Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp rất quan trọng của Việt Nam và đóng vai trò quan trọng đối với an ninh trong khu vực.

Ngày 28/11, tại thành phố Cần Thơ, ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã làm việc với ngài Crag Chittick - Đại sứ Australia tại Việt Nam và ngài Christian Berger - Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam về các vấn đề hợp tác giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với Chính phủ hai nước Australia và CHLB Đức.

Theo ông Sơn Minh Thắng, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp rất quan trọng của Việt Nam và đóng vai trò quan trọng đối với an ninh trong khu vực. Hàng năm, Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất trên 50% sản lượng lương thực, 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và đóng góp hơn 20% GDP của cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khu vực có cao trình thấp, có ba mặt giáp biển lại nằm ở hạ lưu của sông Mekong nên khu vực này đã và đang chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tham quan vườn và thưởng thức trái cây theo mùa là hoạt động được du khách yêu thích khi đến Cồn Sơn (Cần Thơ). Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN

Hiện nay, khó khăn trong liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long là ở cơ chế, chính sách, cơ sở dữ liệu cung cấp cho vùng và nguồn lực để thực hiện. Do Đồng bằng sông Cửu Long không có đơn vị hành chính cấp vùng nên khi thực hiện vấn đề liên kết cần có một cơ chế đặc biệt. Theo Chương trình hành động vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng liên kết xây dựng một trung tâm thông tin cho vùng, xây dựng quy chế sử dụng, chia sẻ các dữ liệu thông tin liên quan đến vùng, thời gian triển khai thực hiện trong hai năm 2017 và 2018.

Vấn đề thông tin, dữ liệu là cơ sở quan trọng để thực hiện liên kết vùng, để đánh giá cũng như xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới nên để hoàn thiện cơ sở dữ liệu này cần có thời gian điều tra, đánh giá và thống nhất giữa các ngành, các cấp; rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhiều phía, cả trong nước và các tổ chức quốc tế, các quốc gia có kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh khó khăn về nguồn lực, tài chính để xây dựng cơ sở dữ liệu cho vùng thì Đồng bằng sông Cửu Long còn gặp khó khăn về kỹ thuật trong việc lập quy hoạch xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, kiểm soát mặn, quản lý rừng, bảo vệ các vùng ven biển, khai thác nước ngầm…

Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Sơn Minh Thắng, các chủ trương, cơ chế chính sách của Việt Nam đã cơ bản tạo ra môi trường thuận lợi cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư của quốc gia còn hạn hẹp nên đây là một lĩnh vực tiềm năng cần sự hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ Australia và Chính phủ Đức.

Thời gian qua, Chương trình quản lý vùng biển thông qua hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã hỗ trợ một số địa phương ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long chống chịu với biến đổi khí hậu bằng nhiều mô hình nông nghiệp, bảo vệ vùng ven biển, quản lý nước, quản lý ngân sách… đang phát huy rất hiệu quả. Trong nhiều năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã được hưởng lợi từ các chương trình, dự án hợp tác rất thiết thực của Chính phủ Australia trong các lĩnh vực giáo dục, giảm nghèo, y tế, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân, thúc đẩy bình đẳng giới…

Ông Sơn Minh Thắng đánh giá cao sự hợp tác giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với Chính phủ Australia và Chính phủ Đức thời gian qua và mong muốn các bên tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình phối hợp trong thời gian tới; đồng thời xem xét hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính để giúp Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sớm xây dựng trung tâm thông tin của Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại sứ Australia Crag Chittick cho biết, Chính phủ Australia rất quan tâm đến sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam, trong đó có sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long. Ba lĩnh vực chủ yếu mà Australia quan tâm trong hợp tác với Việt Nam là an ninh, kinh tế và sáng tạo. Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ Australia quan tâm đến vấn đề quản lý nguồn nước do đó đã tài trợ thông qua Ủy hội sông Mê Kông để đảm bảo nguồn nước từ thượng nguồn cho đến Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên lĩnh vực kinh tế, việc hợp tác giữa Australia và Việt Nam thông qua các chương trình tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giúp cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mà công trình tiêu biểu cho sự hợp tác này là cầu Mỹ Thuận và sắp tới là cầu Cao Lãnh. Ở lĩnh vực hợp tác về sáng tạo tuy còn khá mới mẻ nhưng cũng đã có sự hợp tác giữa Trường Đại học Cần Thơ với các Viện nghiên cứu của Australia, giữa các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp Australia, đặc biệt là Công ty Việt – Úc đã ứng dụng những công nghệ hàng đầu của Australia vào nuôi tôm thương phẩm để nâng sản lượng lên gấp từ 20 – 40 lần. Từ những kết quả trên, Đại sứ Crag Chittick hy vọng giữa khu vực Tây Nam bộ và Australia sẽ sớm hình thành quan hệ đối tác.

Đại sứ Cộng hòa liên bang Đức Christian Berger cho biết rất ấn tượng với kế hoạch phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Khi đến Đồng bằng sông Cửu Long, ông thấy sự phối hợp của các tổ chức hỗ trợ phát triển khu vực, các tổ chức của GIZ, các ngân hàng làm việc với nhau đã tạo thành một mạng lưới rất mạnh. Đại sứ hy vọng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tiếp tục làm việc với các nhà tài trợ để có thể đưa ra những dự án hợp tác tương tự như đã hợp tác với Australia và Đức, đồng thời cho biết đây là dịp để ông tìm hiểu thêm về các chiến lược, kỹ thuật phát triển kinh tế của khu vực Tây Nam bộ trong bối cảnh biến đổi khí hậu; những thách thức, khả năng chống chịu của vùng với biến đổi khí hậu cũng như những giải pháp cho các thách thức này.

Thanh Liêm (TTXVN)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN