04:10 16/04/2011

Tết Chôl Chnam Thmây

Những ngày giữa tháng tư, khi chúng tôi đến thăm một xóm nhỏ nằm “lọt giữa” xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh trong dịp Tết Chôl Chnam Thmây, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là nhóm thanh niên với khuôn mặt rám nắng, tấm lưng trần “cháy đen”...

Những ngày giữa tháng tư, khi chúng tôi đến thăm một xóm nhỏ nằm “lọt giữa” xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh trong dịp Tết Chôl Chnam Thmây, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là nhóm thanh niên với khuôn mặt rám nắng, tấm lưng trần “cháy đen” cùng những người phụ nữ bế con đang ngồi ríu rít chuyện trò bên hiên “Ngôi nhà 134”.

Những tiếng nhạc tươi vui của điệu múa Lâm Thon phát ra từ những ngôi nhà ấy đủ để người ta nhận ra nơi này là “địa bàn” của đồng bào Khmer. Đây gần như là dịp duy nhất trong năm, xóm nhỏ của đồng bào Khmer cùng tụ họp về đông đủ đón Tết Chôl Chnam Thmây.

Tháng tư với cái nắng oi bức ở vùng đất Tây Ninh khiến mọi người rất ngại ra đường. Buổi chiều dạo quanh khu vực thôn quê huyện Hòa Thành, không khí khá vắng vẻ, mọi hoạt động diễn ra rất bình lặng. Nhưng ẩn sâu trong lòng xã Trường Tây có một nơi đang nhộn nhịp tiếng hát đón chào Tết Chôl Chnam Thmây. Đó là ấp Trường An, nơi có 3 tổ của đồng bào Khmer sinh sống. 55 căn nhà hỗ trợ đồng bào dân tộc theo chương trình 134 của Chính phủ được xây dựng thành 4 dãy dài, tạo nên một không gian ấm cúng.

Đây là năm thứ 5 đồng bào Khmer ấp Trường An được đón Tết Chôl Chnam Thmây trong những “Ngôi nhà 134”. So với những năm trước, năm 2011 này, đồng bào về quây quần bên nhau tương đối đông đủ. Theo Già làng Tư Monl (Cao Văn Monl), chỉ có một vài hộ có lẽ vì cuộc sống mưu sinh ở nơi xa xôi, nên họ chưa về hoặc không về được. Bên cạnh những người đi làm thuê trong tỉnh, nhiều gia đình Khmer thời gian qua đã lặn lội sang các tỉnh khác như Bình Dương, Bình Phước, Long An để kiếm kế sinh nhai. Ông Cao Văn Văn tâm sự: Tôi đi làm ở mãi Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, Long An) nhưng đến ngày Tết của dân tộc mình vẫn phải cố gắng thu xếp về. Cả năm mới có dịp sum vầy với nhau như thế này. Đó cũng là tấm lòng để nhớ về tổ tiên, nét văn hóa của dân tộc mình.

Những “Ngôi nhà 134” giúp các hộ đồng bào Khmer đón Tết Chôl Chnam Thmây vui vẻ, đầm ấm.


Những khó khăn của cuộc sống không ngăn được người dân nơi đây đón Tết Chôl Chnam Thmây sôi động với những làn điệu tươi vui. Những ngày Tết dân tộc này, nhạc điệu Khmer vang lên khắp nơi. Đồng bào đón Tết thật đơn giản nhưng không hề tẻ nhạt. Tại nhà văn hóa ấp của người Khmer, cuộc vui Tết được tổ chức rộn ràng, diễn ra suốt 2 ngày. Những trò chơi vui nhộn, những điệu múa Lâm Thon say đắm lòng người được chính những diễn viên “cây nhà lá vườn” thể hiện. Tuy không “dẻo” như những người múa chuyên nghiệp nhưng cũng đủ lôi cuốn đông đảo người dân địa phương đến chung vui. Với họ, đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao.

Trước đây cuộc sống của đồng bào Khmer ở xã Trường Tây rất khó khăn, họ sống nay đây mai đó hoặc định cư thì cũng chỉ có những túp lều tạm. Nay được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, dần dần họ đã có cuộc sống tốt hơn. Già làng Tư Monl chia sẻ: Nhờ Chương trình 134 mà người dân ở đây mới có nhà để ở. Nhà nước chăm lo cho từng hộ, xây nhà, cung cấp vốn cho làm ăn, khoan giếng, cho máy bơm, kéo điện về sinh hoạt, rồi còn cho 10 con bò để chăn nuôi xoay vòng nữa. Nhờ đó mà người dân mới yên tâm đi làm ăn để kiếm sống. “An cư lạc nghiệp” mà.

Từ 55 hộ được Nhà nước xây dựng nhà theo Chương trình 134, hiện nay trong ấp Trường An đã có gần 70 hộ đồng bào Khmer sinh sống với khoảng 300 nhân khẩu. Vì cuộc sống, nhiều hộ cả năm trời, có khi 3 – 4 năm mới quay về những căn nhà của mình. Họ đi làm thuê, làm mướn ở khắp nơi, có khi sinh con đẻ cái tại nơi làm việc của mình. Già Tư Monl kể: Những đứa trẻ đang khôn lớn ở đây không hẳn được sinh ra trong những “Ngôi nhà 134” này. Chúng có thể được sinh ra tại những lán nhỏ trong những đám rẫy hay những rừng cao su bạt ngàn, nơi cha mẹ chúng làm ăn. Như trường hợp của bé Su, có cha mẹ làm thuê ở Bình Phước. Do không kịp về nhà nên mẹ cháu đã sinh ngay tại túp lều trong rừng cao su. Như để kỷ niệm cái nơi sinh ấy, bé được mang cái tên Su dễ thương.

Mong ước lớn nhất của Già Tư Monl là cái xóm nhỏ ấy có điều kiện để giữ lại nét văn hóa của mình. Một ngôi chùa nhỏ với một người thầy thông thạo văn hóa và tiếng Khmer để dạy cho đám trẻ, những thế hệ “bé Su”. “Ngoài việc học tiếng Việt và những kiến thức ở trường, những đứa trẻ ở đây cũng cần phải biết tiếng của đồng bào Khmer, từ đó mới giữ được nét văn hóa dân tộc. Tôi gần 80 tuổi rồi, chỉ mong sau này cả ấp được no đủ, giữ được nét văn hóa của mình. Nhưng hiện nay chúng tôi còn đang phải lo miếng ăn từng ngày, nên chuyện mướn thầy về khó lắm”, Già tâm sự.

Người dân nơi ấp nhỏ ấy đón Tết Chôl Chnam Thmây trong niềm vui của riêng mình với những niềm hi vọng mới. Với họ, cuộc sống dù có khó khăn, nhưng bằng nghị lực của mình cùng với sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, họ sẽ tiếp tục vươn lên để chiến thắng cái nghèo.

Vũ Tiến Lực