Niềm tin mới để người dân vùng đất khát Krông Pa thoát nghèo

Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đến với vùng đất khát Krông Pa, tỉnh Gia Lai như chiếc phao cứu sinh giúp người dân nơi đây có cơ hội thoát nghèo.

Ngày tết, tại 5 xã thuộc vùng Dự án giảm nghèo, đâu đâu cũng rôm rả tiếng nói cười. Mọi người tất bật trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón giao thừa, thời khắc bước sang năm mới với niềm tin về một cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Gia đình ông Ro Djung ở Buôn Sai, xã Chư Ngọc, là một trong những hộ thuộc nhóm đồng sở thích nuôi bò sinh sản. Ông Djung vui mừng chia sẻ, được dự án hỗ trợ một con bò sinh sản, gia đình ông tập trung chăm sóc và nay bò mẹ đã sinh được một con bê. Cứ như vậy, trong vài năm tới gia đình sẽ có một đàn bò và đây sẽ là nguồn thu nhập quan trọng để ổn định cuộc sống. 

Nhiều hộ dân ở Krông Pa đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc nuôi bò sinh sản do Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ. Ảnh: Trần Việt/TTXVN


Gia đình anh Nguyễn Văn Hoài ở thôn Đông Phú với mô hình nuôi dê sinh sản cũng có tin vui khi 2 dê mẹ đã hạ sinh được 2 dê con. Anh Hoài cho biết, nguồn thu chính của gia đình dựa vào ruộng sắn hơn 1 ha nhưng năm nay giá sắn quá thấp, thu không đủ bù chi nên khó khăn nhiều. Niềm hy vọng của gia đình hiện giờ chính là đàn dê đang thời kỳ sinh trưởng, phát triển tốt. Hy vọng sang năm mới, đàn dê sẽ mang lại nguồn thu giúp gia đình anh Hoài vượt qua khó khăn. 

Chư Ngọc là một xã nghèo của huyện Krông Pa với gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, chiếm gần 40%. Do đó, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên chính là cơ hội lớn để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo.

Ông Hà Văn Vinh, Phó chủ tịch xã Chư Ngọc cho biết, năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 43%. Sau 2 năm thực hiện Dự án giảm nghèo, xã đã triển khai được 10 nhóm đồng sở thích, gồm 2 nhóm nuôi bò sinh sản và 8 nhóm nuôi dê sinh sản. Đến thời điểm này, đàn bò đã có thêm 12 bò con và đàn dê thêm được 50 con, đàn bò và dê sinh trưởng, phát triển tốt. Từ hiệu quả của Dự án, năm 2017 xã mạnh dạn đăng ký giảm 7% hộ nghèo. 

Qua 2 năm triển khai Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, trên địa bàn huyện Krông Pa, chỉ tính riêng 5 nhóm đồng sở thích nuôi bò sinh sản tại 3 xã Ia Rmok, Chư Ngọc và Đất Bằng đã có thêm 25 con bê được sinh thêm. Hiện tại, 24/50 bò mẹ đang mang thai và dự kiến sẽ sinh trong năm 2017. Còn lại các mô hình khác như nuôi dê, nuôi heo cũng rất hiệu quả và không ngừng tăng đàn với 122 dê con và 25 heo con. 

Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên về với vùng đất khát Krông Pa đã và đang mang lại những lợi ích hết sức thiết thực cho bà con nơi đây. Đặc biệt cách làm và cách tổ chức thực hiện các mô hình cây trồng, vật nuôi sát với nhu cầu thực tế của người dân và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, góp phần mang lại hiệu quả sản xuất đáng khích lệ.
Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)
Gia Lai quy hoạch 350 ha trồng rau an toàn
Gia Lai quy hoạch 350 ha trồng rau an toàn

Tỉnh Gia Lai đã quy hoạch diện tích trồng rau an toàn (RAT) và phấn đấu đến năm 2020 thực hiện 350 ha tại thành phố Pleiku và các huyện, thị xã An Khê, Đăk Pơ, Phú Thiện, Ayunpa, K'Bang... với sản lượng đạt 1.800 tấn rau các loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN