Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Nguyên

Phát huy vai trò của già làng, người uy tín

Những năm qua, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã có nhiều cách làm hay trong việc phát huy vai trò của già làng, người có uy tín nhằm xây dựng tốt hệ thống chính trị cơ sở.

Hơn 30 năm đổi mới, vai trò của già làng, người có uy tín vùng Tây Nguyên được công nhận và chú ý; mỗi buôn, làng đều được hướng dẫn cử ra một hoặc vài già làng phối hợp cùng chính quyền để vận động nhân dân. Nếu như trước đây, già làng chỉ có chức năng tín ngưỡng và duy trì phong tục tập quán, thì nay những già làng Tây Nguyên đã phối hợp tốt với hệ thống chính trị cơ sở động viên dân làng chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Già làng, người có uy tín tích cực hỗ trợ Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể vận động dân làng thực hiện đoàn kết dân tộc, chống lại những luận điệu phản động, góp phần củng cố an ninh chính trị.

Già làng Y Pan dân tộc Bờ Râu (thứ 2 bên trái) xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) họp bàn với người dân về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã Bờ Y. Ảnh: Viết Tôn

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Bí thư huyện ủy Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, già làng, người có uy tín có vai trò to lớn trong việc duy trì phong tục tập quán và văn hóa dân tộc, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, là cầu nối giữa luật tục với pháp luật, giữa truyền thống với hiện tại, thực sự là nhân tố tích cực góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Ví như trong đợt bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua, già làng, trưởng bản, người có uy tín là nhân tố tích cực tuyên truyền cho cuộc bầu cử. Hàng ngày, già làng, người có uy tín đến các gia đình, thôn, buôn để vận động bà con đồng bào dân tộc, con em hăng hái đi bầu cử. Nhiều già làng, người có uy tín còn đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, xây dựng buôn, làng văn hóa, có nhiều sáng kiến hay như xây dựng mô hình “Tổ tư vấn xây dựng lực lượng nòng cốt” ở huyện miền núi Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Tổ tư vấn xây dựng lực lượng nòng cốt (tổ tư vấn) được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Phước Sơn thành lập năm 2006; gồm 14 thành viên, được bầu ra từ 59 già làng và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thị trấn của huyện Phước Sơn. Tổ tư vấn có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng lực lượng nòng cốt là những già làng gương mẫu, người có uy tín ở từng thôn bản, đảm bảo ngày càng có nhiều người uy tín, gương mẫu trong cộng đồng dân cư.

Tổ tư vấn cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam ở địa phương giám sát mọi hoạt động của đại biểu dân cử, cán bộ công chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước; phối hợp với MTTQ cơ sở thường xuyên đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động thi đua yêu nước; nắm bắt tình hình tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân. Qua hơn 10 năm hoạt động, Tổ tư vấn đã tập hợp và phát huy được vai trò của các già làng, người có uy tín, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Các thành viên trong tổ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đồng bào không đi theo những người truyền đạo trái pháp luật; đóng góp tích cực vào việc hòa giải nội bộ trong nhân dân và chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng của bà con để kịp thời phản ánh, tham mưu với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện.

Già làng Hồ Văn Nhun, Tổ trưởng Tổ tư vấn thị trấn Phước Sơn (huyện Phước Sơn) cho biết: Các thành viên của tổ tư vấn là những già làng, người uy tín của các dân tộc khác nhau trong huyện nên khi có chủ trương, chính sách mới, thông qua những thành viên này bà con dễ dàng tiếp thu hơn. Từ khi có tổ tư vấn, việc phát huy vai trò của những người uy tín tại cộng đồng được thực hiện một cách bài bản, với những nội dung hoạt động thiết thực. Hoạt động tích cực, có hiệu quả của tổ tư vấn đã góp phần quan trọng vào những kết quả chung trong hoạt động của MTTQ Việt Nam huyện Phước Sơn.

Huyện Phước Sơn hiện đã xóa xong nhà dột nát, tranh tre vách nứa. Nhiều xã với sự vận động của các già làng và người uy tín, đã huy động nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng vạn ngày công để xây dựng các công trình dân sinh như đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nhà tình nghĩa, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở nhiều bản làng. Những thành viên của tổ tư vấn còn là những hạt nhân tích cực giúp các khu dân cư xây dựng các quy ước, hương ước văn hóa.

Huyện Phước Sơn hiện có 33 khu dân cư văn hóa, 79 tổ đoàn kết xuất sắc, hơn 4.700 hộ đạt gia đình văn hóa, trong đó phần lớn là hộ gia đình người dân tộc thiểu số. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phước Sơn, hoạt động của tổ tư vấn xây dựng lực lượng nòng cốt đang góp phần tạo ra không khí dân chủ rộng rãi tại cơ sở; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, tính cộng đồng được đề cao, nhân dân ngày càng tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Viết Tôn - Đỗ Trưởng
Chính sách đặc thù nhằm ổn định an ninh chính trị
Chính sách đặc thù nhằm ổn định an ninh chính trị

Tây Nguyên có nhiều yếu tố đặc thù, cả trên phương diện kinh tế - dân cư, địa chính trị, địa - xã hội và văn hóa chính trị - pháp lý. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đặc thù nhằm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN