Tây Bắc khai thác lợi thế hồ thủy điện

Nhằm phát huy lợi thế diện tích mặt nước, nhất là các hồ thủy điện, những năm qua các tỉnh vùng Tây Bắc đã có chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế.

Mở rộng nghề nuôi thủy sản

Theo ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, vùng Tây Bắc bao gồm 12 tỉnh và 21 huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An. Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản có bước phát triển, diện tích ước đạt 37,5 ngàn ha, sản lượng ước đạt 70 nghìn tấn, tăng bình quân 12%/năm. Nhiều mô hình trang trại chăn nuôi và nuôi cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm được phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La. Nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương đã phát triển khá nhanh về diện tích, tăng sản lượng, thu được giá trị cao, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Để ổn định cuộc sống người dân ở vùng đất mới, ngoài những chính sách hỗ trợ sau tái định cư, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số các xã tái định cư thủy điện Huội Quảng, Bản Chát, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã phát triển kinh tế mới bằng nghề nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện.

Ngay sau khi hồ thủy điện Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu... tích nước, để giúp nhân dân các tỉnh có hồ thủy điện phát huy thế mạnh về diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chủ trương phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện. Thực hiện chủ trương này, các tỉnh Tây Bắc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai đề án theo đúng các quy định. Cụ thể hóa chủ trương này, Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá đặc sản và hợp đồng nông trại. Theo đó, dự án cung cấp 11.000 con cá lăng giống, kích cỡ giống 6 - 8 cm/con cho 25 hộ có điều kiện khó khăn sống trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.

Trong quá trình thực hiện dự án, các cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thủy sản mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lăng bằng lồng và các biện pháp phòng trị bệnh cho cá đến tất cả các hộ dân tham gia dự án cũng như những hộ có nhu cầu. Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ sống của cá nuôi thương phẩm từ 70 - 75% lên 80 - 85%. Đồng thời, thời gian nuôi rút ngắn từ hơn 20 tháng xuống còn 16 tháng. Dự án cũng kết nối nông dân với doanh nghiệp thông qua ký kết hợp đồng cung cấp thức ăn, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo thời gian thu hoạch được rút ngắn xuống 2 tháng so với trước đây là 6 tháng.

Dù có lợi thế về hồ thủy điện nhưng các tỉnh vùng Tây Bắc vẫn chưa khai thác hết tiềm năng mặt nước để phát triển nghề nuôi thủy sản. Người dân trong vùng chủ yếu vẫn sử dụng giống và nuôi theo phương pháp truyền thống.


Tỉnh Sơn La cũng đã có Đề án khai thác tiềm năng vùng lòng hồ các thủy điện trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 63 của tỉnh Sơn La). Theo đó tổng vốn đầu tư dự kiến cho Đề án là 20.000 tỷ đồng gồm: 3.780 tỷ đồng vốn đầu tư của Nhà nước và 16.220 tỷ đồng vốn của các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Đề án tập trung khai thác phát triển nuôi thủy sản, lâm nghiệp, giao thông vận tải, du lịch, thương mại dịch vụ.


Ông Bùi Minh Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, Trưởng Ban Chỉ đạo 63, nhấn mạnh: Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đưa kinh tế vùng hồ các thủy điện tiến nhanh, mạnh, vững chắc, trở thành khu vực có trình độ phát triển khá, có hệ thống cơ sở hạ tầng liên kết đồng bộ với các vùng kinh tế trong tỉnh; khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng hồ gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị hiện có; phát triển kinh tế cùng với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững; tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân vùng hồ. Về hiệu quả kinh tế, Đề án hướng tới nâng thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác là 143,87 triệu đồng/ha mặt nước; sản lượng thủy sản thương phẩm đạt từ 8.000 - 10.000 tấn/năm, tương đương 360 - 500 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của người dân vùng hồ tăng lên 18 triệu đồng/năm.


Sơn La hiện có 28 công trình thủy điện đã hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó có 3 hồ chứa lớn của các thủy điện: Sơn La, Hòa Bình, Nậm Chiến 1. Các hồ chứa này có đủ diện tích và điều kiện cần thiết để có thể phát triển các ngành nghề nuôi trồng thủy sản, du lịch, vận tải, cùng các loại hình thương mại, dịch vụ khác trên vùng hồ.


Nhiều chính sách hỗ trợ


Theo lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, đến nay khu bến cá và hậu cần dịch vụ nghề cá đã cơ bản được hoàn thành góp phần tích cực cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Anh Hoàng Long Thương, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), chủ trang trại nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang cho biết: Nhận thấy lòng hồ thủy điện rộng, là vùng sinh thái phù hợp cho nuôi cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá nheo, cá bỗng, trắm cỏ, cá lăng... Từ tháng 8/2015, gia đình anh Thương đã mạnh dạn đầu tư 10 lồng cá để nuôi nhiều loại cá khác nhau. Sau hơn một năm nuôi, một số loài cá trong trang trại gia đình anh Thương phát triển rất nhanh như cá trắm cỏ, cá chép, cá lăng. Trang trại còn tạo việc làm cho 5 lao động khác ở địa phương...

Mô hình nuôi cá lồng của người dân trên hồ Pá Khoang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Ông Chẩu Trung Kiên, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Qua tổng kết, việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện; trong đó, tập trung phát triển nuôi cá eo, ngách, nuôi cá lồng bước đầu đã mang lại thu nhập cho người dân trên địa bàn lòng hồ.

Để giúp người dân phát triển nuôi cá lồng và cá eo, ngách, từ năm 2009, tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Theo đó, đối với nuôi cá lồng, hỗ trợ 1 lần về giống với 600.000 đồng/lồng; riêng nuôi cá đặc sản được hỗ trợ 1,6 triệu đồng/lồng. Đối với nuôi cá eo, ngách được hỗ trợ 1 lần về giống theo diện tích mặt nước (với những diện tích nuôi từ 3 ha trở lên) mức tối đa là 7 triệu đồng/ha và đối với eo, ngách tối đa là 70 triệu đồng/eo, ngách có diện tích lớn.


Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nuôi trồng thủy sản hồ thủy điện và chính sách hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật đã tạo động lực thúc đẩy phát triển nghề cá trên hồ thủy điện. Nhiều hộ dân ở các địa phương có hồ thủy điện đã khai thác lợi thế này trở nên khá giả. Đến nay, trên toàn vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã thu hút được 4 doanh nghiệp lớn cùng nhiều hợp tác xã, hộ nông dân tham gia nuôi cá lồng với trên 500 lồng cá. Sản lượng cá nuôi năm 2015 đạt hơn 3.414 tấn, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, có nhiều giống cá đặc sản có giá trị kinh tế cao được người tiêu dùng ưa chuộng như: cá dầm xanh, anh vũ, cá chiên, lăng, diêu hồng, cá tầm, cá bỗng...


Ngoài nuôi cá lồng, các hộ dân, tổ hợp tác đã tận dụng các eo, ngách hồ thủy điện để nuôi cá và mang lại hiệu quả cao. Mô hình nuôi cá eo, ngách của gia đình anh Phùng Xuân Sơn, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú, huyện Na Hang (Tuyên Quang) là một điển hình. Tận dụng eo, ngách ngay sau khu vực gia đình sinh sống, năm 2010 anh Sơn và 4 hộ gia đình trong thôn đã đầu tư hệ thống lưới ngăn tạo thành một hồ nuôi cá với diện tích hơn 10 ha và được hỗ trợ 70 triệu đồng tiền mua giống. Anh Sơn cho biết, do nước hồ sạch, phù du nhiều, sẵn cỏ nên nuôi cá eo, ngách không tốn nhiều thức ăn và công lao động, mỗi năm cũng cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng.


Giống như gia đình anh Sơn, khi tuyến đường vào cảng cá ở lòng hồ được xây dựng xong đã tạo nên một diện tích eo ngách khoảng 5 ha, gia đình anh Phúc Minh Khôi, trú tại tổ 14, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang cùng mấy người bạn đã lập dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để xin tận dụng diện tích này nuôi trồng thủy sản. Năm 2014, dự án được duyệt, được hỗ trợ 35 triệu đồng tiền mua cá giống, đã thả cá chép, cá bống và rô phi, nay cá phát triển tốt.


Trung bình mỗi một lồng cá cho thu lãi 15 triệu đồng/năm; đối với nuôi cá eo, ngách, người dân có thể tận dụng được diện tích mặt nước, nguồn thức ăn tự nhiên và đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng các chất cấm trong thức ăn chăn nuôi và cho thu nhập trung bình 60 - 70 triệu đồng/eo, ngách/năm.


Để phát triển nghề cá bền vững, các tỉnh vùng Tây Bắc đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân thực hiện tốt việc chăn nuôi, hạn chế sử dụng các nông cụ, ngư cụ đánh bắt cá hủy diệt. Không sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi thủy sản không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến việc phát triển nguồn lợi thủy sản...


Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, với những lợi thế về mặt nước của hồ thủy điện, các tỉnh vùng Tây Bắc đã xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035, đây là một trong những nội dung của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình:

Nuôi thủy sản phải bền vững

Năm 2017, tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát triển thủy sản bền vững, bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, ổn định sản xuất đời sống của nhân dân các dân tộc vùng ven hồ gắn với bảo vệ hệ sinh thái và môi trường nước. Tỉnh phát triển nuôi cá hồ chứa có thu phí để tái tạo nguồn lợi thủy sản, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 158 triệu đồng. Tỉnh cũng đánh giá rõ tác động môi trường trong thực hiện các dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện sông Đà. Bởi năm 2016, hồ thủy điện Hòa Bình đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch, đến năm 2020, khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành khu du lịch quốc gia.


Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình (Yên Bái):

Thu hút doanh nghiệp vào đầu tư

Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị nuôi trồng thủy sản trên mặt nước hồ Thác Bà phát triển theo hướng hàng hóa, đa dạng hóa các hình thức nuôi trồng thủy sản, đưa các giống cá có năng suất cao vào sản xuất, nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch. Tỉnh Yên Bái còn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đầu tư khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ, đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa.


Ông Lò Văn Khặn, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La):

Chọn giống cá thích hợp

Những năm đầu tiến hành nuôi thử, chúng tôi chọn giống cá trắm vì loại cá này dễ thích nghi với môi trường nước trong lòng hồ thủy điện. Đợt ấy, lồng cá được làm bằng tre, gỗ với chiều dài 4 m, rộng 3 m, sâu 1,5 m. Khoảng 1 đến 2 lứa đầu tiên, cá chưa quen với môi trường nước, sau đó, cá bắt đầu thích nghi và cho hiệu quả, trung bình, sau khi trừ chi phí còn thu về được từ 16 triệu đến 17 triệu đồng/lồng. Thấy việc nuôi cá trên lòng hồ cho kết quả khả quan, năm 2012, Hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng được thành lập với 18 thành viên tiến hành nuôi các loại cá như trắm, chép, nheo, lăng, trê... và lồng cá được làm bằng sắt thép. Sau gần 5 năm hoạt động, đến nay, hợp tác xã đã có gần 50 xã viên với 280 lồng cá. Để tận dụng triệt để diện tích mặt nước vùng lòng hồ, Hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng còn nuôi vịt trời với khoảng 1.200 con. Thu nhập hiện nay của các xã viên trong hợp tác xã đã đạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng/người/năm.


Ông Xa Văn Chính, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc (Hòa Bình):

Áp dụng đúng kỹ thuật

Gia đình tôi là hộ tiên phong nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình. Trước đây do làm chưa có kỹ thuật, nên người dân nuôi cá lồng thường bị lỗ vốn. Nhưng hiện nay, chúng tôi được trang bị, học hỏi và áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, nghề nuôi cá lồng trở thành thế mạnh trong cơ cấu phát triển kinh tế địa phương. Toàn xã hiện có khoảng 50 hộ nuôi cá lồng, với trên 200 lồng. Hộ nuôi ít cũng có từ 2 - 3 lồng, chủ yếu là trắm đen, trắm cỏ, chép, trê lai... Nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật, mỗi năm cũng có thể cho thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hộ nuôi nhiều có hơn chục lồng, nuôi các loại cá cao cấp hơn như cá tầm, cá ngạnh, cá chiên... cho lãi hàng trăm triệu đồng/năm.





Quang Đán - Viết Tôn
Đô thị Mường Lay giữ xanh lòng hồ thủy điện
Đô thị Mường Lay giữ xanh lòng hồ thủy điện

Thị xã Mường Lay, khu đô thị bé nhỏ, thơ mộng nằm nơi ngã ba sông, nơi hợp thủy của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN