07:09 18/07/2012

Tây Nguyên đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Sáng 17/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với tỉnh ủy, UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên (17/7/2002 - 17/7/2012) và biểu dương cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số và người có công.

Sáng 17/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với tỉnh ủy, UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên (17/7/2002 - 17/7/2012) và biểu dương cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số và người có công.


 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

 

Dự Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của vùng Tây Nguyên trong 10 năm qua và sự trưởng thành nhanh chóng của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cái được lớn lao ở Tây Nguyên không chỉ là sự phát triển từng ngày của vùng Tây Nguyên, là sự trưởng thành theo năm tháng của Ban Chỉ đạo mà quan trọng hơn là đã tạo dựng được khối đại đoàn kết các dân tộc, hội tụ sức mạnh tinh thần to lớn, tiếp nối được truyền thống đoàn kết đấu tranh cách mạng kiên cường của đồng bào các dân tộc; cùng với đó, lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước đã được phát huy, đã được nhân lên và trở thành cội nguồn của mọi thành công và thắng lợi. Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ và tri ân đồng chí, đồng bào đã gắn bó, hy sinh, lao động ngày đêm để mang lại sự ổn định và phát triển cho vùng đất Tây Nguyên - địa bàn có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh của Tổ quốc. Thủ tướng và tập thể Chính phủ sẽ tiếp tục cùng các đồng chí, đồng bào xử lý kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, giúp Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.


Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những thành tựu đạt được là rất đáng vui mừng và Tây Nguyên đang đứng trước một tương lai đầy triển vọng nhưng thực tế hiện nay, Tây Nguyên vẫn còn là một vùng nghèo, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; đời sống của một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn... Để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững, sớm giàu về kinh tế, cải thiện nhanh về đời sống, vững chắc về quốc phòng - an ninh, cần phải kết hợp đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; vừa phát huy ý chí tự lực tự cường, vừa phải có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự đầu tư tương xứng của Nhà nước về chính sách, nguồn lực và sự liên kết, hỗ trợ kịp thời của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Đặc biệt, Tây Nguyên phải thực hiện thật tốt trên thực tế chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần tiếp tục củng cố và phải phát huy vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; tích cực chỉ đạo, phối hợp triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các công việc trên địa bàn Tây Nguyên, trong đó coi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào là ưu tiên hàng đầu. Thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, đôn đốc và nêu cao vai trò giám sát các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; đồng thời chủ động theo dõi diễn biến của tình hình, cập nhật thông tin, nghiên cứu, đề xuất với Đảng và Chính phủ các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế, cũng như khắc phục các hạn chế, yếu kém trên địa bàn. Tích cực tham gia, phối hợp các lực lượng, các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tham mưu, xử lý kịp thời những tình huống đột xuất về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị trên địa bàn...


Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng biểu dương những cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số và người có công đã phát huy ý chí tự lực tự cường, xây dựng buôn làng vững mạnh, vượt qua nghèo nàn, biết vươn lên làm giàu, bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ tài nguyên môi trường. Biểu dương các đại biểu tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, góp phần làm tốt hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình đối với xã hội; khẳng định Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm và xác định tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của bộ phận quần chúng nhân dân; coi đồng bào các tôn giáo là một bộ phận máu thịt trong khối đại đoàn kết dân tộc.


Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, 10 năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với Tây Nguyên, đảm bảo an ninh, quốc phòng và đã đạt được những kết quả quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.


10 năm qua, từ một cơ cấu lạc hậu và thiếu cân đối, kinh tế Tây Nguyên hiện nay đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả với mức tăng trưởng bình quân đạt gần 12%/năm; chênh lệch thu nhập quốc dân bình quân đầu người so với cả nước thu hẹp nhanh. Hạ tầng kinh tế xã hội Tây Nguyên được tập trung đầu tư và đã có phát triển đáng kể. Văn hóa, xã hội được đặc biệt quan tâm và có chuyển biến rõ nét. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc đã đạt bước tiến triển mới; hơn một nửa số buôn làng từ nghèo đói đã đạt mức sống trung bình và khá, nhiều hộ gia đình đã giàu có, trở thành mô hình sáng về phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Mai Văn Năm, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.


Tại Lễ kỷ niệm, 122 đại biểu là người có uy tín trong dân tộc thiểu số; 57 người có công với đất nước; 25 đại biểu chức sắc tôn giáo có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế-xã hội ở các tỉnh Tây Nguyên và phụ cận đã được biểu dương và tôn vinh.


lNhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tới dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk.

 

Coi phát triển rừng là một trọng tâm


Chiều 17/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.


Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tăng cường vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc và giữ vững ổn định chính trị xã hội là tiền đề quan trọng có ý nghĩa quyết định cho phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Cùng với đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào phải là ưu tiên hàng đầu.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là khai thác có hiệu quả đất rừng để phát triển ngành công nghiệp cà phê, cao su... Theo đó, các tỉnh cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tạo sự gắn kết giữa Tây Nguyên với các khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, Đông Nam bộ.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các tỉnh phải xem việc phát triển rừng là một trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở Tây Nguyên, ngăn chặn bằng được tình trạng phá rừng nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực này. Trước mắt, khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xác lập mô hình hợp lý để phát huy tốt hơn lợi thế đất đai ở Tây Nguyên, kết hợp phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, trong đó ưu tiên các loại cây trồng, có giá trị kinh tế cao. Tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản nhất là các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên như cao su, cà phê, bông vải, chè, điều, mía, sắn…


Cùng với phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị cần hết sức quan tâm đến phát triển toàn diện về văn hoá - xã hội ở Tây Nguyên, gắn phát triển kinh tế với nâng cao dân trí và đời sống tinh thần, với tiến bộ và công bằng xã hội cho đồng bào các dân tộc. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là ở cấp cơ sở. Cấp ủy, chính quyền ở cơ sở phải được tăng cường để có đủ năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành đời sống xã hội và xây dựng khối đoàn kết các dân tộc...


Thiện Thuật