Tiền Giang lên kế hoạch nguồn nước cho vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản trong mùa khô hạn

Trước tình hình thời tiết, thủy văn bất lợi, dự kiến mùa mưa năm nay chấm dứt sớm và mùa khô hạn, xâm nhập mặn 2023 – 2024 sẽ hết sức gay gắt, ông Nguyễn Văn Nhã, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết, công ty sẽ chủ động triển khai lịch vận hành các cống đập trong hai ô bao Đông – Tây Ba Rày theo hướng đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, ngăn lũ từ thượng nguồn sông Cửu Long trong mùa lũ 2023 vừa chống hạn hán và xâm nhập mặn bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản xuất khẩu giá trị kinh tế cao vào mùa khô 2023 - 2024.

Chú thích ảnh
Trạm bơm Bình Phan bơm đưa nước về phục vụ trà lúa Đông Xuân các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Ảnh tư liệu: TTXVN

Đặc biệt, công ty sẽ đảm bảo vận hành công trình an toàn, hợp lý, giúp giảm chi phí bơm tiêu nước phục vụ nhu cầu thâm canh của nông dân vừa giảm nhẹ nguy cơ thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng trong mùa khô 2023 – 2024 tới.

Ông Nguyễn Văn Nhã cho biết, căn cứ hiện trạng sản xuất trong toàn vùng và diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, công ty xây dựng kế hoạch vận hành công trình phù hợp, cụ thể và thông tin đến các cấp, các ngành cũng như mọi tầng lớp nhân dân biết và chung tay thực hiện, ứng phó thiên tai.

Theo đó, lịch vận hành công trình thủy lợi được lập mỗi tháng 2 lần phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu lấy nước tưới tiêu phục vụ sản xuất của bà con trong vùng. Lịch vận hành cụ thể được gửi đến Ủy ban nhân dân các xã, phường và nhân dân địa phương; đồng thời, tiếp nhận, giải đáp những thắc mắc của người dân kịp thời trong quá trình vận hành khi diễn biến tình hình thủy văn bất lợi, tránh sai sót.

Mặt khác, công ty cũng sẽ cử cán bộ theo dõi, quản lý, phối hợp cùng các địa phương thường xuyên kiểm tra hiện trạng và tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi đảm bảo hiệu quả phục vụ sản xuất. Đặc biệt là kiểm tra nguồn nước, chất lượng nước trong và ngoài ô đê bao, có biện pháp xử lý kịp thời theo từng giai đoạn như: thời điểm ứng phó lũ lụt; thời điểm cần lấy nước tưới chống hạn, ngăn mặn bảo vệ cây trồng, giúp các công trình thủy lợi trong hai ô bao mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.

Ngoài ra, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang cũng phối hợp với các địa phương trong vùng khảo sát, thống kê hiện trạng, lập danh sách các kênh mương nội đồng trong hai ô bao bị bồi lắng nhằm tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, khai thông dỏng chảy ngay từ đầu mùa khô 2023 – 2024 tới.

Nhằm đạt mục tiêu ứng phó hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô 2023 – 2024, giám đốc Nguyễn Văn Nhã kiến nghị Ủy ban nhân dân các địa phương hưởng lợi từ hai ô bao Đông – Tây Ba Rày: huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy chỉ đạo các xã, phường trong khu vực dự án xây dựng kế hoạch vận hành đóng mở các cống đập do cấp xã, phường quản lý phù hợp với phương án vận hành chung của toàn dự án, đảm bảo phục vụ sản xuất một cách hiệu quả nhất, giảm nhẹ thiên tai.

Hai ô bao Đông và Tây Ba Rày có tuyền đê bao khép kín chiều dài 75.000 m cùng 74 cống lớn nhỏ lấy nước qua đê bảo vệ trên 8.200 ha đất canh tác; trong đó trên 8.100 ha vườn trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản có giá trị xuất khẩu cao, chủ yếu là sầu riêng của huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.

Minh Trí (TTXVN)
Điều tiết hợp lý nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống
Điều tiết hợp lý nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia từ ngày 23/6, nắng nóng ở Bắc Bộ có xu hướng giảm dần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN