Trồng dứa trên đất phèn cho hiệu quả cao

Tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây lâu năm thích ứng với biến đổi khí hậu đang là hướng đi của ngành nông nghiệp Sóc Trăng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nông dân Sóc Trăng thu hoạch dứa bán cho thương lái.

Nhiều địa phương và nông dân trên địa bàn chủ động chuyển đổi trồng những cây trồng chịu được hạn, mặn và thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng tại chỗ, mang lại hiệu quả kinh tế cao; trong đó, có mô hình trồng dứa trên đất phèn.

Theo người dân, dứa dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, chăm sóc đơn giản và phù hợp với những vùng đất phèn, mặn. Sau khi trồng khoảng 18 tháng, dứa sẽ cho thu hoạch quanh năm. Giá dứa những năm gần đây tương đối ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vùng đất Lâm Tân, huyện Thạnh Trị là vùng đất trũng phèn xưa nay chuyên trồng lúa nhưng những năm gần đây, thu nhập không hiệu quả. Từ năm 2009, một số hộ dân trên địa bàn đã dần chuyển sang trồng dứa. Sau gần 8 năm trồng và thu hoạch, ước thu nhập mỗi năm từ dứa gấp 3 - 5 lần so với thu nhập từ lúa.

Gia đình bà Trương Thị Gọn ở ấp Tân Lập là một trong những hộ trồng dứa sớm nhất ở xã Lâm Tân. Năm 2009, gia đình bà trồng 5 công (5.000 m2) dứa, hơn một năm sau thì cho thu hoạch. Thấy có hiệu quả, gia đình bà Gọn mở rộng diện tích và đến nay bà đã trồng hơn 3 ha dứa. Mỗi năm, gia đình thu hoạch 4 đợt, tiền lãi trung bình khoảng 100 triệu đồng/năm.

Bà Gọn cho biết: “Trồng dứa đầu tư nhẹ, thu lợi nhuận bền hàng năm, so với lúa thì ổn định hơn nhiều. Một công trồng dứa lợi nhuận từ 9 - 10 triệu đồng/năm, gấp 4 lần lúa. Chưa kể vùng đất này phèn nên dứa rất ngọt. Hồi nhà trồng lúa rồi trái cây, mía nhưng trụ không nổi mà chỉ có dứa là thích ứng tốt”.

Cũng theo người dân, nếu trồng dứa ở đất phèn mà độ mặn không cao, trái sẽ không nặng và vườn dứa sẽ không bền như đất có độ mặn cao. Ở đất mặn, một vườn dứa có thể cho thu nhập đến 10 năm, đất phèn có độ mặn thấp thì vườn dứa cho thu từ 5 - 7 năm.

Dứa sau khi thu hoạch để lâu được, đầu ra khá ổn định nên nhiều hộ đã mở rộng diện tích trồng dứa. Gia đình anh Trần Thanh Sang, ấp Tân Lập trồng dứa hơn 2 năm nay. Mỗi năm thu hoạch 3 đợt, trừ chi phí, anh lãi khoảng 40 triệu đồng/năm. Từ 3 công trồng dứa ban đầu, gia đình anh mở rộng trồng thêm 2 công. Thời gian tới, anh dự định sẽ chuyển diện tích 5 công trồng hoa kém hiệu quả sang trồng dứa.

Anh Sang chia sẻ: “Hồi mới đầu cũng nhờ Ủy ban nhân dân xã cho vay vốn và hỗ trợ giống để gia đình làm. Thấy hiệu quả nên gia đình định sẽ vay vốn Ngân hàng Chính sách rồi mở rộng diện tích trồng thêm. Đối với dứa, mình chủ động đợt trái để thu hoạch được mà lại dễ làm, chỉ làm cỏ là hơi cực thôi. Mà thu hoạch được nhiêu là bán được bấy nhiêu, không bị tồn”.

Hiện giá dứa khoảng 12.000 đồng/trái đối với loại 1 (trái to, đẹp) và tương đối ổn định từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Tuy bán được giá song người dân không dám mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích sang trồng dứa do thời gian đợi để thu hoạch lâu (khoảng 18 tháng).


Ông Lưu Sơn Nhì, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lâm Tân cho hay, qua 8 năm theo dõi, đánh giá ban đầu cho thấy, mô hình trồng dứa trên đất phèn mang lại hiệu quả kinh tế cao, chưa có trường hợp sâu bệnh nặng. Chi phí đầu tư nhẹ, tốn ít nước, phân. Hiện toàn xã có gần 10 ha diện tích trồng dứa. Nếu tập hợp đủ dân, xã sẽ mở lớp tập huấn và hỗ trợ cho người dân vay vốn, chuyển đổi sang trồng dứa.

Sóc Trăng đang có khoảng 19 mô hình khuyến nông có hiệu quả; trong đó, huyện Thạnh Trị triển khai 6 mô hình. Từ khi phát hiện mô hình trồng dứa trên vùng đất trũng phèn đạt hiệu quả, huyện chủ trương vừa quan sát, vừa hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, nhân rộng mô hình ở những vùng phèn, mặn.

Ông Trần Trang Nhã, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạnh Trị cho biết, trước kia, người dân trên địa bàn trồng tự phát, lấy giống từ Kiên Giang về trồng. Năm 2014, huyện phát hiện ra mô hình, bước đầu có hiệu quả nên đầu tư trên 3 ha về vốn và giống cho người dân. Kết quả cho thấy, giá dứa ổn định, người dân có lãi. Dự định huyện sẽ nhân rộng ra vùng đất phèn trên địa bàn ở hai xã Lâm Tân và Thạnh Tân.

Trước những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, việc phát hiện và canh tác loại cây trồng phù hợp với địa phương, thích ứng với hạn mặn và mang lại hiệu quả kinh tế cao là điều đáng mừng đối với người dân tỉnh Sóc Trăng. Hy vọng, mô hình trồng dứa trên đất trũng phèn sẽ mở ra hướng sản xuất bền vững cho người dân nơi đây.

Bài và ảnh: Hoài Thu (TTXVN)
Trồng dứa phụng phục vụ Tết
Trồng dứa phụng phục vụ Tết

Vùng dứa nguyên liệu Hậu Giang không chỉ nổi tiếng với dứa Cầu Đúc ngon ngọt được chế biến thành các mặt hàng xuất khẩu mà còn có các loại dứa độc đáo phục vụ thị trường Tết Nguyên đán như dứa hoa, dứa son.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN