12:15 03/12/2010

Tết muộn

Điện thoại reo. Hạnh lập cập mở máy. Cái Tơ dẩu môi: “Ai gọi đó? Chàng hả? Lại điệp khúc: Tết này anh không về chứ gì? Tớ đã bảo mà. Đẹp như mày thiếu gì kẻ đưa người đón lại đi yêu lính biên phòng! Trăm năm cô đơn! Vứt!”.

Điện thoại reo. Hạnh lập cập mở máy. Cái Tơ dẩu môi: “Ai gọi đó? Chàng hả? Lại điệp khúc: Tết này anh không về chứ gì? Tớ đã bảo mà. Đẹp như mày thiếu gì kẻ đưa người đón lại đi yêu lính biên phòng! Trăm năm cô đơn! Vứt!”. Cái Tơ xoen xoét thế, nhưng Hạnh biết, nó vẫn âm thầm xin số điện thoại của anh. Hạnh im lặng tránh ra hành lang để nghe.Tiếng anh bồng bềnh như gió núi:“Tết này anh ở lại trực chiến em ạ! Chỉ huy đồn chỉ 50% được về. Lẽ ra anh cũng nằm trong số đó, nhưng trong Ban chỉ huy có cậu Thắng - Chính trị viên và cậu Bình - Đồn phó mới cưới vợ. Bọn anh ưu tiên để hai người về Tết. Đừng buồn nghe em! Anh nhớ em! Hôn em nhiều!”.

Ảnh minh họa. Ảnh: BOP


Hạnh áp điện thoại vào ngực, đôi mắt nhòe đi. Vậy là lại thêm một cái Tết xa anh. Ai đã từng sống trong tình yêu mới thấm thía cái nỗi niềm ấy. Mặc dù khi trao trái tim cho người lính, vẫn biết là xa cách, là đợi chờ, là mong nhớ. Biết thế, nhưng làm sao Hạnh quen được những cuộc cách xa! Anh, Hạnh và Tơ học cùng lớp và bắt đầu thân nhau từ năm cuối cùng của trường THPT Nguyễn Du. Anh học giỏi vào loại nhất trường, năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến xuất sắc. Ngày đó Hạnh và anh thân nhau bằng tình bạn thời áo trắng, phượng hồng, trắng trong lắm. Còn Tơ, hình như cuối lớp 12, nó đã đem lòng yêu anh. Đùng một cái, ai cũng ngơ ngác khi thấy anh thi vào Trường Đại học Biên phòng và càng ngơ ngác hơn khi nghe tin anh bị… trượt vỏ chuối. Chuyện đến tai Tơ. Nó dẩu môi “Ôi dào” một tiếng chua loét, nét mặt chẳng ra vui, chẳng ra buồn. Tơ bỏ ngoài tai luôn cả câu thơ anh đọc khi nó tuyên bố chẳng thi đại học, tính đường xuất ngoại “Hàn là lạnh đó em ơi/ Dù sao thì cũng đất trời người ta”, phắn sang Hàn Quốc trong đội quân xuất khẩu lao động. Hạnh trở thành sinh viên Trường Đại học Vinh. Còn anh, như người phẫn chí, chiều chiều thường thơ thẩn dọc bờ biển, hết ngồi nhìn bất động về phía chân trời lại loay hoay làm bạn với lũ dã tràng. Biết anh buồn, dù đang học cách nhà hơn 10 cây số, ngày nào Hạnh cũng đạp xe về. Ra biển, Hạnh lặng lẽ ngồi xuống bên anh:

- Đừng nản lòng Cường ạ! Mọi người ai cũng biết trong lớp Cường là người học giỏi nhất. Học tài, thi phận âu cũng là chuyện thường tình. Hình như có lần Cường đã nói với Hạnh cái câu của cụ Lép: “Điều quan trọng không phải chỗ ta đang đứng mà ở hướng ta đang đi” đó sao! Một khi mình đã có một ước mơ, cứ kiên trì thì cuộc đời chẳng phụ lòng mình đâu Cường ạ!

Cường lặng lẽ nhìn Hạnh, rồi chỉ vào những con sóng dềnh lên: - Hạnh nhìn kìa: Ngàn đời nay con sóng vẫn mải miết xô bờ đấy thôi! Cũng như sóng, mình đâu có nản! Nhưng suốt 12 năm miệt mài đèn sách, nuôi một ước mơ cháy bỏng, phút chốc bị tan tành, mình không buồn sao được! Cũng may là sau kỳ thi này, mình hiểu mình hơn. Bản lĩnh của mình quả là chưa thật vững vàng. Hứng lên thì học chí chết, nhưng có bạn bè rủ rê là bỏ đi chơi liền. Học tài tử thế nên vào phòng thi là bị hụt hẫng. Mình đã suy nghĩ kỹ rồi Hạnh ạ. Mình sẽ nhập ngũ. Vào đó vừa làm người lính để rèn giũa bản lĩnh cho mình, vừa tự ôn tập để tiếp tục thi…!

Đó là câu chuyện “ngày xưa”, ngày Hạnh và Cường mới thân nhau. Cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy” làm sao Hạnh quên được. Ngày Cường nhập ngũ là một ngày xuân muộn. Cường rủ Hạnh ra biển. Chiều xuân vời vợi xanh và nắng thì hanh hao vàng đến nao lòng như chưa vàng thế bao giờ. Hai đứa cầm tay nhau chạy tung tăng như trẻ nhỏ. Bỗng anh kéo Hạnh về phía doi cát làng chài sát bờ, nơi ánh nắng chiều đọng lại hồng hào một màu mây ấm:

  - Ôi, Hạnh nhìn kìa! Hoa đào muộn! Hoa đào muộn nở trên bờ sóng đẹp quá mất thôi!

Cường chạy đến quỳ xuống ngây ngất nhìn những đóa hoa đào nở muộn đang rập rờn như một dải mây màu hồng trắng sà xuống đậu lại trong nắng chiều xuân muộn. Hạnh đưa tay định hái một nhành đào chúm chím những nụ hoa, thì anh vội vàng ngăn lại:

- Đừng em!- (lần đầu tiên tiếng “em” ngọt ngào buột ra từ môi anh làm Hạnh ngỡ ngàng, xốn xang cả lòng) - Cứ để hoa đào trên cành cho mùa xuân, cho tất cả mọi người! Đừng giữ mùa xuân cho riêng mình. Hãy để mùa xuân cho cả cuộc đời em ạ!

Rồi anh lên đường. Ngày đó điện thoại di động chưa phát triển như bây giờ, hai người chỉ biết trao nhớ thương, gửi chờ mong qua những cánh thư. Những cánh thư giăng mắc nỗi nhớ mong kín cả 4 - 5 trang giấy học trò, mỗi tháng hai lần Hạnh và Cường đều đặn gửi cho nhau. Cuối mỗi lá thư, bao giờ anh cũng viết những dòng nắn nót, cứ như một lời hẹn ước “Anh tin rằng mình sẽ trở thành một sĩ quan Biên phòng em ạ! Bởi đó là ước mơ của đời anh; bởi anh biết em bao giờ cũng ở bên anh, cùng anh vươn lên chinh phục mơ ước của mình!”.

Hết nghĩa vụ, Cường thi đỗ đại học. Sau 5 năm đèn sách, anh trở thành sĩ quan biên phòng. Tình yêu đã đến với họ vào một cái Tết khi Cường ra trường về nhận nhiệm vụ ở đồn biên phòng cửa khẩu miền biên viễn phía tây Hà Tĩnh. Cường được về phép và bên bờ sóng, dưới tán hoa đào nở muộn ngày Hạnh tiễn Cường nhập ngũ, lần đầu tiên Hạnh nhận được cái cháy rát, ngọt ngào đến nồng say của nụ hôn đầu đời. Tiếng Cường nhòa trong tiếng sóng:

- Chúng mình sẽ mang hạnh phúc đến cho nhau, phải không em? Nhưng làm người yêu của lính đồng nghĩa với sự đợi chờ đấy em ạ!

