Mỗi dịp Tết đến Xuân về, không khí tại làng nghề tranh dân gian làng Sình, xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế lại rộn ràng hơn. Với lịch sử gần 450 năm, tranh dân gian làng Sình không chỉ được đánh giá cao về nghệ thuật tạo hình mà còn gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh, trở thành nét văn hóa độc đáo của vùng đất Cố đô.
Tranh làng Sình là tranh mộc bản, với các bản khắc được làm từ gỗ mít, gỗ thị, có độ dày tương đối phù hợp với việc lưu giữ lâu dài. Theo các cao niên trong làng, nghề làm tranh ở làng Sình xuất hiện từ xa xưa, sau khi làng được lập không lâu. “Ông tổ” của làng cũng là người từ Bắc Ninh vào. Vì thế, ban đầu tranh làng Sình có nhiều đặc điểm giống với tranh Đông Hồ. Tuy nhiên, để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng trong lễ cầu an, lễ giải hạn, dịp Tết ở đây nên nghệ nhân đã chế ra các mộc bản khác, phù hợp hơn.
Tranh làng Sình có ba nhóm chính gồm tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh con vật, chủ yếu phục vụ nhu cầu thờ cúng. Trong đó, tranh nhân vật gồm hai bộ thế mạng và bổn mạng, chủ yếu là tranh tượng bà gồm tượng đế, tượng chùa, tượng ngang thường dùng dán trên bàn thờ quanh năm. Ngoài ra còn có tranh vẽ hình đàn ông, đàn bà, tranh ông Điệu, ông Đốc và Tờ bếp dùng để hóa như hóa vàng. Tranh đồ vật chủ yếu vẽ hình áo quần, tiền, dụng cụ... Tranh con vật gồm một bộ gia súc, gia cầm và riêng một bộ 12 con giáp.
Những ngày cuối năm, tại gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước không khí làm tranh tất bật hơn để phục vụ dịp Tết cổ truyền. Bàn tay thoăn thoắt in tranh, Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước chia sẻ, đến nay, gia đình ông đã có 10 đời theo nghề làm tranh dân gian làng Sình. Đã có khoảng thời gian dài, nghề làm tranh làng Sình bị cấm, những mộc bản để in tranh bị tịch thu và tiêu hủy nhưng ông đã thu gom, đào hầm để chôn mộc bản mà cha ông để lại. Khi có chủ trương khôi phục lại nghề vẽ tranh truyền thống, nhờ được cha ông chỉ dạy trước đó, ông đã khắc thêm bản vẽ từ bản gốc còn giữ được để tặng lại cho các hộ trong làng. Chính vì phục vụ nhu cầu tín ngưỡng nên tranh làng Sình thường được làm nhiều từ khoảng tháng 10 âm lịch cho đến mồng 10 tháng Giêng.
Tranh làng Sình hoàn toàn làm thủ công. Để hoàn thành một bức tranh, phải trải qua 7 công đoạn gồm xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn. Để tạo ra giấy in những bức tranh truyền thống, người dân làng Sình xuôi thuyền dọc phá Tam Giang về vùng cầu Hai, thị trấn Lăng Cô để cào điệp. Đây là loại sò có vỏ mỏng nhiều màu sắc. Sò sau khi cào về giã thành bột, rồi trộn với hồ, sau đó phết hỗn hợp này hai lần lên giấy dó. Đây cũng là nét độc đáo, riêng biệt của dòng tranh dân gian ở làng Sình.
Những màu chủ yếu trên tranh làng Sình là xanh dương, vàng, đơn, đỏ, đen, lục và được làm ra từ yếu tố thiên nhiên. Màu vàng làm từ lá đung giã với búp hoa hòe non, màu xanh dương từ hạt mồng tơi, hạt hòe làm nên màu vàng đỏ, nước lá bàng sẽ cho màu đỏ sẫm, tro rơm nếp hòa tan trong nước rồi lọc sạch, cô lại thành màu mực đen bóng. Ngoài ra người làng Sình còn dùng đá son để lấy màu đỏ, bột gạch để có màu đơn. Hiện nay, để thuận tiện và đỡ tốn kém, người làm tranh ở làng Sình đã chuyển sang sử dụng giấy công nghiệp, phẩm màu công nghiệp. Chỉ duy nhất gia đình ông Phước vẫn trung thành với vật liệu giấy dó và pha chế màu tự nhiên.
Mỗi bức tranh làng Sình là một mộc bản hoàn chỉnh với những hoa văn, hình thù khác nhau. Vậy nên trước khi in tranh, người làm phải tạo ra được mộc bản, công việc này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, óc thẩm mỹ mới có thể chế tác ra những mộc bản chuẩn. Khi làm ra một bức tranh, bản khắc gỗ chỉ giữ vai trò làm khuôn và in màu chính. Còn lại, người làm tranh phải tô những màu sắc khác lên các chi tiết theo nội dung của tranh. Do vậy, mỗi bức tranh làng Sình sẽ không có bức nào giống bức nào.
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước được cho là người cuối cùng biết chế tác và khắc nét tranh đúng theo lối làm tranh dân gian làng Sình cổ. Vì vậy, để nghề làm tranh và khắc mộc bản của tranh làng Sình không bị mai một, Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã truyền dạy cách khắc bản vẽ cho các thanh niên trong làng. Hiện nay, có gần 70% số gia đình của làng Sình tham gia làm tranh dân gian truyền thống này.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và làm phong phú hơn các mẫu tranh làng Sình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước còn sáng tạo thêm các mộc bản, in thêm dòng tranh trang trí trên giấy dó. Nhiều đề tài được nghệ nhân khai thác ngoài dòng tranh thờ cúng như tranh phản ánh đời sống và sản xuất như tranh lễ hội, các trò chơi, tranh bát âm, bộ lịch 12 con giáp…Hiện nay, căn nhà của Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã trở thành điểm được nhiều đơn vị lữ hành kết nối, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm công đoạn làm tranh.
Tranh dân gian làng Sình luôn có một vị trí đặc biệt trong tâm thức người dân xứ Huế và các vùng lân cận. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật thuộc Đại học Huế, trong tranh làng Sình, sự bố trí phối hợp các màu đạt được sự hài hòa, thuận mắt, không mang tính công thức quá chặt chẽ, bởi kết quả của nó được đánh giá bằng cảm nhận về tương quan màu vừa mang tính dân gian thuần khiết, vừa chịu ảnh hưởng cung đình trên nền tư tưởng triết lý vũ trụ, nhân sinh phương Đông. Kết quả tạo màu trong tranh làng Sình rất phong phú do cảm nhận thị giác và thói quen khác nhau. Mỗi nghệ nhân tạo ra một xu hướng phối màu riêng của họ từ cách đặt các màu cạnh nhau. Nhiều gia đình đã duy trì nghề làm tranh dân gian truyền thống này vì một phần vừa kiếm thêm thu nhập trong thời gian nhàn rỗi, một phần để duy trì nghề truyền thống của tổ tiên để lại.
Trải qua bao biến cố thăng trầm, nghề làm tranh ở làng Sình đang từng bước được khôi phục và phát huy giá trị. Nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách khi đến vùng đất Cố đô. Những bức tranh làng Sình đã theo chân khách du lịch đi khắp nơi không chỉ trong nước mà còn ra nước ngoài.