ĐBSCL hướng tới nền nông nghiệp xanh

Phát huy thế mạnh vùng lương thực quốc gia

“Sản xuất xanh” là một xu thế tất yếu nhưng để có thể thúc đẩy được nền nông nghiệp theo hướng sạch và xanh thì không chỉ cần các giải pháp “cứng” về các phương thức sản xuất hiện đại, phù hợp, hệ thống thủy lợi mà còn cần sự nỗ lực chung tay của toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh: Tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi

Trong giai đoạn trung hạn từ nay đến năm 2020, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA phục vụ cho phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời, hoàn thành dự án WB6 (Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn ĐBSCL) đúng kế hoạch; chuẩn bị đàm phán và triển khai thực hiện dự án WB9 (Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển sinh kế bền vững ĐBSCL).

Lai tạo giống lúa chịu hạn, mặn chất lượng cao trong phòng thí nghiệm ở Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long.

Về lâu dài đối với vùng giữa sông Tiền - sông Hậu, bán đảo Cà Mau sẽ ưu tiên cho các công trình thủy lợi như: xây dựng hệ thống cống khu vực An Minh - An Biên; hệ thống cống dự án Bắc Bến Tre, Nam Măng Thít; khẩn trương chuẩn bị kỹ thuật các dự án tạo nguồn nước cống Cái Lớn, Cái Bé. Nghiên cứu giải pháp chuyển nước ngọt cho một số vùng ven biển có tiềm năng lớn như: Nam QL1A tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau… nhằm hạn chế hút nước ngầm gây sụt lún. Đầu tư xây dựng công trình phân ranh mặn ngọt chắc chắn cho các vùng Bạc Liêu - Sóc Trăng.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL: Áp dụng việc tưới tiết kiệm

Việc tưới nước phải bảo đảm nước phân phối tương đối đồng đều đến từng cây trồng; thời điểm tưới phải theo đúng thời điểm cần nước của cây trồng; liều lượng tưới hợp lý, thỏa nhu cầu nước của cây trồng; giảm được tổn thất nước, tổn thất năng lượng và có thể kết hợp mục tiêu tưới với các mục tiêu khác như cấp nước sinh hoạt, nuôi cá, giao thông thủy, cải tạo đất.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL: Cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng

Việc ngăn đập, kiểm soát lũ chặt chẽ đã làm mất đi bồi đắp phù sa tự nhiên ở ĐBSCL. Diện tích vùng ngập lũ bị thu hẹp, cùng đó là sạt lở bờ sông ngày một tăng. Đặc biệt, phát triển sản xuất và thâm canh nông nghiệp trong mùa khô đã gây ra bất cập quản lý nước ngọt và nước mặn. Cùng đó, việc sử dụng quá mức nước ngầm cũng làm trầm trọng hơn về xâm nhập mặn, sinh kế người dân sống ven biển ngày càng bị tổn thương.

Xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt, mất đất nông nghiệp, giảm khả năng sản xuất nông nghiệp và thủy sản, ảnh hưởng sinh kế người dân nông thôn diễn ra ngày càng khốc liệt.

Do đó, các cấp cần có sự quan tâm hơn trong đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và sản phẩm nông nghiệp nói riêng trên ba cấp độ, nhằm góp phần tăng cơ hội sinh kế cho người dân, giúp sử dụng tài nguyên hợp lý trước tác động biến đổi khí hậu cũng như thời tiết cực đoan và tái cơ cấu nông nghiệp vùng trong giai đoạn ngắn hoặc trung hạn. Ở cấp độ 1, đầu tư về giải pháp sinh học là tạo giống cây con thích ứng thời tiết cực đoan, có thị trường tiêu thụ. Ở cấp độ 2, cần thực hiện sâu rộng hệ thống canh tác theo vùng sinh thái gắn chuỗi giá trị ngành hàng. Cấp độ 3 chính là đẩy nhanh đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra trên địa bàn.

TS Mai Văn Trịnh, Viện Môi trường Nông nghiệp: Áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác

Ứng dụng các biện pháp “3 giảm 3 tăng” (giảm lượng giống, thuốc trừ sâu, phân đạm; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế) hay “1 phải 5 giảm” (phải dùng giống xác nhận; giảm nước, giảm thất thoát sau thu hoạch và cộng với 3 giảm của “3 giảm, 3 tăng”) góp phần giảm phát thải N2O. Đặc biệt là biện pháp giảm phân đạm vô cơ và tưới tiêu nước hợp lý. Giảm lượng nước tưới ở giai đoạn không cần thiết không chỉ giảm được khí mêtan mà còn tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất cho người nông dân.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, phương pháp canh tác ngập khô xen kẽ có thể mang lại hiệu quả cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính từ 20 - 30% so với tưới ngập liên tục trong suốt vụ. Giống lúa ngắn ngày bao nhiêu thì giảm bấy nhiêu ngày phát thải khí, do đó các nhà khoa học khuyến khích sử dụng giống ngắn ngày. Ngoài ra, nông dân lưu ý thu gom tái sử dụng và xử lý triệt để rơm rạ, sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp, ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI)… Việc chuyển đổi sản xuất lúa ở các vùng năng suất thấp sang trồng màu cũng giúp giảm phát thải khí nhà kính vào môi trường. Qua đó, đảm bảo năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp trong tương lai.

Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và môi trường, Bộ KH&ĐT: Thách thức với chiến lược tăng trưởng xanh

Thách thức đầu tiên là về vốn, để thực hiện chiến lược này cần khoảng 30 tỷ USD đến năm 2020. Bên cạnh đó, về năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế về cách thức đánh giá những lĩnh vực ưu tiên và tiềm năng tăng trưởng xanh cho các ngành, tiểu ngành, các tỉnh, thành phố; thiếu các chính sách huy động các nguồn lực về tài chính, cụ thể như các quỹ khí hậu quốc tế và cuối cùng là khó khăn trong việc huy động các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Như vậy để giải quyết những thách thức nói trên, về khung pháp lý sẽ hình thành các kế hoạch hành động, các dự án ưu tiên cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó về vấn đề tài chính, sẽ xây dựng cơ chế thị trường để hình thành nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh và đề nghị ngân hàng Thế giới làm đầu mối đánh giá các khoản viện trợ đã dành cho các bộ, địa phương liên quan đến tăng trưởng xanh. Ngoài ra, còn sẽ thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân bằng nguồn đầu tư nhà nước và ODA sẽ là chất xúc tác để thu hút, hình thành môi trường thuận lợi cho khu vực này tham gia đầu tư vào lĩnh vực biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.

TS.Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương: Ý thức tiêu dùng gây áp lực lên sản xuất

Cần thay đổi hành vi của mọi người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Nhà nước phải là người gương mẫu vì là nhà tiêu dùng lớn nhất và đồng thời cần thay đổi công nghệ, áp dụng thuế, phí đối với tư nhân và hàng hóa sản xuất xanh được hưởng thuế suất thấp nhất.

Dệt may và nông nghiệp là những ngành sản xuất ở Việt Nam gây ô nhiễm nhất, trong đó nông nghiệp sử dụng nhiều lao động và chiếm 50% khí thải cácbon thải ra. Chính vì vậy, hãy thay đổi những điều nhỏ nhất từ người tiêu dùng trước khi cần đến những chính sách của nhà nước.

Ông Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright: Vốn xã hội là yếu tố quan trọng

Trong ba trụ cột của xã hội gồm: kinh tế thị trường, nhà nước và xã hội dân sự thì nhà nước và xã hội dân sự phải đi tiên phong trong vấn đề sản xuất xanh và bảo vệ môi trường. Chỉ có các chính sách của nhà nước và áp lực từ công chúng hay từ khu vực dân sự mới có thể giảm những hành vi gây tổn hại đến cái chung hay cộng đồng nêu trên. Tuy nhiên, khu vực nhà nước cũng có những trục trặc của nó vì nhà nước thực chất là được hành động thông qua các quyết định tập thể. Do vậy, đối với phát triển bền vững, đối với vấn đề môi trường ngoài các thiết chế chung, vai trò của xã hội dân sự mà hiểu đơn giản là của tất cả các công dân thông qua sự cố kết cộng đồng tạo ta vốn xã hội là vô cùng quan trọng.

Vai trò của xã hội dân sự của việc tạo ra các vốn xã hội, các quy tắc ứng xử không thành văn nhưng được cộng đồng thừa nhận là hết sức quan trọng.
Cần phải thừa nhận cũng như tạo ra các thiết chế để cho xã hội dân sự phát triển một cách lành mạnh để tạo ra các cơ chế ràng buộc và chế tài các hành xử của các cá nhân trong xã hội đồng thời tạo ra vốn xã hội mà chúng rất có lợi nếu không nói là một nền tảng cơ bản của phát triển bền vững nhìn từ các cộng đồng nhỏ đến phạm vi toàn cầu.
N.Đ
Nông dân Bến Tre làm “lúa sạch”
Nông dân Bến Tre làm “lúa sạch”

Ba năm nay, ở Bến Tre xuất hiện cụm từ “Lúa sạch Thạnh Phú” khiến nhiều người quan tâm. “Lúa sạch Thạnh Phú” xuất phát từ chính những người nông dân làm lúa ở ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN