Tây Bắc canh tác bền vững trên đất dốc

Hiện khu vực trung du và miền núi phía Bắc có khoảng 1,5 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó phần lớn diện tích đất dốc canh tác là các loại cây hàng năm, cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.

Đẩy mạnh đề án tái cơ cấu nông nghiệp

Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc, thời gian qua các tỉnh trong vùng đã cơ cấu các loại cây trồng chủ lực và xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Trước hết tập trung đối với cây lúa theo hướng giảm diện tích gieo trồng lúa ở những nơi không có lợi thế, hiệu quả sản xuất thấp, bếp bênh sang trồng các cây ngô, màu, cây làm thức ăn chăn nuôi. 

Những sườn đồi phủ kín cây ngô ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Đến nay các tỉnh trong vùng đã chuyển đổi được hơn 5.000 ha, một số địa phương xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi thành công đem lại hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa như ở Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình... Đối với cây ăn quả, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn vùng hiện có trên 130.000 ha, chiếm 42% diện tích cây ăn quả miền Bắc. Trong đó, tính riêng cây ăn quả chính thì nhóm cây ăn quả á nhiệt đới chiếm 40,4%, nhóm cây ăn quả nhiệt đới chiếm 31,8%, cây ăn quả ôn đới chỉ chiếm 6,2% diện tích cây ăn quả của vùng. Do điều kiện đặc thù nên vùng Tây Bắc cũng là nơi tập trung một số cây ăn quả ôn đới, á nhiệt đới điển hình với diện tích sản xuất chiếm vị trí chủ yếu.

Là nguồn sinh kế chính của nông dân khu vực miền núi phía bắc, sản xuất ngô của khu vực này cũng có cơ hội rất lớn để phát triển. Nhu cầu về ngô đang tăng nhanh chóng không chỉ ở trong nước mà trên phạm vi toàn cầu, trong khi tiềm năng mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao năng suất ngô của vùng là rất lớn. Vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là làm sao để phát triển sản xuất ngô một cách bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cải thiện thu nhập cho người nông dân mà không phương hại đến môi trường sinh thái, tài nguyên đất dốc của vùng. 

Canh tác lúa nương trên vùng đất dốc tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích đất dốc sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh vùng Tây Bắc, cây ngô chiếm chủ đạo với diện tích đạt 555.000 ha, năng suất đạt bình quân 37 tạ/ha. Điển hình là các tỉnh Sơn La với gần 100.000 ha; Điện Biên, Lào Cai khoảng 30.000 ha/tỉnh. Đất canh tác ngô vùng miền núi phía bắc đa phần có độ dốc lớn, trong đó, đất dốc dưới 15 độ chỉ chiếm 21,9%, đất có độ dốc từ 15 - 25 độ chiếm khoảng 16,4%, còn lại là đất có độ dốc trên 25 độ, chiếm 61,7%. 

Với độ dốc lớn như vậy, đất canh tác ngô của vùng đang bị xói mòn, rửa trôi với tốc độ cực nhanh, năng suất suy giảm mạnh, thời gian canh tác bị rút ngắn, đất nhanh thoái hóa. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do việc canh tác ngô trên đất dốc chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo vệ đất, chống xói mòn, rửa trôi đất, gây suy thoái đất, đặc biệt là độ phì đất.

Nhằm triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các tỉnh vùng Tây Bắc hạn chế diện tích ngô ở các khu vực đồi đất dốc. Tập trung chuyển đổi và tăng vụ trên đất ruộng, nhất là đất ruộng một vụ, đẩy mạnh áp dụng giống mới, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, thực hiện cơ giới hóa khâu làm đất, tẽ hạt, sấy khô hạt ngô cung cấp cho các cơ sở chế biết thức ăn gia súc. 

Phát triển vùng sản xuất rau hàng hóa chuyên canh chất lượng cao ở Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát (Lào Cai); Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái); Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu); Mộc Châu (Sơn La)... Áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến qui trình sản xuất VietGAP, xây dựng thương hiệu cho các loại sản phẩm ở mỗi vùng. Đồng thời, đẩy mạnh việc chuyển diện tích lúa một vụ hiệu quả thấp để sản xuất các loại rau, đặc biệt là rau trái vụ để cung ứng cho thị trường các tỉnh đồng bằng nhằm phát huy lợi thế, tăng tính canh tranh và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Canh tác bền vững

Trong những năm qua, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế như Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CIRAD), Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế trong nông lâm kết hợp (ICRAF) và độc lập nghiên cứu về các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc, trong đó tập trung chính với cây ngô. 

Qua đó đã xác định được một số biện pháp kỹ thuật có khả năng hạn chế xói mòn, rửa trôi đất trong canh tác ngô, từ đó làm tăng năng suất cây trồng, bảo vệ đất, làm tăng độ phì đất, chống thoái hóa đất dốc và góp phần đảm bảo canh tác bền vững trên đất dốc. Những biện pháp này đã và đang được giới thiệu cho người sản xuất vùng cao, được các địa phương ghi nhận và khuyến cáo vào sản xuất. Điển hình như việc sử dụng kỹ thuật che phủ đất trong canh tác. 

Người dân trồng dứa tại bản Nậm Là 2, xã Mường Nhé, huyện Mường nhé, tỉnh Điện Biên

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc, che phủ đất bằng thân lá ngô trong canh tác ngô làm giảm phá vỡ kết cấu bề mặt đất do mưa, có tác dụng ngăn chặn xói mòn rất tốt và lượng đất bị mất đi, do đó xói mòn sẽ giảm nhiều khi lượng vật liệu che phủ càng tăng. Các nghiên cứu tại Mai Sơn (Sơn La), Mường Khương (Lào Cai) và Văn Chấn (Yên Bái) cho thấy việc che phủ làm cho xói mòn đất canh tác giảm từ 51,44 đến 93,77% so với phương pháp canh tác thông thường của nông dân.

