05:07 03/05/2011

Tay vợt Nguyễn Tiến Minh: Hết thời đỉnh cao?

Hầu như giải nào tham dự kể từ đầu năm 2011 đến nay, tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh cũng phải dừng bước sớm trước những đối thủ yếu hơn.

Hầu như giải nào tham dự kể từ đầu năm 2011 đến nay, tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh cũng phải dừng bước sớm trước những đối thủ yếu hơn. Người hâm mộ cầu lông Việt Nam vẫn coi anh là một tài năng bậc nhất từ trước tới nay, nhưng cũng đã đến lúc phải thừa nhận Tiến Minh không còn ở thời kỳ đỉnh cao phong độ.

Tiến Minh vừa phải dừng chân tại vòng tứ kết giải Ôxtrâylia mở rộng, giải đấu mà anh là ĐKVĐ. Một thất bại được xem là quá bất ngờ bởi Sho Sasaki chưa bao giờ là đối thủ xứng tầm với Tiến Minh. Chỉ ít ngày sau, Tiến Minh lại thất bại tại giải VĐ châu Á trước tay vợt đàn em người Trung Quốc. Đây chỉ là 2 trận thua gần nhất của Tiến Minh trong năm nay. Lý do nào khiến Tiến Minh bại trận trong cay đắng liên tiếp như vậy? Tất nhiên, chắc chắn sẽ có nhiều người lý giải thắng thua là chuyện bình thường trong thể thao. Thế nhưng phải thẳng thắn mà nhìn nhận, những trận thua gần đây của Tiến Minh đều hướng suy nghĩ đến 1 nguyên nhân đã được nhìn thấy rõ.

Tay vợt Nguyễn Tiến Minh (TP Hồ Chí Minh) đoạt HCV nội dung đơn nam trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6. Ảnh: Quốc Khánh-TTXVN


Trong năm 2010, Nguyễn Tiến Minh đã tham dự tổng cộng 11 giải đấu nhưng thành tích đáng kể nhất chính là chức vô địch giải Ôxtrâylia mở rộng mà anh vừa trở thành nhà cựu vô địch. Điều đáng nói, dù vô địch nhưng Tiến Minh cũng chẳng được đánh giá cao bởi đó lại là giải không có bất cứ một tay vợt nào nằm trong tốp 50 thế giới tham dự. Ngay cả trận chung kết, đối thủ của Tiến Minh cũng chỉ là tay vợt xếp hạng...128 thế giới. Sang năm nay thì tình hình có vẻ bi đát hơn khi đến thời điểm này, Tiến Minh vẫn chưa có được thành tích đáng kể nào, dù anh vẫn lên hạng đều đặn do được tham dự rất nhiều giải quốc tế để tích lũy điểm.

Trong tốp 10, các tay vợt như Lee Chong Wei, Lin Dan, Peter Gade... thường chỉ thua những đối thủ đứng trên dưới mình vài bậc. Thứ hạng của các tay vợt này cũng ít khi biến động nhiều năm qua bởi họ có phong độ rất ổn định. Với Tiến Minh, nguy cơ bị bật ra khỏi tốp 10 có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đơn giản bởi, tay vợt này không chỉ thua trong tất cả những trận gặp các cao thủ trong tốp 10, mà còn thua cả những đối thủ vô danh tiểu tốt, thậm chí thua cả những tay vợt xếp hạng... 552 thế giới như tại giải Trung Quốc mở rộng năm ngoái.

Ở tuổi 28, Tiến Minh khẳng định đây chính là độ tuổi mà anh cảm thấy tốt nhất trong sự nghiệp. Không phủ nhận điều đó, nhất là khi tay vợt Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và khẳng định bản lĩnh thi đấu quốc tế. Thế nhưng thực tế, Tiến Minh đã không còn duy trì tốt nền tảng thể lực như những năm trước đây. Nếu quan sát các trận đấu sẽ thấy, với những đối thủ đẳng cấp, lại có thể lực tốt, Tiến Minh thường không đua thể lực trong những séc đấu kéo dài căng thẳng. Trong năm 2010 và đầu năm nay, cũng đã rất nhiều trận Tiến Minh thua những tay vợt yếu hơn mình rất nhiều, cũng bởi nguyên nhân lớn là thể lực giảm sút. Tiến Minh là một trong những VĐV được đầu tư chuyên biệt, thậm chí, anh còn được thuê riêng hẳn 1 HLV người Inđônêxia để kèm cặp. Vậy vì sao anh cứ ngày càng đi xuống như vậy? Có lẽ cũng không thể đổ lỗi cho bất cứ ai vì đa số những VĐV của Việt Nam đều ở bên kia sườn dốc sự nghiệp khi ở ngưỡng bước sang tuổi 30, và Tiến Minh cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nói một cách khác, Tiến Minh bắt đầu đi xuống sau khi lên đỉnh của sự nghiệp.

Điểm giới hạn của mỗi VĐV là tất yếu, là chuyện bình thường, chỉ khác là mỗi người có một giới hạn khác nhau, hoặc có khả năng giữ được phong độ đỉnh cao trong một thời gian dài hay ngắn. Ở các nước có môn cầu lông phát triển, các tài năng cầu lông có khả năng kéo dài được giới hạn của mình hơn. Nguyên nhân được cho là họ luôn nhận được sự đầu tư khoa học suốt một quá trình dài. Trong khi đó, việc đầu tư cho Tiến Minh chỉ được chú ý đôi ba năm trở lại đây, nhiều năm liền trước đó vẫn là tự phát của gia đình anh hoặc một vài tổ chức. Vậy nên, điểm giới hạn của Tiến Minh trong môi trường của Việt Nam đến sớm cũng là chuyện dễ hiểu.

Anh Chi