02:06 15/02/2015

Tết ở Trường Sa

Tiếng Chủ tịch nước đọc thư chúc mừng năm mới trong thời khắc giao thừa vang lên bên tiếng sóng vỗ ầm ào. Gió se se lạnh. Trời tối đen như mực. Thức ăn đã bày ra trên các chiếc bàn giữa hội trường to rộng.

Kính viếng linh hồn các liệt sỹ đã hy sinh ở Trường Sa

Tiếng Chủ tịch nước đọc thư chúc mừng năm mới trong thời khắc giao thừa vang lên bên tiếng sóng vỗ ầm ào. Gió se se lạnh. Trời tối đen như mực. Thức ăn đã bày ra trên các chiếc bàn giữa hội trường to rộng. Có đủ các loại đặc sản đất liền như bánh tét, bánh dày, bánh chưng, rượu nếp… nhưng không một ai dùng đến. Những đôi mắt u buồn, chua xót của những người lính đảo Trường Sa cứ lẳng lặng nhìn nhau không nói. Một khoảng không gian yên lặng đến cháy lòng. Và rồi những đôi mắt ấy lại đăm đăm nhìn ra biển khơi thăm thẳm như cố tìm kiếm hình bóng những người đồng đội mới hôm qua còn ôm súng đứng canh biển trời Tổ quốc, hôm nay họ đã ngủ yên trong lòng đất mẹ chốn đất liền.

- Tao nhớ thằng Năng quá. Nó nói năm nay được về phép đón Tết với con bồ nó nghe đâu miệt Bến Tre. Suốt đêm có ngủ được đâu, nó đi đi lại lại như mấy cha “ tưng tưng”, rồi còn cười chúm chím một mình nữa chớ. Vậy mà…Tiếng Hoàng nói với cái giọng trầm buồn.

- Nó đi rồi nhưng còn mắc nợ tao một chuyện? Tiếng Thanh chen vào.

- Chuyện gì?

Minh họa: Trần Thắng



- Thì cái chuyện nó hứa dạy tao hát chèo. Nó chê tao dân Bến Tre chỉ giỏi ba cái vụ đờn ca tài tử chớ hát chèo giống mấy bà lên đồng bói toán kiếm ăn. Ai chớ thằng đó hát chèo thì ngon hơ, lại còn ra bộ đúng bài, đúng bản hổng thua gì mấy ông chuyên nghiệp. Ai dè… nó đi luôn không trở lại.

- Tụi bây có tin chuyện tâm linh hôn? Tiếng Thao bất chợt cất lên.

- Tin cái con khỉ mốc. Thời buổi người ta lên tới các vì sao, đánh nhau bằng vũ khí hóa học, hạt nhân, cha còn tin mấy cái chuyện linh tinh, vớ vẩn.

- Thì tao có tin đâu, nhưng không hiểu sao từ khi thằng Năng rồi thằng Hành hy sinh, mỗi tối tao cảm thấy tụi nó cứ tìm về quanh quẩn đâu đây để cùng sinh hoạt văn nghệ, đi tuần tra với tụi mình. Nói thiệt nghe mỗi lần tao dòm thấy cây đờn ghi ta cũ xì lên nước của thằng Năng là tao muốn rơi nước mắt.

Gió biển bỗng thổi phần phật kèm theo những tiếng rú rít ùa vào căn phòng rộng trong đêm trừ tịch như muốn chia sẻ nỗi mất mát lớn lao, chia sẻ nỗi trống vắng tái tê lòng của những người lính đảo. Ngoài khoảng sân rộng, bóng người chính trị viên trải dài trên mặt sân lấp loáng lung linh dưới ánh đèn sáng rực. Tết mà. Ông đang đăm đăm nhìn lên bức phù điêu in rõ dòng chữ khẳng định chủ quyền của đất nước Việt Nam. Đất này là của ta. Biển này là của ta. Chuyện tưởng chừng giản đơn nhưng chính ông đã cầm chắc tay súng vượt qua bao khó khăn, gian khổ, bão táp phong ba của thiên nhiên khắc nghiệt, đối đầu với bao họng súng đen ngòm phương Bắc trên các tàu chiến hung hăng để giữ đảo này hàng mấy mươi năm qua. Giữ đảo khi tóc hãy còn xanh nay đã phơ phơ đầu bạc. Ông đã thuộc lòng qui luật lớn - ròng của biển khơi lúc lặng yên hay mỗi khi nổi cơn sóng giữ; dự đoán khá chính xác những cơn bão sắp tràn qua Trường Sa bằng linh tính, bằng kinh nghiệm của người lính đảo “cựu trào”.

Ông thuộc lòng và cũng từng đặt tên cho nhiều đứa trẻ ra đời ngay trên đảo này như: Chiến Thắng, Quyết Tâm, Thắng Lợi… và chúng luôn xem ông là người ông, người cha tinh thần luôn gắn bó với chúng ở chốn khơi xa. Nhà nào trên đảo có đám tiệc, thôi nôi, đầy tháng, cúng căn, đám giỗ ông bà... đều cố mời ông tham dự. Lính trên đảo này ông thuộc vanh vách tên họ, quê quán, vợ con, cá tính mỗi người. Thằng Năng “Hải Phòng” đờn ghi ta mướt rượt, ai ca bài nào nó đờn bài đó, lỡ có rớt nhịp nó “vớt” trở vô ngon lành. Thằng Hành “Nghệ An” nổi tiếng với làn hơi phong phú, mấy bài dân ca Bắc - Trung - Nam nó ca tuốt tuồn tuột lại còn ra bộ đàng hoàng nữa chớ. Thằng Thanh Ninh Thuận trắng “bóc” như con gái, ai chọc ghẹo gì thì mặt mày đỏ phừng phừng rồi bỏ đi một nước; hồi mới ra đảo nó khóc ngày, khóc đêm như con nít, giờ thì quen nước quen cái, da nó xám sì, rắn rỏi và “chì” nhất đơn vị. Riêng Thằng Thao quê miệt Trà Vinh - đồng hương với ông - người Khmer, nó nổi tiếng với cái chuyện “mê gái”. Lúc nào rảnh rỗi, nó len lén ra ngoài bãi biển ngồi dưới mấy rặng Bàng Vuông, Phong Ba để viết thơ tình gởi về đất liền. Hổng biết chuyện bồ bịch của nó ra sao chớ chuyến tàu nào từ đất liền ra đây, nó luôn là người nhận được nhiều thơ tình nhất đảo.

Có lần ông hỏi chuyện:

- Bây nói thiệt tao nghe coi. Bây được mấy con bồ? Bao giờ thì cưới?

- Dạ…báo cáo thủ trưởng… tui… tui… nhiều bồ lắm. Tại cái số đào hoa, đào bông nó vậy mà. Giày dép còn có số huống chi tui. Nói xong nó cười hề hề tỏ vẻ tự hào trông phát ghét.

- Mầy thuộc loại đào đường, đào mỏ chớ đào hoa cái nỗi gì. Tướng tá thì lùn tịt, da đen thui thủi, nói năng thì ngọng nghịu, tiếng đực, tiếng cái, con nhỏ nào ưng mấy chắc nó hổng có căn tu. Ông cười khà khà chế nhạo.

Nhiều. Nhiều lắm. Những người lính đảo Trường Sa mỗi đứa một quê, mỗi người mỗi tánh. Giận nhau thì la mắng ì xèo cho hả hơi chớ không ai giận nhau được lâu, nhất là khi hành quân tuần tra biển đảo thì tất cả trở thành một khối thống nhất, trên dưới một lòng. Lính Trường Sa là vậy.

Vậy là mấy mươi năm rồi ông cùng đồng đội ăn Tết trên các đảo xa xôi của quần đảo Trường Sa. Những năm đầu gian khó, việc cung ứng thực phẩm, quà Tết vô cùng gian nan, hạn hẹp. Đã vậy trên đảo lại thiếu thốn các phương tiện nghe nhìn vui chơi giải trí, thông tin liên lạc nên chuyện đón Tết luôn là nỗi buồn đau đáu của người lính đảo. Bây giờ đã khác. Đất liền có gì thì Trường Sa có thứ ấy. Phương tiện thông tin, nghe nhìn đã phủ đầy. Tàu đất liền liên tục ra đảo động viên với nhiều quà tặng. Trường Sa không còn cô đơn giữa muôn trùng sóng vỗ.

Ông nhớ như in lần đón Tết năm trước đây. Lính đảo hả hê thưởng thức các tiết mục văn nghệ của các đoàn Văn công từ Bắc tới Nam. Thằng Năng đàn ghi ta phụ họa mà cứ nhìn chầm chầm vào những bước nhảy uyển chuyển, điệu nghệ của cô ca sỹ xinh đẹp của đoàn Bến Tre. Ông thấy thương nó quá. Đâu phải chỉ mình nó thiếu thốn thèm thuồng cái cảm giác được gần gũi phụ nữ mà đó là niềm khát khao chung của bao người lính “đàn ông” trên đảo này. Chuyện rất bình thường mà. Sau ánh lửa bập bùng của các đêm văn nghệ là những cuộc hẹn hò công khai có, âm thầm có. Có những giọt nước mắt lăn dài của phụ nữ khi tàu đã dần xa. Có những ánh mắt người lính dõi theo tàu với bao niềm tin cháy rực. Đến giờ ông cũng không còn hình dung được quê mình đón Tết ra sao? Ông chỉ theo dõi qua truyền hình để xua đi cái cảm giác có lỗi với vợ con, ông bà, chòm xóm, quê hương. Lính Trường Sa mà.

Nhiều lần vợ ông viết thư ra đảo cằn nhằn “…bộ anh tính ở Trường Sa luôn hả? Cống hiến bấy nhiêu năm cũng đã đủ rồi. Anh còn có vợ, có con, phải còn lo cho tương lai gia đình mình nữa chứ. Không có anh thì vẫn có người khác giữ đảo. Bao nhiêu cái Tết rồi mà anh có về với gia đình đâu…”. Mỗi lần nhận thư, ông lại ngồi thật lâu bên các ghềnh đá để suy tư, ngẫm nghĩ lại cuộc đời binh nghiệp của mình. Vợ ông hoàn toàn đúng khi thốt lên những lời như vậy. Phụ nữ mà. Ai cũng phải lo xa và thương chồng con. Chuyện thường tình. Nhưng ông lại chợt nghĩ đến những người đã nằm xuống trên quần đảo đầy sóng gió, gian truân, nhớ đến những chiếc tàu bụng chứa đầy tham vọng bành trướng đang quanh quẩn giữa làn ranh biên giới biển. Máu ông lại sôi lên sùng sục. Vậy là cái điệp khúc quen thuộc, cũ rích lại tái diễn. Trong thư hồi âm ông viết “…Anh sẽ cố gắng thu xếp để xin về đất liền chăm sóc gia đình, mẹ con em. Anh hứa Tết này sẽ về đón giao thừa…”. Hứa cho có hứa chớ ông có thực hiện được đâu. Giận riết thành quen. Vợ ông cũng thôi nhì nhằng vì đã quen tính nết của chồng, đã quyết thì phải làm tới nơi tới chốn. Lính đảo mà.

Tết Trường Sa với ông và đồng đội là những ánh mắt nhìn nhau thân thiện gửi trọn niềm tin, những cái bắt tay động viên nắm chắc tay súng canh giữ biển trời. Những cái hôn bất ngờ, vội vã của khán giả - lính đảo - dành cho các ca sĩ xinh đẹp đất liền. Những điệu múa, bước nhảy thuần thục của các nữ nghệ sĩ, ca sĩ hòa lẫn bước nhảy khập khiễng, bối rối, “không chuyên” của lính Trường Sa giờ đã quá thân quen trong tiếng cười rộn rã, tiếng vỗ tay rất lớn của khán giả. Tết Trường Sa là vậy.

Cũng Tết năm trước đây, thằng Năng khoe với ông:

- Tui mới làm quen được với cô ca sĩ của đoàn văn công Bến Tre có mái tóc dài bay trong gió. Tết năm sau, nếu được thủ trưởng cho em ăn Tết đất liền với cô ấy. Nếu “ổn” thì “ra giêng anh cưới em” luôn.

- Để coi lại sao đã. Nhìn cái mặt ngơ ngơ dại gái của mầy, tao đoán mầy bị cô ta hốt hồn hốt vía rồi đây. Ông cười rất tươi.

Vậy mà Tết năm nay, đơn vị ông đã vắng bóng hai người. Ông không quên và sẽ không bao giờ quên cái đêm tuần tra hôm đó. Mười hai người lính vật lộn với bao cơn sóng dữ hung tàn. Tàu bị sóng mạnh đánh và xô đẩy mắc cạn trên bãi đá. Trong cơn khốn khó ấy, thằng Năng đã hy sinh trên biển khi cố sức lèo lái con tàu vượt thoát hiểm nguy. Mấy ngày sau khi biển lặng, đơn vị mới tìm được xác nó đầy thương tích do dây neo tàu quất vào thân thể của nó. Lạ. Miệng nó cứ như tươi cười, như rất mãn nguyện vì đã làm xong nhiệm vụ với đồng đội, với Trường Sa. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, chỉ còn mấy ngày nữa là Tết đã về, thằng Hành lại hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tuần tra. Nó đã không còn dịp đón Tết cùng vợ con ở miền Trung xa thẳm. Bù lại hai người lính ấy còn được may mắn trở về quê hương trong lòng đất mẹ để không quạnh quẽ lúc xuân về. Còn biết bao đồng đội đã hy sinh mà đến nay gia đình vẫn không tìm thấy được. Ông chợt xót xa.

Ông nhói lòng quá, đau đớn quá khi Tết năm nay, đoàn văn công Bến Tre lại ra đây phục vụ. Trên chiếc cầu tàu bồng bềnh, ông đã nhận ra cô gái xứ dừa - người mà thằng Năng thương thầm, nhớ trộm - đang tươi cười ôm lấy bó hoa tươi dõi mắt chờ đợi một người. Ông hiểu đó là Năng.

Sáng qua hai mươi chín Tết, ông cùng đơn vị tiễn đoàn văn công xuống tàu về đất liền với tâm trạng buồn và cô đơn rười rượi. Cô gái xứ dừa lặng im thỏa sức cho hai hàng nước mắt cứ lăn dài xuống mặt. Người lính đảo mà cô đợi chờ gặp mặt đã không còn. Sao định mệnh cay đắng và khắt khe với cô đến như vậy? Gió biển thổi phần phật làm mái tóc đen của cô tung bay trong gió. Đôi mắt đỏ chạch kèm theo những tiếng nấc thật nghẹn ngào làm cả đoàn bật khóc theo như một phản xạ dây chuyền. Tất cả bỏ nón ra để chào tiễn biệt hai người lính Trường Sa đã hy sinh vì nước. Họ không có mặt để tận hưởng mùa xuân của đất trời, của biển khơi nhưng họ vẫn mãi mãi còn đây trong mơ hồ sương khói, trong nỗi nhớ thương của bao đồng đội, ẩn hiện trong ray rứt nhớ thương của một người con gái.

Phút giao thừa ở Trường Sa đã điểm.

Song Anh