- Em biết! Nhưng được chờ đợi trong yêu thương cũng là hạnh phúc lắm chứ anh! Em còn biết, nhiều khi tình yêu, hạnh phúc được nhân lên ngàn lần trong cách xa, trong đợi chờ anh ạ. Em không bao giờ muốn tình yêu mình hóa đá, nhưng đất nước mình đã có biết bao tình yêu trung trinh đã từng hóa đá, để lại biết bao cảm phục cho người đời sau, cho chúng mình đó thôi!

Và rồi những cái Tết đến cùng tình yêu của họ. Những cái Tết Hạnh chỉ rưng rưng nghe tiếng anh trong máy điện thoại “Anh lại lỗi hẹn với em rồi. Tết này bọn anh phải nhận một nhiệm vụ đặc biệt em ạ!”. Hay là những dòng tin nhắn run run nhảy nhót trước mắt cô “Anh phải trực Tết em ạ! Làm người lính, lại là lính biên phòng những dịp Tết càng phải giữ bình yên cho nhân dân vui Tết mà em!”.

Tơ đã từ Hàn trở về với làn da trắng xanh, mái tóc vàng hoe và áo quần đủ mốt. Biết Hạnh và Cường yêu nhau, biết nhiều cái Tết Cường không về, Tơ lại dẩu môi: “Ôi dào! Tớ đã bảo mà. Lại trăm năm cô đơn phải không? ”! Có lúc Hạnh bất chợt thấy Tơ sững sờ buông rơi chiếc máy điện thoại, nghe nói tính bằng cả mấy trăm “đô” xuống đất. Một bữa Cường gọi về: “Không biết ai cho Tơ số máy của anh, em ạ? Cô ấy cứ gọi liên tục, gọi cả trong giờ làm việc, cả giờ ngủ! Nể bạn, anh chẳng nói gì. Làm sao bây giờ em?”.

Thì ra là thế! Dù giả vờ khuyên cô đừng yêu Cường, nhưng rõ là Tơ vẫn theo đuổi anh, vẫn không quên được cái tình yêu một chiều thuở học trò. Nhưng liệu Tơ có dám yêu người lính, dám lặng lẽ hy sinh cho người lính không? Yêu nhau gần 5 năm, thì đã 4 cái Tết anh không về, 4 cái Tết Hạnh âm thầm nhìn những cặp tình nhân tay trong tay ríu ran du xuân, đón Tết. Những lúc ấy, Hạnh vẫn vui cười cùng bè bạn, nhưng đêm đến vùi trong chăn ấm, Hạnh âm thầm khóc. Hạnh thương mình thì ít, thương anh thì nhiều. Hẳn lúc người người vui Tết, nhà nhà đón xuân thì anh đang cùng đồng đội xuyên rừng tuần tra, đối mặt với hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình cho đất nước bình yên đón Tết. Cũng có đứa bạn mê kén chồng giàu, gặp Hạnh thà thụt: “Mày xinh lắm, Hạnh à! Xinh như mày, có bằng cấp như mày, hắt xì hơi một cái là có chồng sang giàu, chồng làm sếp. Lấy chồng là sếp lắm bạc, nhiều tiền, đi ô tô, ở nhà lầu tha hồ sung sướng. Còn lấy lính biên phòng, lương ba cọc, ba đồng, giàu có chưa thấy đâu, chỉ thấy thời bình cũng như thời chiến, cứ phải biền biệt xa nhau…”. Những lúc ấy, Hạnh chỉ im lặng, bởi Hạnh không nghĩ thế. Nói cho cùng, hạnh phúc đâu phải ai cũng giống ai! Đâu phải cứ lắm bạc, nhiều tiền là hạnh phúc! Có khi vì nhiều “tiền” quá mà sinh ra “bạc”, mà trở thành nguyên nhân của bao nỗi bất hạnh! Thì như cái Tơ đó. Theo đuổi Cường không được, Tơ bám theo một ngoại kiều xứ Hàn, những tưởng tìm được lối lên thiên đường. Chẳng dè lại rơi tõm xuống địa ngục. Chỉ sau tuần trăng mật, tay ngoại kiều dỏm cao chạy xa bay bỏ nàng lại trơ trọi một mình. Tơ tìm đến Hạnh tức tưởi khóc. Thế mới biết con tim có lối đi của nó. Đâu phải với ai nó cũng đập loạn nhịp, nó cũng chịu trao gửi yêu thương. Nghĩ thế Hạnh lại lặng lẽ mỉm cười…!

Thường thì mãi sau Tết, khi đồng đội đến trực thay, Cường mới được nghỉ về ăn Tết muộn. Những lúc ấy, cầm bàn tay Hạnh, anh líu ríu nói như người có lỗi: “Cuộc đời người lính, niềm vui, tình yêu, hạnh phúc thường muộn mằn em ạ! Nhưng muộn mà vui, mà nồng nàn. Có phải sau Tết mùa xuân rạo rực hơn, tình yêu cũng cháy bỏng hơn phải không em?”. Hạnh dụi đầu vào ngực anh, miệng thì cười thật tươi mà mắt thì ngân ngấn nước…

Tết này nữa là Tết thứ 5, anh lại trực chiến, lại không về! Quanh Hạnh, mấy giáo viên trẻ đang tranh thủ lấy tiêu chuẩn Tết để còn kịp ra ga tàu, ra bến xe đón người yêu. Hạnh cho xe chạy từ từ trên con đường tràn ngập người, hoa và những nụ cười. Dọc đường gặp Tơ, nàng dừng xe lại, khép nép nhìn Hạnh: “Cậu gọi Cường đi. Cho tớ gửi lời chúc mừng năm mới anh ấy với nhá!”. Hạnh gật gật đầu, cười với Tơ, “Ừ” một tiếng rõ to. Ngẫm ngợi một lúc, Hạnh quyết định dừng xe, bấm máy gọi anh. Hình như anh đang ở nơi nào đó xa lắm, núi non chập chùng lắm nên sóng di động yếu. Tiếng nhạc chờ của anh là lời một bản tình ca “Tình yêu đâu chỉ có hoa thơm và trái ngọt…” cũng khi rõ khi mất. Tiếng anh dịu dàng: “Em tắt máy đi để anh gọi lại…!”. Rồi anh nói nghe thật vui: “Có lẽ sau rằm tháng Giêng anh mới về ăn Tết cùng em được. Chúng mình yêu nhau đã 6 năm mà 5 cái Tết xa nhau rồi còn gì! Tết này về, anh đang định bàn với em cho anh sang xin bố mẹ để chúng mình về với nhau. Nếu em đồng ý, chúng mình sẽ thành vợ, thành chồng, sẽ cùng nhau hạnh phúc, cùng nhau ăn những cái Tết lính. Tết lính muộn mà vui, mà nồng nàn… Được không em?”.

Một làn gió ấm bỗng mơn man lùa vào mái tóc, ôm lấy đôi gò má bất chợt ửng hồng, bất chợt nóng bừng của Hạnh. Lại như mọi lần nhận được điện thoại của anh, Hạnh áp chiếc máy Nokia cổ lỗ vào ngực mình, nơi trái tim đang đập gấp. Hình như mùa xuân đã về, Hạnh nôn nao nghĩ. Cô đưa máy ra bấm số, thầm thì: Em đồng ý làm vợ anh, anh yêu ạ! Chúng mình sẽ cùng nhau đón cái Tết muộn của người lính. Mà không, Tết, mùa xuân và tình yêu đâu có muộn bao giờ…! Phải không anh?!

Trại viết Thiên Cầm chớm xuân Canh Dần 2010.

Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Diệu