06:21 24/06/2015

Thách thức của khủng hoảng Ukraine ở Biển Đen - Kỳ cuối

Biển Đen có thể trở thành một không gian hợp tác ưu tiên nếu Nga và châu Âu thoát ra khỏi trò chơi “được mất ngang nhau” - nguồn gốc của cuộc khủng hoảng Ukraine này.

SỰ MỞ RỘNG CỦA MỐI ĐE DỌA AN NINH

Biển Đen có thể trở thành một không gian hợp tác ưu tiên nếu Nga và châu Âu thoát ra khỏi trò chơi “được mất ngang nhau” - nguồn gốc của cuộc khủng hoảng Ukraine này.

Vượt ra ngoài phạm vi ở Đông Ukraine, cuộc khủng hoảng Ukraine tác động tới thế cân bằng an ninh của châu Âu khi nó đặt lại vấn đề vai trò của NATO trong khu vực. Vấn đề an ninh năng lượng của châu Âu cũng được đặt ra, bởi lãnh thổ Ukraine hiện vẫn là nơi trung chuyển gần 16% lượng khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu.

Moskva vẫn là một đối tác không thể bỏ qua của châu Âu và Ukraine về nguồn cung khí đốt tự nhiên: Năm 2013, 30% lượng khí đốt tự nhiên được tiêu thụ ở các nước EU, cũng như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Na Uy và tại các nước vùng Balkan không phải thành viên EU, đã đến từ Nga, trong khi đó 60% lượng khí đốt tự nhiên được tiêu thụ tại Ukraine là do Nga cung cấp. Nếu như khí đốt từng là một đòn bẩy được Moskva sử dụng trong các mối quan hệ với Kiev, thì Ukraine cũng sử dụng quy chế nước trung chuyển khí đốt để kéo châu Âu can dự vào mối quan hệ của mình với Nga. Tuy nhiên, vai trò hành lang năng lượng của Ukraine từ thời Chiến tranh Lạnh có thể suy giảm trong những năm tới.

Tàu chiến USS Donald Cook của Mỹ hiện diện ở Biển Đen.


Việc Nga hủy bỏ thỏa thuận Kharkov đã khiến Ukraine không còn được hưởng sự giảm giá khí đốt - giảm 100 USD đối với mỗi 1000 m3 khí đốt, và kéo theo sự tăng giá khí đốt của Nga khoảng 44%. Trước việc Ukraine không có khả năng thanh toán lượng khí đốt nhập khẩu và trả khoản nợ 5 tỷ USD cho Gazprom, Moskva đã tạm ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine từ tháng 6/2014, khiến lan rộng bóng ma của một cuộc khủng hoảng khí đốt mới vào mùa đông 2014 - 2015. Mùa thu 2014, châu Âu, Nga và Ukraine đã đàm phán về nguyên tắc Kiev hoàn trả một phần nợ cho Gazprom (3,1 tỷ USD), đổi lại, Nga sẽ cung cấp cho Ukraine 5 tỷ m3 khí đốt trong giai đoạn từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2015, với mức giá 385 USD/1000 m3 khí đốt. Mức giá này đã được Nga yêu cầu từ mùa xuân 2014, trước đó Kiev đã đề nghị giữ mức giá 268,5 USD/1000 m3 khí đốt và đã được Nga chấp thuận hồi tháng 12/2013, rồi đề nghị mức giá 300 USD/1000 m3 khí đốt song không được Moskva chấp thuận.

Sự thiếu tính ổn định của Ukraine với tư cách là đối tác năng lượng và nước trung chuyển khí đốt đã khiến Nga cũng như châu Âu phải cân nhắc các con đường năng lượng khác, cho dù điều này cũng đồng nghĩa với việc châu Âu phải đa dạng hóa các nguồn cung khí đốt tự nhiên của mình. Sau khi từ lâu đã ủng hộ dự án đường ống dẫn khí đốt Nabucco, châu Âu đã phải quay lại dự án thay thế và có tính thực tế hơn về mặt thương mại, dự án đường ống dẫn khí TANAP. Kể từ năm 2018, đường ống TANAP đã vận chuyển khí đốt khai thác từ mỏ Shah Deniz của Azerbaijan, ở biển Caspian, tới Thổ Nhĩ Kỳ, đi qua lãnh thổ của Gruzia. Đường ống dẫn khí này ban đầu có công suất vận chuyển 16 tỷ m3/năm, dài 2000 km và trị giá khoảng 10 tỷ USD. TANAP sẽ được nối với mạng lưới phân phối của châu Âu nhờ một đường ống dẫn khí thứ hai - đường ống TAP - đi qua Hy Lạp, Albania, nằm dưới biển Adriatic, rồi dẫn tới Italy.

Về phần mình, năm 2012, Nga đã hợp tác với các nước và các tập đoàn năng lượng châu Âu, như EDF (Pháp) và ENI (Italy) để bắt đầu việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Nam. Đường ống này có một đoạn nằm dưới đáy biển dài 900 km, đi qua biển Đen, vòng tránh qua vùng biển của Ukraine và Romania, sau đó đi qua Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, rồi dẫn tới Áo và Italy. Với công suất vận chuyển 63 tỷ m3/năm, đường ống Dòng chảy phương Nam sẽ phải cần tới gần 32 tỷ USD đầu tư, và dự kiến được đưa vào vận hành vào năm 2015. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến Bulgaria cản trở dự án Dòng chảy phương Nam và Nga đã quyết định từ bỏ dự án này.

Vị trí của Biển Đen trên bản đồ.


Cuộc khủng hoảng Ukraine đã nhắc lại tầm quan trọng chiến lược của khu vực Biển Đen trong mối quan hệ giữa Nga và cộng đồng châu Âu - Đại Tây Dương. Là khu vực rạn nứt địa chính trị, tuy nhiên giờ đây nó có thể trở thành một không gian hợp tác ưu tiên nếu Nga và châu Âu thoát ra khỏi trò chơi “được mất ngang nhau” - nguồn gốc của cuộc khủng hoảng Ukraine này.

Chính sách cực đoan của Kiev trước những dự án mà Brussels và Moskva áp đặt đã khiến Ukraine rơi vào ngõ cụt, và đẩy châu Âu vào một cuộc thử sức với Điện Kremlin. Châu Âu cũng như NATO đã không chuẩn bị đối phó, do vậy họ rất khó có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Nếu việc thông qua các biện pháp trừng phạt của châu Âu chống Moskva góp phần làm giảm sút các quan hệ kinh tế giữa Nga và châu Âu, thì nó cũng xác nhận sự bất lực của Brussels trong việc giải quyết vấn đề Ukraine, và không tạo thuận lợi cho việc giải quyết các cuộc đối đầu ở Đông Ukraine.

Nếu Ukraine đã tổn thất nhiều trong cuộc khủng hoảng này, thì EU và Nga cũng có nguy cơ nằm trong số những bên thua thiệt nhất. Ngược lại, mối quan hệ kinh tế xấu đi cũng như sự xói mòn lòng tin giữa châu Âu và Nga trực tiếp có lợi cho Trung Quốc - mà Moskva quay sang hợp tác kinh tế, và cho Mỹ, trong triển vọng ký kết Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TPP) trong năm 2015.
TK (Theo La revue internationale et stratégique)