Tạo chuỗi liên kết: Hướng đi cần thiết cho sản xuất rau an toàn

Thí điểm mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau màu tại xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho thấy trên diện tích 1 hécta đất trồng cây đậu bắp, cây mè… mang lại từ 25 - 38,3 triệu đồng lợi nhuận ròng.

Việc sản xuất rau an toàn theo hướng công nghệ cao đã được tỉnh An Giang chú trọng đầu tư và được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu của tỉnh. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều vướng mắc cần được giải quyết. 

Thiếu cơ chế

Theo Phó trưởng phòng Kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh An Giang) Đặng Thanh Phong, trong những năm gần đây, tỉnh có diện tích trồng rau tăng trưởng khá nhanh. Hiện toàn tỉnh có trên 60.000 ha rau các loại, chiếm 7,1% diện tích trồng rau cả nước; đã cấp chứng nhận cho 7 vùng sản xuất rau an toàn cho 4 xã của huyện Chợ Mới với diện tích 135 ha và 3 vùng sản xuất rau an toàn tại huyện An Phú, Châu Thành, thành phố Long Xuyên với tổng diện tích 832 ha.

Đặc biệt, các chủng loại rau, màu sản xuất ở An Giang khá phong phú như: hành, hẹ, dưa leo, bầu, bí, cà chua, đậu nành rau, ngô… năng suất bình quân đạt gần 24 tấn/ha với sản lượng khoảng 900.00 tấn/năm.

Mô hình trồng màu theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Chợ Mới. Ảnh: Thu Trang - TTXVN

Mặc dù chất lượng và mức độ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của rau màu trên địa bàn toàn tỉnh đã được nâng lên đáng kể, nhưng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ rau vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ, nhất là khâu tiêu thụ rau.

Ông Phong cho biết, trong chuỗi ngành hàng rau, màu của tỉnh, nông dân là người trực tiếp sản xuất và phân phối rau nhưng chỉ có một số hộ tham gia vào các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác trồng rau sạch; có tới 75% số hộ tự trồng và tự bán qua hệ thống thương lái. Đa số nông dân trồng rau màu của tỉnh vẫn còn theo phương thức canh tác truyền thống như sử dụng phân bón hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều, an toàn vệ sinh trong vùng sản xuất rau chưa được đảm bảo. Cùng với đó là tỷ lệ hao hụt trong vận chuyển, bảo quản, sơ chế còn cao, chiếm từ 15 - 20%. Thực tế này vừa làm tăng chi phí sản xuất vừa làm giảm thu nhập của các nông hộ.

Mặt khác, các hộ trồng rau đa phần thiếu vốn, kinh nghiệm quản lý nên khó nắm bắt và tuân thủ các yêu cầu sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP. Việc vận chuyển, thu mua, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ rau an toàn còn gặp nhiều khó khăn... Hơn nữa, Nhà nước còn thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc tổ chức chứng nhận VietGAP đối với rau an toàn. Hệ thống phân phối chưa có, giá cả lại thiếu hợp lý nên không khuyến khích được người sản xuất rau an toàn phát triển.

Không ít người sản xuất rau vẫn còn thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng rau, sử dụng giống không có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hoạt động quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu rau của tỉnh An Giang chưa được chú trọng nên khó cạnh tranh, tiêu thụ so với các sản phẩm rau của các địa phương khác.

Liên kết phát triển

Đến năm 2020, tỉnh An Giang phấn đấu nâng diện tích các vùng chuyên canh sản xuất rau màu lên khoảng 26.000 ha; trong đó tỉnh An Giang xác định 5 vùng chuyên canh quy mô lớn chiếm trên 90% diện tích chuyên canh rau màu của tỉnh tập trung ở các huyện Chợ Mới An Phú, Châu Phú, thị xã Tân Châu và Châu Thành.

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Son, Trung tâm Dịch vụ và chuyển giao công nghệ - Đại học Cần Thơ, quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất rau, màu an toàn theo hướng mô hình liên kết tiêu thụ và sản xuất theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi cần thiết cho tỉnh An Giang nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung. Việc liên kết này nhằm nâng cao sự cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu.

Thời gian qua, tỉnh An Giang tổ chức thí điểm mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau màu tại xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, với sản phẩm cây đậu bắp, quy mô ban đầu 16 ha. Qua hạch toán hiệu quả kinh tế trong vụ hè thu 2012, trên diện tích 1.000 m2 đất trồng cây đậu bắp, cây mè… cho lợi nhuận ròng từ 2,55 triệu đồng đến 3,83 triệu đồng. Như vậy, bình quân 1 ha đạt lợi nhuận ròng từ 25 triệu đồng đến 38,3 triệu đồng, lợi ích kinh tế gấp từ 3 đến 4 lần so với trồng lúa. Đây là những thành công bước đầu trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Theo PGS.TS Trần Thị Ba, khoa Nông nghiệp sinh học ứng dụng - Đại học Cần Thơ, để phát triển mô hình liên kết sản xuất rau màu an toàn theo hướng công nghệ cao, tỉnh An Giang cần rà soát nhu cầu sử dụng rau an toàn ở địa phương và quy hoạch vành đai thực phẩm cung cấp trong tỉnh trước, sau đó mở rộng quan hệ hợp tác sang các tỉnh, thành lân cận và hướng tới hợp đồng xuất khẩu. Tỉnh cần có cơ chế khuyến khích nông dân sản xuất và doanh nghiệp thu mua rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.

Bên cạnh đó, tỉnh An Giang cũng cần tái cơ cấu ngành hàng rau, màu của tỉnh; trọng tâm là việc mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp hoặc cơ sở tiêu thụ sản phẩm dựa trên nền tảng sản xuất an toàn.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này, tỉnh An Giang cần phải xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị minh bạch để tạo mối liên kết bền vững giữa các hộ hoặc tổ chức kinh tế sản xuất rau màu với cơ sở, doanh nghiệp chế biến tiêu thụ rau màu. Đồng thời có chính sách ưu đãi về thuế đối với các cơ sở, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết minh bạch.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm và khuyến cáo người dân nên sử dụng sản phẩm rau, màu có nguồn gốc, cần có chế tài nghiêm ngặt đối với trường hợp vi phạm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của cả người sản xuất và chế biến.

Mặt khác, Nhà nước cần có cơ chế về vốn dành cho người nông dân đầu tư sản xuất rau an toàn trong khi tỉnh cũng như người sản xuất rau, màu cần thực hiện các giải pháp về kỹ thuật; giải pháp sau thu hoạch, đóng gói, bảo quản rau theo quy trình VietGAP hay GlobalGAP.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ cho bà con nông dân, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tiêu thụ rau sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đồng thời làm cầu nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ rau an toàn đến các thị trường trong và ngoài nước, từ đó làm nên thương hiệu cho ngành hàng rau, màu được cho là giàu tiềm năng của tỉnh An Giang.
Công Mạo
Nhân rộng vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chí VietGAP
Nhân rộng vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chí VietGAP

Nhằm đảm bảo an toàn và truy xuất nguồn gốc, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, tỉnh Tiền Giang triển khai dự án "Xây dựng và nhân rộng vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chí VietGAP" tại các huyện thị trọng điểm trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN