Nâng tầm dịch vụ logistics

Những năm qua, mặc dù Bộ GTVT, ngành chức năng địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ sức để đưa hoạt động logistics xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của vùng mang lại.

Còn nhiều hạn chế

Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 169/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương nhằm thúc đẩy hệ thống hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng như Quyết định số 11/2012/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Ghe thuyền chở hàng hóa trao đổi, mua bán nhộn nhịp tại chợ nổi Ngã Năm, Sóc Trăng. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Dù đã có những chuyển biến vượt bậc về hạ tầng giao thông, nhưng theo đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, đến nay hoạt động này vẫn còn nhỏ, lẻ chưa có các ICD (cảng cạn) hay hệ thống kho gom hàng tiêu chuẩn để phục vụ cho hoạt động kinh tế vùng. Việc vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ của vùng còn gặp khó. Theo đó, phần lớn xuất khẩu nông sản phải trung chuyển qua các cảng ở TP Hồ Chí Minh (Cát Lái) và Bà Rịa - Vũng Tàu (Cái Mép - Thị Vải) khiến tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh hàng hóa của vùng.

Đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, dẫn chứng: Với bờ biển dài hơn 700 km, hệ thống sông, kênh dài 28.000 km, ĐBSCL có tiềm năng về vận tải thủy. Theo đó, tổng nhu cầu hàng hóa vận chuyển trong khu vực ước khoảng 17 - 18 triệu tấn gạo, thủy sản, trái cây, hàng hóa xuất khẩu mỗi năm của khu vực nhưng có đến 70% lượng hàng hóa trên vẫn phải chuyển tải về các cảng TP Hồ Chí Minh và Cái Mép bằng đường bộ, khiến cho doanh nghiệp phải gánh chịu chi phí vận tải cao hơn từ 10 - 60% tùy theo từng tuyến đường, đồng thời gây áp lực rất lớn đến hệ thống giao thông đường bộ.

Về nguyên nhân, theo Vụ Vận tải, Bộ GTVT, hiện mối liên kết vận tải bằng đường bộ nội vùng và khu vực tại ĐBSCL còn rất hạn chế do mạng lưới đường bộ trong vùng chưa phát triển đồng bộ cả về số lượng và chất lượng do bị sông, kênh rạch chia cắt nhiều, nguy cơ ngập lụt thường xuyên. Sự phối hợp giữa hai phương thức giao thông thủy và bộ trong vùng cũng chưa tốt do kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và hoạt động trung chuyển giữa các loại hình vận tải chưa thuận lợi. Các tuyến đường thủy nội địa hạn chế khả năng khai thác phương tiện lớn, tốc độ cao, đồng thời hệ thống bến bãi và các dịch vụ đầu cuối cũng chưa phát triển làm cho vận tải thủy nội địa chưa phát huy lợi thế. Được biết, toàn vùng hiện có 2.167 cảng sông và bến xếp dỡ nhưng trong đó chủ yếu là cảng sông nhỏ và không có cảng container chuyên dùng và chỉ có vài cảng có khả năng tiếp nhận hàng container hạn chế với quy mô nhỏ, trang thiết bị thô sơ và năng suất thấp.

Cần hơn 85.000 tỷ đồng

Để tháo gỡ những “nút thắt” nói trên, bộ và ngành GTVT của vùng ĐBSCL sẽ tập trung đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng với mục tiêu tạo ra mối kết nối liên hoàn đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy hình thành trung tâm logistics theo Quyết định số 1012/QĐ-Ttg ngày 3/7/2015 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Có thể dẫn chứng, tháng 12/2015 vừa qua, tại đường Nam Sông Hậu, thuộc ấp Thạnh Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) đã tổ chức lễ khởi động dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 nối hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Đây là một trong những dự án lớn nhất tại khu vực ĐBSCL, đồng thời là dự án trọng điểm quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL nói chung và hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh nói riêng. 

Bởi sau khi cầu Đại Ngãi hoàn thành, tuyến quốc lộ 60 được nối thông hoàn toàn và tạo thành tuyến trục dọc hành lang phía Đông cho khu vực ĐBSCL. Rút ngắn cự ly từ TP Hồ Chí Minh đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau khoảng 70 km, giảm áp lực giao thông ngày càng lớn trên quốc lộ 1A và đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao khi các khu kinh tế Định An, khu công nghiệp Trần Đề, Đại Ngãi, An Nghiệp… đi vào hoạt động.

Cầu Đại Ngãi nói trên cùng với việc tiếp tục đầu tư hoàn thành các công trình trọng điểm trong thời gian tới như: Tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 2, tuyến N1 (đoạn từ Đức Huệ, tỉnh Long An đi Châu Đốc, tỉnh An Giang), đường Hồ Chí Minh (đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) và nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ như: 91, 53, 54, 60, 61, 61B, 30… Đối với đường thủy nội địa, sẽ tiếp tục triển khai các dự án nạo nét để phát triển luồng tuyến, xây dựng nâng cấp các cảng như: nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - giai đoạn 2; cải tạo, nâng cấp luồng cửa Cổ Chiên; nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Hàm Luông từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông; đầu tư nâng cấp cảng Tắc Cậu, cảng Sa Đéc và triển khai đầu tư dự án logistics ĐBSCL do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ kinh phí khoảng 300 triệu USD, nâng cấp sân bay… Tất cả những dự án đầu tư này sẽ đảm bảo liên kết với các nơi khác rất thuận lợi, tạo sự đột phá cho sự phát triển toàn vùng ĐBSCL theo tinh thần Quyết định số 11 và 169 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên để thực hiện được, theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai những dự án trên dự kiến phải huy động khoảng 85.419 tỉ đồng. Do vậy, việc Chính phủ quan tâm nghiên cứu bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để đối ứng các dự án ODA, tham gia các dự án PPP, BOT và triển khai các dự án quan trọng cấp bách trong vùng là rất cần thiết. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương vùng tìm giải pháp để thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, nhất là đẩy mạnh huy động các nguồn vốn từ xã hội đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
Đ.A
Phát huy lợi thế giao thông thủy - bộ
Phát huy lợi thế giao thông thủy - bộ

Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy sẽ giúp phát huy lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN