02:09 01/02/2012

Tết của người Việt xa xứ

Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn hướng về quê hương, nhớ tới những phong tục tập quán, những món ăn truyền thống trong ngày lễ cổ truyền của dân tộc.

Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn hướng về quê hương, nhớ tới những phong tục tập quán, những món ăn truyền thống trong ngày lễ cổ truyền của dân tộc.

Ngày Tết dân tộc trên Hòn đảo Tự do

Người Việt ở Cuba quây quần gói bánh chưng đón Tết.


Ở mảnh đất Cuba đầy nắng và gió biển bên kia bán cầu, cho dù xa xôi về khoảng cách địa lý nhưng cộng đồng Việt Nam nhỏ bé cũng háo hức chuẩn bị và tạo không khí đón Tết một cách gần gũi nhất với tục lệ quê nhà.

Nhân dịp Tết Nhâm Thìn của Việt Nam, ngày 20/1, Thủ tướng Canađa Stephen Harper đã thay mặt Chính phủ Canađa gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến những người đón Tết cổ truyền Việt Nam tại Canađa và trên khắp thế giới. Thủ tướng Harper chúc những người Việt Nam phát huy những thành tích của năm cũ và đạt được mọi mong ước trong năm mới. Ông cũng khuyến khích người dân Canađa tham gia các hoạt động đón Tết Việt Nam tại Canađa để hiểu thêm về sự phong phú của văn hóa Việt Nam và tôn vinh những đóng góp mà những người Canađa gốc Việt đang tiếp tục nỗ lực trong mọi lĩnh vực.

Nói tới Tết Nguyên đán không thể không nhắc tới bánh chưng, nhưng để có được cặp bánh chưng đúng nghĩa đặt lên bàn thờ gia tiên trong ngày Tết Nguyên đán tại Cuba là cả một “công trình”. Từ nhiều tháng trước, các cán bộ cơ quan đại diện đã phải “tích lũy” gạo nếp và đỗ xanh (chủ yếu được đem từ Việt Nam hoặc các nước khác sang Cuba vì nước này không trồng lúa nếp). Giáp Tết, không khí chuẩn bị càng hào hứng khi mà ai cũng được giao những phần việc để có được những chiếc bánh chưng đậm chất quê hương. Nhóm thì được giao đi lấy lá “dong” (theo nhiều người thì đây là loại lá chuối cánh khá giống với lá dong), nhóm khác thì đi chặt tre về chẻ lạt, trong khi chị em thì đảm nhiệm việc đi chợ mua thịt, rửa lá, ngâm gạo và đồ đỗ. Trong suốt một tuần trước Tết, mọi câu chuyện đều có chủ đề là Tết, từ kỷ niệm về những cái Tết xa quê hương trước đây hay không khí đón Tết của gia đình ở Việt Nam cho tới cảm nghĩ của những người lần đầu ăn Tết ở Cuba. Tựu trung ai cũng nhận xét rằng ở Cuba mặc dù thiếu thốn đủ thứ nhưng với tinh thần đoàn kết và chia sẻ trong cộng đồng cùng với những món ăn truyền thống ngày Tết, dường như mọi người cảm thấy ấm lòng hơn và cảm thấy gần gũi nhau hơn.

Ngày gói bánh chưng có lẽ là sôi động nhất đối với cộng đồng Việt Nam nhỏ bé ở Cuba khi mà tất cả các gia đình cùng tề tựu đông đủ. Người chuẩn bị lá, người gói bánh, trong khi các cháu nhỏ thì xúm quanh cười nói. Có người ở Việt Nam chẳng bao giờ phải gói bánh chưng ngày Tết thì tại nơi cách xa quê hương nửa vòng Trái đất cũng tham gia rất hào hứng. Có lẽ việc tự tay gói những chiếc bánh chưng để cảm nhận hương vị Tết quê nhà trở thành mong ước và niềm vui tinh thần đối với tất cả những ai phải sống xa đất nước trong những ngày lễ thiêng liêng này. 12 tiếng ngồi bên bếp củi trông nồi bánh chưng là khoảng thời gian mà lòng mỗi người lại dạt dào cảm xúc nhớ về những lần được quây quần cùng gia đình bên nồi bánh ở quê nhà. Đối với nhiều người Việt ở Cuba, đã lâu lắm rồi họ mới lại được tận hưởng những giây phút đậm chất quê hương như vậy. Những câu thơ, những ký ức của hết người này đến người kia khiến cho thời gian tưởng như ngắn lại. Và khi những chiếc bánh chưng thơm phức được vớt ra từ nồi bánh bốc hơi nghi ngút thì mọi người lại càng cảm nhận được không khí đậm chất quê hương ngày Tết trên đất bạn.

Những ngày Tết cũng là khoảng thời gian mà các gia đình cán bộ, các bạn sinh viên, tới thăm hỏi chúc tụng nhau theo đúng truyền thống dân tộc. Và đến nhà ai cũng thấy mâm ngũ quả, cành đào được trang trí bắt mắt và đặc biệt là mùi hương thơm ngát khiến cho cảm giác nhớ nhà càng trào dâng. Có lẽ, dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, ngày Tết cổ truyền của dân tộc đã giúp cho cộng đồng Việt Nam ta được gần gũi nhau hơn với một mong ước lớn lao vì sự phồn vinh và phát triển của dân tộc Việt Nam anh dũng, kiên cường.

Bài và ảnh: Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)



Tết đậm chất quê hương trên đất Lào

Thành viên Câu lạc bộ Xiêng Khoảng múa hát mừng Xuân.


Tối mồng 4 Tết tại Viêng Chăn, Câu lạc bộ Xiêng Khoảng thuộc Thành hội Viêng Chăn (Lào) đã họp mặt mừng xuân mới Nhâm Thìn 2012.

Đến chia vui với bà con có Tổng thư kí Hội hữu nghị Lào - Việt, TS Saikhong Saynhasone, Đại sứ Việt Nam tại Lào Tạ Minh Châu cùng nhiều quan chức cao cấp của Lào và nhiều Việt kiều từ Mỹ và Đức về ăn Tết.

Thay mặt Câu lạc bộ, ông Trần Hanh, Phó Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào, Chủ tịch Câu lạc bộ đã nêu bật những thành tích của Câu lạc bộ trong năm qua là đã củng cố xây dựng câu lạc bộ thành một khối đoàn kết thống nhất, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, nhiệt tình tham gia vào các phong trào chung của cộng đồng như thăm hỏi, giúp đỡ hội viên bị ốm đau, hoạn nạn; ủng hộ hơn 40 triệu kíp cho các hoạt động của cộng đồng; đặc biệt Câu lạc bộ duy trì được các buổi sinh hoạt định kỳ vào các tối thứ 6 trong năm thứ sáu liên tục. Đây là điều kiện để bà con gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm làm ăn, tập dượt các bài hát để tham gia các buổi giao lưu, các đợt hội diễn phục vụ các ngày lễ lớn của hai dân tộc
Bên những mâm cỗ đậm chất Tết Việt Nam, bà con vừa thưởng thức những món ăn truyền thống vừa dành cho nhau những lời tốt đẹp nhất và xem một chương trình văn nghệ hướng về cội nguồn đậm chất xuân.

Bài và ảnh: Hoàng Chương (P/v TTXVN tại Lào)


Tết của người lao động Việt Nam tại Hồng Công

Chị Tính (trái), chị Thu (phải) và những người bạn cùng thưởng thức hương vị Việt và hát bài ca Việt.


Chờ đợi hai ngày, cuối cùng, chị Tính cũng có cặp bánh chưng mua từ một gia đình người Việt chuyên cung cấp bánh trái cho cộng đồng. Thêm chút mứt lạc, mứt dừa và hạt bí, hạt dưa, dẫu chưa đầy đủ như ở quê nhà, nhưng đó là cả một nỗ lực đối với một người lao động xa xứ như chị Tính.

Gia nhập xã hội Hồng Công (Trung Quốc) đã được gần 20 năm, chị Tính mới chỉ được hưởng vài cái Tết ở quê nhà Hải Phòng. Những cái Tết còn lại, do điều kiện kinh tế không cho phép, chị đành ở lại Hồng Công. Nhưng dù khó khăn đến mấy, chị Tính vẫn cố gắng mang hương vị Việt Nam về làm ấm căn phòng nhỏ bao năm vắng bóng đàn ông, xua đi nỗi buồn cô quạnh.

Năm nay, chị Tính dường như vui hơn vì mới sắm được thêm bộ giàn Karaoke mini. Vậy là trong những ngày Tết, chị Tính và những người bạn một thuở truân chuyên của mình có thể cùng nhau vừa nhâm nhi chút hương vị Việt vừa ngâm nga giai điệu quê hương. Đến thăm, chúc Tết chị Tính một ngày đầu Xuân, tôi đã cảm nhận được niềm vui gặp gỡ của những người lao động Việt Nam tại Hồng Công.

Họ, nói theo lời chị Thu, một đồng hương làm nghề thợ sơn như chị Tính, quanh năm bán mặt cho tường, suốt ngày suốt tháng ngoài công trường, dù có muốn cũng không dám nuôi lấy một con mèo làm bầu bạn. Cùng cảnh xa quê hương, các chị “quấn túm” lấy nhau, nhưng cũng chỉ có dịp Tết là dài nhất để có thể đi đến nhà nhau hàn huyên chuyện tình cảm, công việc và cùng nhau nấu nướng, thưởng thức các món ăn Việt Nam.

Sang Hồng Công từ khi mới 6 tuổi, chị Nguyên, một phụ nữ Hà Nội chính gốc, hạnh phúc vì có một mái ấm gia đình để nương tựa. Sau nhiều năm lam lũ, cuối cùng, vợ chồng chị Nguyên cũng mua được một căn hộ trên tầng 17 của một khu chung cư cách xa trung tâm Hồng Công. Trong diện tích hơn 30 m2, 5 con người sinh sống, chật chội, đồ đạc tràn cả ra phòng khách, nhưng chị Nguyên vẫn dành chỗ đặt ban thờ tổ tiên. Ngày Tết, đặt chiếc bánh chưng và chiếc giò thủ tự gói lên ban thờ, chị Nguyên thắp nén hương cầu khấn tổ tiên phù hộ cho gia đình và bản thân sức khỏe.

Với chị Nguyên, chị Tính, chị Thu, ốm đau thực sự là nỗi ám ảnh. Sức khỏe không chỉ giúp họ chống chọi lại với áp lực công việc, nuôi sống gia đình, mà hơn thế có sức khỏe để đi làm việc còn mang đến niềm tự hào của những người không trở thành gánh nặng xã hội. Các chị không muốn trở thành kẻ ăn bám trên mồ hôi nước mắt của những người đóng thuế khác tại Hồng Công, càng không muốn điều đó làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người Việt Nam tại Hồng Công nói riêng, Tổ quốc Việt Nam nói chung. Và ngày Tết, như thường lệ, cũng là dịp để họ gặp nhau, nhắc nhở nhau cùng gìn giữ nét đẹp “tự lực tự cường” của dân tộc.

Bài và ảnh: Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)


Tết đi lễ chùa ở Đức

Người Việt đi lễ Phật tại chùa Phổ Đà.


Đi chùa lễ Phật đầu năm là một phong tục lâu đời của người Việt nhằm cầu mong cho gia đình và bản thân được mạnh khỏe, bình ăn và làm ăn phát đạt. Đây là một nhu cầu tâm linh rất cần thiết của nhiều người Việt. Chính vì vậy, ở đâu có cộng đồng người Việt đông đảo là chùa được dựng lên. Cho tới nay, riêng tại thủ đô Béclin (Đức) đã có tới 3 ngôi chùa do người Việt dựng lên là chùa Linh Thứu, chùa Phổ Đà và chùa Quán Thế Âm.

Chúng tôi tới chùa Phổ Đà tại Béclin vào chiều 22/1, tức là trước giờ giao thừa sang năm mới tại Việt Nam. Đây là một ngôi chùa do người Việt dựng lên vài năm nay và ngày càng có nhiều người lui tới lễ Phật.

Thượng tọa Thích Từ Nhơn trụ trì chùa Phổ Đà cho biết: Phần lớn người Việt Nam sống ở Đức đã được trên 20 năm, cho tới nay, nhiều người đã lớn tuổi, nên có nhu cầu đi lễ chùa để gửi gắm niềm tin và nghe những lời răn dạy của Đức Phật.

Đúng 18 giờ (giờ Đức), tức đúng lúc giao thừa ở Việt Nam, chùa Phổ Đà bắt đầu làm lễ cầu an nhân dịp năm mới.

Sau lễ dâng hoa, cúng rường do các cháu thuộc Câu lạc bộ Sao Mai thực hiện, Thượng tọa Thích Từ Nhơn cùng các phật tử đọc kinh cầu cho quốc thái, dân an, mọi gia đình được ấm no, hạnh phúc.

Chúng tôi cũng thấy bất ngờ khi thấy một số người Đức đi cùng vợ, hoặc bạn trai, bạn gái người Việt đến lễ chùa nhân dịp năm hết, Tết đến. Đây có lẽ cũng là một bằng chứng cho sự đồng cảm giữa người Đức và người Việt trong quá trình hội nhập.

Bài và ảnh:Văn Long - Thanh Hải (P/v TTXVN tại Đức)


Tết ở xứ tuyết mùa đông

Người Việt ở Nga quây quần đón Tết.

Đã trở thành thông lệ, người Việt ở Nga đón Tết âm lịch tuy chỉ vài ba ngày do nước bạn không "ăn Tết ta", nhưng không kém sôi nổi và chu đáo như người Nga đón năm mới 2012 với kỳ nghỉ kéo dài tới 10 ngày hoặc như bà con trong nước tổ chức.

Lễ đón năm mới Nhâm Thìn trùng vào hai ngày nghỉ cuối tuần nên những người Việt ở Nga tranh thủ tụ họp, cùng nhau cúng Giao thừa, đi chúc Tết để ngày mùng 1 (23/1) lại phải ra chợ kẻo lỡ "ngày thứ hai đông khách mua buôn, mua lẻ". Tuy nhiên, đến tối về, mọi người vẫn đi chúc mừng nhau hoặc tụ tập bên mâm cỗ thịnh soạn, vui vẻ nâng ly để tạm quên đi nỗi nhớ nhà cùng cái rét lạnh buốt của "Xứ Tuyết mùa Đông" hoặc sự vất vả, gian truân của cuộc mưu sinh ở xứ người.

Theo thống kê không chính thức, hiện có khoảng 100.000 người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại LB Nga. Nhờ giao thông đường biển - đường không giữa hai nước thuận lợi nên đã vài chục năm nay, người Việt tại Nga có đủ các loại thực phẩm - hàng khô thuộc diện "của ngon, vật lạ" từ Việt Nam vận chuyển đến. Măng, miến, mộc nhĩ, lá dong, nếp, đậu xanh, mứt..., thậm chí quýt, hoa đào, hoa mai..., đều được máy bay VietnamAirlines hoặc Aeroflot mang tới phục vụ rất kịp thời. Đã trở thành thông lệ, bàn thờ ngày Tết trong các gia đình Việt ở Nga luôn có đủ hoa đào hoặc hoa mai, quýt, bánh chưng, mứt... không khác gì ở Việt Nam.

Chúng tôi đã có dịp được tận mắt chứng kiến gia đình anh K. chị Y. tổ chức gói bánh chưng xanh và bánh tét "cho cả xóm" gồm gần chục gia đình người Việt sinh sống tại một khu nhà thuê của Cục phục vụ ngoại giao đoàn ở Mátxcơva. Gói bánh và sắp xếp bàn thờ, chọn chỗ trang trí cành đào là dịp để cả nhà, nhất là hai cháu, đỡ nhớ ông bà và người thân nội - ngoại ở Việt Nam, là cơ hội để các cháu ôn lại tập tục đón Xuân của người Việt. Sau lễ cúng Giao thừa, các cháu được tháp tùng người lớn lên đồi Chim Sẻ (trước đây gọi là đồi Lenin) đốt và xem bắn pháo hoa. Nhiều bạn Nga của cháu O., đang học lớp 9, đã nhiều lần xin phép được đến đón Tết với gia đình cháu. Các cháu người Nga không ngại ngần bày tỏ "cảm tưởng" với chúng tôi rằng các cháu là những người may mắn nhất vì ngoài lễ đón năm mới dương lịch, các cháu còn được thưởng thức một cái Tết âm lịch rất đặc sắc và nhiều dư vị của người phương Đông, trước hết là của đất nước Việt Nam xa xôi, nhưng giờ đây đã trở nên thân thiết và gần gũi của giới trẻ LB Nga.

Bài và ảnh: Đình Lanh (P/v TTXVN tại Nga)

Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn, các cơ quan đại diện cùng đông đảo người Việt tại nhiều nước khác trên thế giới như Nhật Bản, Campuchia, Ấn Độ, Malaixia, Xri Lanca, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ, Italia, Hy Lạp, Bỉ, Mỹ, Canađa, Nam Phi, Angiêri, ... cũng đã tổ chức đón Tết dân tộc với nhiều hoạt động hướng về quê hương, đất nước.