khi đó, mô hình này đang làm gia tăng sự khác biệt giữa các khu vực - điều mà Trung Quốc đang muốn khắc phục.

Sự đa dạng về địa lý của khu vực miền trung Trung Quốc chỉ làm trầm trọng thêm khó khăn về khoảng cách. Đa số các tỉnh nội địa của Trung Quốc có cấu trúc kinh tế rất mất cân bằng với ngành công nghiệp thứ hai và thứ ba tập trung quanh một thành phố hoặc một cụm thành phố nhỏ (thường là gần sông), trong khi phần còn lại của tỉnh canh tác nông nghiệp tự cung tự cấp.

Ngay cả khi các trung tâm đô thị chính của khu vực nội địa Trung Quốc trở thành các trung tâm sản xuất và hội nhập vào các dây chuyền cung cấp vận tải và đường sắt quốc gia, việc phân phối sự phát triển cho các phần còn lại của tỉnh cũng rất khó khăn. Trong tương lai gần, những nỗ lực nhằm san bằng sự khác biệt về kinh tế giữa vùng nội địa và vùng ven biển của Trung Quốc có thể sẽ buộc các tỉnh nội địa lại tạo ra và gia tăng những khác biệt tương tự về cấu trúc (như sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn). Cuối cùng, tăng trưởng có thể lan rộng, nhưng sẽ mất thời gian và cần một sự phân cấp kinh tế lớn hơn và cơ sở hạ tầng tốt hơn.

Đình Thư