Phát triển điện năng lượng mặt trời tại Đắk Lắk

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước được tỉnh Đắk Lắk trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương, chấp thuận đầu tư nhiều dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió, với tổng nguồn vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo quy hoạch điện gió và điện năng lượng mặt trời, mục tiêu từ nay đến năm 2020 và xét đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đạt công suất lắp đặt gần 5.250 MW. Trong đó, tiềm năng điện gió tập trung ở 7 khu vực thuộc các huyện Krông Búk, Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ với tổng công suất dự kiến là 1.382,90 MW, sản lượng điện năng còn lại được sản xuất từ các nhà máy điện năng lượng mặt trời.

Hệ thống pin năng lượng mặt trời.

Đặc biệt, hiện tại địa bàn xã vùng sâu Đliê Yang (huyện Ea H’leo), Công ty Giải pháp Năng lượng gió HBRE (TP Hồ Chí Minh) đang triển khai dự án điện gió có tổng công suất thiết kế 120 MW, với tổng vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch đến năm 2020, dự án hoàn thành cung cấp sản lượng điện thương phẩm từ 450 triệu kWh/năm trở lên. Đây cũng là dự án điện gió được khởi công xây dựng đầu tiên ở Tây Nguyên.

Đối với điện năng lượng mặt trời, tỉnh Đắk Lắk đã lập danh mục 12 dự án để đề xuất Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2025. Theo đó, các dự án này có nhu cầu sử dụng khoảng 8.500 ha đất và 565 ha đất có mặt nước tại các huyện Ea Súp và Buôn Đôn.


Trước mắt, tỉnh Đắk Lắk chấp thuận trao giấy chứng nhận, quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn. Công ty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình) có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời có công suất thiết kế 2.000 MW tại huyện Ea Súp, với tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD. Tập đoàn TH True Milk ngoài việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả hiện đại trên địa bàn tỉnh còn có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời với công suất 1.117 MW trên diện tích đất 1.117 ha cũng tại huyện Ea Súp.

Theo các chuyên gia về điện gió, điện năng lượng mặt trời, Đắk Lắk là địa phương có lượng nắng quanh năm rất lớn.

Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) cũng có kế hoạch đầu tư 16.875 tỷ đồng (750 triệu USD) để xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời tại huyện Ea Súp và Buôn Đôn, với công suất 300 đến 500 MW, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Thành cũng đầu tư 7.025 tỷ đồng (310 triệu USD) để xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời, có công suất 250 MW tại địa bàn huyện Ea Súp...

Theo các chuyên gia về điện gió, điện năng lượng mặt trời, Đắk Lắk là địa phương có lượng nắng quanh năm rất lớn, nhất các địa phương phía Tây và Tây Bắc của tỉnh Đắk Lắk như Ea Súp, Ea H’leo, Buôn Đôn, Krông Năng, Krông Búk... nên có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng sạch này.


Theo số liệu của Trung tâm Khí tượng thủy văn, hướng gió thịnh hành ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng là gió Đông, Đông Bắc vào mùa khô, gió Tây, Tây Nam vào mùa mưa, gió Đông Bắc thường thổi cấp 3, cấp 4, mạnh nhất lên đến cấp 6, cấp 7 và gió Tây, Tây Nam thường thổi cấp 2, cấp 3.


Kết quả nghiên cứu tại các cột đo cho thấy vận tốc gió tại các khu vực đã được quy hoạch về điện gió này rất tốt, đáp ứng tốt cho yêu cầu điện gió (đạt từ 6 mét/giây đến 9,5 mét/giây). Đặc biệt, điện gió, điện năng lượng mặt trời ít chiếm dụng đất, nhất là điện gió không ảnh hưởng đến diện tích rừng, thân thiện với môi trường...

Phòng điều hành hệ thống pin năng lượng mặt trời.

Tại buổi tiếp mới đây với các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện năng mặt trời, điện gió, ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách ưu đãi, tỉnh Đắk Lắk đặc biệt quan tâm giải quyết nhanh quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư, kêu gọi sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương liên quan đầu tư hạ tầng đồng bộ để các dự án nhanh chóng triển khai.

Ông Nguyễn Hải Ninh cũng cho biết, về cơ chế riêng cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Quyết định quy định cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời tại Việt Nam để trình Quốc hội xem xét, thông qua.


Theo đó, thủ tục đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam sẽ được minh bạch, nhà đầu tư được ưu đãi về thuế, đầu tư, đất đai, đồng thời, các đơn vị chức năng (Tập đoàn Điện lực Việt Nam...) có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng từ các dự án điện mặt trời trong thời gian 20 năm trở lên...


Quang Huy
Nhiều dự án liên kết trồng rừng, trồng cao su tại Đắk Lắk thực hiện không hiệu quả
Nhiều dự án liên kết trồng rừng, trồng cao su tại Đắk Lắk thực hiện không hiệu quả

Chiều 26/4, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên do ông Y Thông, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên làm Trưởng đoàn, đã làm việc với huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN