11:16 11/11/2010

Tây Nguyên: Nhanh chóng khôi phục sản xuất sau lũ lụt

Theo tin của phóng viên TTXVN thường trú tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên: Tính đến ngày 10/11, mưa lũ đã làm 28 người chết, mất tích 2 người. Riêng tỉnh Khánh Hòa có 8 người chết, 1 người mất tích và 6 người bị thương, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 410 tỷ đồng...

Theo tin của phóng viên TTXVN thường trú tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên: Tính đến ngày 10/11, mưa lũ đã làm 28 người chết, mất tích 2 người. Riêng tỉnh Khánh Hòa có 8 người chết, 1 người mất tích và 6 người bị thương, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 410 tỷ đồng; huyện miền núi Khánh Sơn vẫn còn hơn 6.000 người dân thuộc 2 xã Sơn Lâm, Thành Sơn đang bị cô lập vì giao thông chia cắt, phải huy động nhân lực gùi 10 tấn gạo cứu trợ khẩn cấp cho 2 xã này.

Tận thu lúa đến kỳ thu hoạch trên các chân ruộng đã rút nước tại Ninh Thuận. Ảnh: Đức Ánh -TTXVN

Hiện tại, đoàn cứu trợ của huyện Khánh Sơn mới đưa được khoảng 3 tấn gạo đến tay người dân. Theo ông Ngô Hữu Giác, phải đợi đến hết mùa mưa lũ năm nay, huyện mới bắt tay vào khắc phục, sửa chữa tuyến đường trên để tránh mưa lũ tiếp tục làm hư công trình sau khi sửa chữa. Do đó việc gùi gạo cứu trợ vẫn phải tiếp tục cho đến hết mùa mưa lũ.

Giao thông cách trở cũng đã khiến giá cả mặt hàng thực phẩm ở huyện Khánh Sơn trong 10 ngày qua tăng khoảng 20%; giá xăng có thời điểm lên đến 30.000 đồng/lít vì các trạm xăng cạn nhiên liệu. UBND huyện Khánh Sơn đã đề nghị Công ty xăng dầu Phú Khánh chi viện nhằm giải tỏa tình trạng thiếu nhiên liệu. Công ty xăng dầu Phú Khánh đã cử phương tiện tiếp tế nhưng chỉ ở quy mô nhỏ, thông qua việc đưa các bồn, can xăng vừa và nhỏ. Riêng giá lương thực vẫn bình ổn vì UBND huyện Khánh Sơn trước mùa lũ đã tích trữ được 40 tấn gạo, 5.000 gói mì tôm.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Hiện lũ các sông ở Quảng Ngãi lên chậm, các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa tiếp tục xuống. Do đó, ngoài việc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, chủ động đối phó với mọi tình huống, các tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên cần tập trung khắc phục nhanh hậu quả của mưa lũ, ổn định cuộc sống của nhân dân và khôi phục lại sản xuất, vệ sinh môi trường phòng tránh dịch bệnh; đồng thời khắc phục sửa chữa các tuyến đường giao thông, nhanh chóng thông xe tại các điểm còn ách tắc, kiểm tra các hồ chứa, sửa chữa kịp thời các sự cố để bảo đảm an toàn.

lTrưởng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Bá Lộc cho biết: Tỉnh đã tiếp nhận 30 tỉ đồng và 1.000 tấn gạo do Chính phủ hỗ trợ để khắc phục hậu quả lũ, lụt tạm thời tại tỉnh Phú Yên, 2 chiếc canô cứu nạn công suất 85 CV. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cùng các đơn vị liên quan khắc phục ngay hệ thống kênh mương thủy lợi, đê bao... chuẩn bị phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2010 – 2011. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt là các huyện miền núi, nhiều công trình cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng, một số tuyến giao thông ở các huyện vùng cao Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng không đi lại được. Tại huyện Sơn Tây đến ngày 10/11, mưa lớn đã làm cho các tuyến đường từ trung tâm huyện về nhiều địa phương bị sạt lở với khối lượng đất đá lên đến hàng chục nghìn mét khối, giao thông bị tắc nghẽn. Để đảm bảo giao thông, huyện Sơn Tây đã huy động hàng chục phương tiện cơ giới của các đơn vị tham gia xây dựng các công trình trên địa bàn huyện, huy động cán bộ, công nhân viên và nhân dân địa phương khẩn trương san lấp lượng đất đá sạt lở vùi lấp nền đường, sử dụng vật tư đã tập kết tại các địa điểm xung yếu để khắc phục tình trạng sạt lở đường và các ngầm, tràn qua sông, suối. Đối với 15 hộ đồng bào ở xã Sơn Dung có nhà ở bị tốc mái và 6 hộ ở xã Long Sơn nằm trong khu vực sạt lở núi, huyện Sơn Tây đã di chuyển toàn bộ những hộ này đến nơi ở an toàn và cấp cho mỗi hộ 50 kg gạo. Duy trì chế độ trực PCLB để sẵn sàng di chuyển kịp thời các hộ sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở núi.

Công tác cứu trợ vẫn được các cấp, ngành và địa phương tỉnh Bình Định và các tổ chức kinh tế, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tập trung cho nhân dân vùng lũ. Tổng công ty CP bia rượu Sài Gòn (Sabeco) đã ủng hộ Bình Định 300 triệu đồng; UBMTTQ và Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng tỉnh Bình Định 500 suất quà, mỗi suất 500 nghìn đồng, trong đó có 200 nghìn đồng tiền mặt với tổng trị giá 250 triệu đồng. Toàn bộ số tiền và quà này sẽ giúp đỡ nhân dân vùng bị lụt nặng tại 4 xã Phước Thắng, Phước Thuận, Phước Sơn và Phước Hoà của huyện Tuy Phước.

Nhằm giúp dân nhanh chóng khắc phục diện tích sản xuất, ổn định cuộc sống do thiên tai bất thường gây ra, Bạc Liêu tiếp tục hỗ trợ nông dân khoảng 29 tỷ đồng khôi phục lại diện tích sản xuất, sửa chữa lại nhà ở nhằm ổn định cuộc sống sau khi nước rút. Hiện nay, Bạc Liêu đang khẩn trương chỉ đạo ngành chức năng cùng chính quyền địa phương mở đồng loạt hệ thống cống, đập phân ranh mặn - ngọt nhằm nhanh chóng tháo nước ra ngoài bảo vệ diện tích sản xuất. Tỉnh hướng dẫn các hộ dân gia cố, tôn cao bờ ruộng, ao tôm... dùng máy bơm nước ra ngoài; đồng thời triển khai kế hoạch khôi phục lại diện tích sản xuất, khi nước rút đến đâu phải nhanh chóng lấp vụ đến đó, phấn đấu không để bỏ đất trống vì không có điều kiện do thiếu vốn, thiếu cây - con giống...

TTN