05:10 02/05/2017

THAAD tại Hàn Quốc đã có khả năng đánh chặn sơ bộ, Mỹ tuyên bố tiếp tục nâng cấp

Trong khi tình hình Bán đảo Triều Tiên đang leo thang căng thẳng, ngày 2/5, giới chức quân sự thuộc Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) khẳng định Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Washington triển khai tại Hàn Quốc đã bắt đầu đi vào hoạt động.

Hệ thống THAAD được lắp đặt tại Seongju, cách thủ đô Seoul 300km về phía đông nam ngày 1/5. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Trong một tuyên bố bằng thư điện tử, người phát ngôn USFK, Đại tá Rob Manning nêu rõ USFK xác nhận hệ thống THAAD đã bắt đầu đi vào hoạt động và có khả năng đánh chặn tên lửa của Triều Tiên, bảo vệ Hàn Quốc. 

Tuy nhiên, theo ông Manning, hiện hệ thống mới đạt được khả năng đánh chặn ở mức sơ bộ và sẽ được nâng cấp vào cuối năm nay, khi các thiết bị và bộ phận cấu thành bổ sung được tiếp tục được đưa đến Hàn Quốc.

Thông báo trên đưa ra chưa đầy 1 tuần sau khi USFK bắt đầu lắp đặt hệ thống THAAD tại thị trấn Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang  cách thủ đô Seoul 300km về phía Đông Nam. Người dân địa phương đã phản đối quyết liệt việc triển khai hệ thống này tại đây, trong khi dư luận Hàn Quốc vẫn có phản ứng mâu thuẫn về vấn đề này.

Trong khi đó, Hàn Quốc và Mỹ chưa giải quyết được bất đồng liên quan đến chi phí tài chính cho hoạt động của hệ thống THAAD tại Hàn Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/4 tuyên bố ông muốn phía Hàn Quốc chi trả cho chương trình này, với chi phí ước tính 1 tỷ USD, và đã thông báo với Seoul về vấn đề này. 

Chính quyền Hàn Quốc đã ngay lập tức bác bỏ, nêu rõ Seoul đã cấp đất để triển khai THAAD theo thỏa thuận hai nước ký năm 2016 và không có thêm bất kỳ trách nhiệm nào về vấn đề tài chính. 

THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar AN/TPY-2 và bộ phận kiểm soát hỏa lực và thông tin liên lạc.

THAAD có khả năng đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối cùng của quá trình bay.

THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối của chuyến bay. Ảnh: AFP

Trong một diễn biến khác, ngày 1/5, tàu chiến lớn nhất của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) - tàu sân bay trực thăng Izumo - đã lần đầu tiên phối hợp với một tàu của hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương thực hiện sứ mệnh bảo vệ theo đạo luật an ninh mới có hiệu lực từ năm 2016.

Sứ mệnh trên, được thực hiện theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada, rõ ràng nhằm thể hiện sức mạnh của liên minh an ninh Nhật - Mỹ và răn đe Triều Tiên không được tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa.

Tàu tiếp tế Mỹ được tàu Izumo hộ tống, nhiều khả năng sẽ tiếp liệu cho các tàu khác của Mỹ hiện được triển khai ở vùng biển gần Nhật Bản nhằm đề phòng nguy cơ Triều Tiên phóng thử thêm tên lửa, cũng như tiếp liệu cho các tàu thuộc nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đang ở gần Bán đảo Triều Tiên.

TTXVN/Tin Tức