02:11 01/02/2022

Tết sẻ chia với người lao động

Đại dịch COVID-19 diễn ra hai năm liên tiếp đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động. Nhưng cả xã hội đã có những hỗ trợ thiết thực để không ai bị bỏ lại phía sau.

Hỗ trợ lúc khó khăn

Tết năm nay, gia đình anh Nguyễn Xuân Thanh ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh đã có ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp hơn do các đơn vị, nhà hảo tâm, công đoàn, đoàn viên TP Hồ Chí Minh cùng chung tay đóng góp ủng hộ. Anh Thanh là lao động có hoàn cảnh khó khăn được công đoàn cơ sở đề nghị hỗ trợ bình xét. Xúc động khi nhận được sự quan tâm chăm lo từ tổ chức công đoàn, anh Nguyễn Xuân Thanh cho biết: “Chúng tôi rất vui. Nhờ ngôi nhà mới mà cả gia đình tôi sẽ có cái Tết ấm cúng và an toàn hơn. Trước kia, chúng tôi luôn sống trong sợ hãi khi có mưa giông đến. Sống trong ngôi nhà mới, các con tôi cũng có được không gian học tập sạch sẽ, an toàn trong suốt mùa dịch”.

Chú thích ảnh
Anh Đỗ Thiện Khánh nhận nhà mới chuẩn bị đón Tết Nhâm Dần 2022.

Anh Đỗ Thiên Khánh, ở Quận 11, TP Hồ Chí Minh cũng nhận được căn nhà mới do Liên đoàn Lao động Quận 11 vận động quyên góp xây dựng theo chương trình “Mái ấm Công đoàn” do Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh phát động. Gia đình anh Đỗ Thiên Khánh là lao động có hoàn cảnh khó khăn nhất công ty dệt Kim Đan, không đủ tiền để xây nhà mới. Căn nhà có diện tích 50m2, tổng kinh phí xây dựng là 250 triệu đồng, trong đó Liên đoàn Lao động Quận 11 hỗ trợ 60 triệu đồng. Anh Đỗ Thiên Khánh xúc động cho biết, nhờ sự hỗ trợ này mà anh đã có căn nhà sau bao năm mơ ước và giờ sẽ an tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
Chị Bùi Thị Nhung (phải) nhận hỗ trợ từ chính quyền cơ sở.

Tại Hà Nội, gia đình chị Bùi Thị Nhung, hộ cận nghèo trên địa bàn phường Láng Hạ (quận Đống Đa) cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể. Chị Nhung làm tạp vụ khu ký túc xá và làm thêm bán hàng ăn trong khu vực. “Do dịch bệnh nên nghỉ làm gần như cả năm. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của phường và các đoàn thể nên tôi cũng giảm khó khăn. Gia đình được hỗ trợ 1 triệu đồng từ ngân sách theo tiêu chuẩn hộ cận nghèo, tôi còn được một số tổ chức đoàn thể của phường hỗ trợ về nhu yếu phẩm và của các đơn vị, tổ chức trên địa bàn”, chị Nhung chia sẻ.

Huy động nguồn lực

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Bộ đã tổ chức 12 đoàn kiểm tra thực tế tại các địa phương. Qua đánh giá chung, các địa phương đã cơ bản đảm bảo an sinh cho người dân. Một số chính sách hỗ trợ có tỉ lệ cao như: Nhóm chính sách về bảo hiểm, chính sách hỗ trợ trẻ em, người tham gia phòng chống dịch, lao động tự do... Các địa phương vẫn tiếp tục rà soát các nhóm đối tượng để hỗ trợ kịp thời vì nhiều người còn khó khăn sau giãn cách xã hội, nhất là dịp Tết đang cận kề.

Chú thích ảnh
Các cơ quan, đoàn thể tại TP Hồ Chí Minh chung tay chăm lo cho lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Tính đến 25/12/2021, theo báo cáo của Sở LĐTBXH của 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68 về gói 26.000 tỷ đồng đã hỗ trợ trên 31.740 tỷ đồng với trên 27,4 triệu lượt đối tượng (gồm 378.038 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 27 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác). Riêng TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 8,85 triệu lượt đối tượng với số tiền 12.240 tỷ đồng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (3.118 tỷ đồng), Đồng Nai (2.707 tỷ đồng), Hà Nội (2.352 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.659 tỷ đồng), Bắc Giang (738 tỷ đồng), Long An (737 tỷ đồng).

Liên quan tới việc thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đã dừng tham gia với số tiền hỗ trợ hơn 30.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhằm chăm lo tốt hơn cho công nhân lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, công nhân lao động. Theo đó, mỗi đoàn viên công đoàn khó khăn sẽ được nhận 300.000 đồng, với tổng kinh phí 2.400 tỷ đồng.

Đánh giá về các gói hỗ trợ trong năm 2021, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nói: “Các chính sách của Chính phủ và các cấp, các ngành đối với người lao động trong 2 năm vừa qua có thể được tóm gọn trong 3 từ ‘hơn’. Các chính sách sau ngày càng kịp thời hơn, thiết thực hơn và thuận tiện hơn trước”.

 

Bài, ảnh: Xuân Minh – Hoàng Tuyết