Đồng Tháp là tỉnh có diện tích lúa đứng thứ 3 cả nước và diện tích cây ăn trái khá lớn. Vì vậy, hàng năm, người dân sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, tổng lượng phân bón sử dụng là 350.642 tấn/năm, thuốc bảo vệ thực vật là 8.974 tấn/năm. Việc sử dụng phân, thuốc tràn lan khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe người nông dân.
Để bảo vệ môi trường, tỉnh đã thành lập các nhóm thanh niên tự quản để thu gom bao bì, chai lọ thuốc trừ sâu đã sử dụng đưa vào thùng chứa được trang bị ở các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có gần 2.000 thùng chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật.
Tỉnh đã xây dựng được hai mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trên lúa và hoa cảnh tại huyện Lấp Vò và thành phố Sa Đéc với tổng diện tích gần 400ha; bố trí tổng cộng 45 bể chứa thuốc bảo vệ thực vật để hướng dẫn nông dân thực hành thu gom bao, gói thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.
Mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật được triển khai tại địa phương vào tháng 6/2014 theo chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" và được người dân thực hiện hiệu quả. Qua quá trình triển khai thực hiện, đa số nông dân đều nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, an toàn, hiệu quả và thu gom chai, lọ, bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để đúng nơi quy định, góp phần trong việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nông nghiệp nói riêng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, tỉnh đã tổ chức hoạt động “Ngày Chủ Nhật xanh” cũng như thành lập các nhóm thanh niên tự quản bảo vệ môi trường. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có thùng chứa chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, để bảo vệ môi trường, nhiều địa phương đã được cung cấp thùng chứa vỏ hoặc chai thuốc bảo vệ thực vật.
Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức phổ biến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với sự tham gia của hơn 700 nông dân, trong đó tiến hành trực tiếp thu gom bao, gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trên các tuyến kênh, rạch, mương nội đồng và tập kết về địa điểm phát động với tổng lượng rác thải là 3,8 tấn. Cùng với đó, Hội Nông dân các huyện đã phát động Phong trào “Sạch nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”.
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, bảo vệ môi trường là một trong các mục tiêu của chính quyền và nông dân trong tỉnh. Điều này không chỉ tạo điều kiện để xây dựng vùng nông sản an toàn, bền vững, bảo vệ sức khoẻ của người dân mà còn giúp xây dựng và nâng tầm giá trị nông sản cũng như du lịch của tỉnh.