Hay như kỹ thuật trồng xen các loại cây che phủ trong canh tác trên đất dốc, hiện đang là một trong những biện pháp canh tác hữu hiệu và bền vững. Theo một số chuyên gia nông nghiệp, cây trồng xen có vai trò rất quan trọng trong việc cải tạo, bảo vệ đất. Các loại cây họ đậu còn có khả năng bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho đất, giúp đất tơi xốp... Đồng thời, phương pháp trồng xen còn giúp người dân tăng thêm thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Ngoài ra, nông dân miền núi phía bắc còn sử dụng một số kỹ thuật như: Kỹ thuật tiểu bậc thang trong canh tác trên đất có độ dốc lớn; sử dụng thuốc trừ cỏ Gramoxone 20SL và làm đất tối thiểu trong canh tác cây trồng bền vững trên đất dốc...

Canh tác trên đất dốc đã trở thành hoạt động sản xuất không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp vùng cao. Nhờ những kỹ thuật, phương thức canh tác hiệu quả trên mà hiện nay hoạt động sản xuất đã hiệu quả hơn trước. Bà con nông dân khu vực miền núi đã yên tâm hơn khi đầu tư vào cây trồng, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Ông Trần Việt Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Hào Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang):

Cây mía phát huy lợi thế 


Với lợi thế trồng thích nghi được trên đồi núi dốc, cây mía đang trở thành cây trồng chính và đóng vai trò quan trọng trong chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho các hộ dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của xã. Toàn xã hiện có 1.500 hộ trồng mía với diện tích 118 ha, doanh thu mỗi năm đạt gần 7 tỷ đồng. Với khả năng chịu hạn tốt nên cây mía hiện là cây trồng chính của địa phương. Cũng nhờ cây mía mà nhiều hộ gia đình trong xã đã nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, năm 2011, toàn xã còn 20% hộ nghèo, đến nay, số hộ nghèo giảm chỉ còn dưới 4%. Hiện xã đang tập trung chỉ đạo bà con nông dân tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh đồng bộ tăng năng suất, chất lượng mía, trồng lại những diện tích mía kém hiệu quả. Năm 2017 xã Hào Phú đã trồng mới 10 ha, trồng lại hơn 20 ha... 


Ông Trần Quyết Tiến, cán bộ Trạm Khuyến nông Mù Cang Chải (Yên Bái): 

Canh tác ngô trên đất dốc cho hiệu quả cao 


Mô hình "Canh tác ngô thu đông bền vững trên đất dốc" đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) thực hiện trong 2 năm (2014 - 2015), cho thấy khắc phục được một phần tình trạng thiếu đất của người dân vùng cao, đồng thời đem lại năng suất cao, giảm chi phí đầu tư chăm sóc và tận dụng được thức ăn cho gia súc. Phương thức canh tác này áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu và tận dụng tàn dư cây trồng vụ trước xếp thành băng theo đường đồng mức, hạn chế xói mòn và tạo mùn hữu cơ cho đất, kết hợp bón phân cân đối hợp lý theo quy trình sẽ đảm bảo dưỡng chất cho cây trồng; gieo hạt theo hàng cách hàng, hố cách hố đảm bảo khoảng cách hợp lý. Việc tận dụng tàn dư cây trồng vụ hè còn giúp bà con giảm công lao động dọn đất. Thân lá cây ngô trong vụ này bà con có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông. 


Anh Đường Minh Tuân, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ): 

Đưa cây chè trồng trên đất dốc 

Phú Thọ nằm trong dải trung du miền núi phía bắc nên đa số diện tích đất sản xuất có dộ dốc lớn. Với độ dốc như vậy, việc xói mòn đất xảy ra rất mạnh, đất nhanh bị thoái hoá và thời gian canh tác, sử dụng đất bị rút ngắn. Để tận dụng đất sản xuất, người dân nơi đây vẫn canh tác trên diện tích đất có độ dốc lên tới hơn 25 độ, trong đó trồng cây chè chiếm tỷ lệ lớn. Nhờ áp dụng nhiều biện pháp khắc phục hiệu quả, cây chè đã sinh trưởng và phát triển tốt trên địa hình đất dốc và cho hiệu quả kinh tế cao. Đa số đất canh tác của bà con trong xã đều nằm trên vùng đất có độ dốc lớn. Trước khi trồng, tôi cũng đã tìm hiểu các kiến thức về trồng chè trên đất dốc để có hiệu quả cao nhất. Không chỉ gia đình tôi, đa số các hộ dân trong xã đều áp dụng phương pháp này và đã thu được những kết quả khích lệ. Biện pháp trồng xen một số cây với cây chè có tác dụng là: Tán của cây chè và cây che bóng tạo nên một thảm thực vật ngăn cản quá trình bốc hơi nước. Từ đó, giảm lượng nước bốc hơi; đồng thời, ngăn cản gió, mưa bởi đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra xói mòn, rửa trôi đất.


Thu Phương - Viết Tôn/Báo Tin Tức
Mê mẩn ngắm nhìn sắc trắng tinh khôi của hoa Trẩu núi rừng Tây Bắc
Mê mẩn ngắm nhìn sắc trắng tinh khôi của hoa Trẩu núi rừng Tây Bắc

Cứ vào độ tháng 3 đến tháng 4, cùng với hoa gạo, hoa xoan, hoa Trẩu lại bung nở vô vàn những bông trắng muốt tinh khôi làm bừng sáng cả núi rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN