Nhiều phụ nữ Khmer thoát nghèo, làm giàu

Không chỉ làm tốt thiên chức của người vợ người mẹ, nhiều phụ nữ người dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng còn cùng nhau vượt qua khó khăn, phấn đấu đưa bản thân, gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần vào sự phát triển kinh tế của quê hương.

Những tấm gương tiêu biểu

Gia đình chị Sơn Thị Thương hiện sống trong ngôi nhà khang trang nhưng ít ai biết rằng gần 10 năm trước, gia đình chị là một trong những hộ nghèo nhất của ấp Phnô Cam Bốth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên. Vì không đất sản xuất nên cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau, cái nghèo cứ bám riết. Đến năm 2010, gia đình chị được Hội Phụ nữ xét cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 3 triệu đồng, chị Thương cùng gia đình quyết định thuê đất sản xuất, thực hiện tiết kiệm, lấy công làm lời để vươn lên.

Cơ sở sản xuất giỏ ni lông của gia đình chị Ngọc Mai thu hút 380 lao động, đa số là phụ nữ địa phương nhận hàng về gia công tại nhà, thu nhập ổn định khoảng 2,5 triệu đồng người/tháng.


Chị Thương cho biết: “Được vay 3 triệu đồng, gia đình mướn 2 công đất, mỗi công 1.300 m2 để làm ruộng. Lợi nhuận từ vụ thu hoạch đầu tiên, hai vợ chồng tiếp tục mướn đất sản xuất, cứ thế lấy công làm lời, hai vợ chồng càng có vốn để phát triển sản xuất và mua được ruộng để ổn định sản xuất”. Giờ đây, gia đình chị Sơn Thị Thương không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên là một trong những hộ khá giả nhất trong phum sóc với hơn 11 ha đất ruộng và 1 ha đất rẫy.
Bên cạnh đó, còn có những tấm gương người phụ nữ Khmer đã không chỉ nỗ lực vượt qua nghèo khó mà còn góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương. Như trường hợp chị Kim Thị Ngọc Mai, ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú, huyện Long Phú với gia cảnh nghèo khó, gần 10 năm trước chị phải bôn ba, làm đủ nghề để mưu sinh. Một lần tình cờ chị biết đến nghề đan giỏ ni lông, thấy công việc này phù hợp với phụ nữ, chi phí đầu tư thấp và cùng với quyết tâm thoát cái nghèo đeo bám nên chị đã xin học nghề.

Trải qua bao nỗ lực của bản thân, năm 2009 chị đã mở cơ sở sản xuất chuyên đan giỏ nhựa thủ công. Đến nay, cơ sở sản xuất của chị có 380 lao động, đa số là phụ nữ địa phương nhận hàng về gia công tại nhà, thu nhập ổn định khoảng 2,5 triệu đồng người/tháng. Mỗi tháng cơ sở đưa ra thị trường khoảng 4.000 chiếc giỏ. Ngoài tạo việc làm cho phụ nữ trong xã, chị còn mở lớp dạy nghề cho lao động nữ trên địa bàn các huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, TP Sóc Trăng... Nhiều năm liên tục, chị được nhận bằng khen của UBND tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Sóc Trăng về “Gương phụ nữ làm kinh tế giỏi’’.

Làm tốt chính sách

Có thể nói, thành công của những người phụ nữ Khmer nói trên đã khẳng định cho sự đoàn kết, tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo, góp phần vào sự phát triển kinh tế ở địa phương của người phụ nữ Khmer vùng sâu, vùng xa. Đồng thời cũng cho thấy việc triển khai các chính sách cho đồng bào dân tộc của tỉnh Sóc Trăng đã phát huy những hiệu quả tích cực.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương vận dụng vào thực tế của địa phương trên tinh thần bình chọn công khai, minh bạch, dân chủ và có sự tham gia của người dân vùng dự án. Đồng thời phân loại theo thứ tự ưu tiên nhằm hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Đáng ghi nhận là thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 về tín dụng đối với hộ cận nghèo, Quyết định số 32, 126 và Quyết định 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn…, đến nay, ngày càng nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có nhà ở, đất sản xuất, được vay tín dụng ưu đãi của ngân hàng và được trợ giúp pháp lý.

Từ việc vận dụng các chính sách phù hợp nói trên, kết hợp triển khai nhiều mô hình giảm nghèo đã phát triển và nhân rộng trên địa bàn, và nhờ chính sách đầu tư phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương và tập quán sinh sống, tâm lý, tay nghề, ngành nghề, hoàn cảnh hộ gia đình... nên ngày càng xuất hiện nhiều mô hình vượt khó, thoát nghèo và đang được nhân rộng như mô hình: làng nghề, ngành nghề truyền thống đan lát, dệt chiếu, trồng hành tím,... Tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện nhiều tấm gương đồng bào dân tộc Khmer vượt khó, thoát nghèo ở tại nhiều địa phương.

Thời gian tới, để phát huy hiệu quả hơn nữa, Ban Dân tộc tỉnh sẽ nâng cao chất lượng đào tạo nghề, khuyến khích và tạo cơ hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo học các ngành nghề phù hợp. Đồng thời tiếp tục tăng cường vận động, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số về ý thức tự vươn lên, tích cực, chủ động vượt khó, xây dựng kế hoạch sản xuất, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Đức - Chanh Đa
Đưa vốn chính sách đến với người nghèo
Đưa vốn chính sách đến với người nghèo

Trong năm 2015, nhiều chính sách quan trọng, trong đó chính sách về vay vốn với mục tiêu phát huy hiệu quả hơn nữa công tác xóa nghèo, phát triển kinh tế bền vững được Chính phủ triển khai đã cho thấy những bước đi đúng hướng nhằm góp phần tiếp tục thực hiện thành công chính sách dân tộc nói chung và chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tiếp theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN