Nâng cao năng lực cạnh tranh

Phát triển sản phẩm chủ lực là một yêu cầu tất yếu trong điều kiện hiện nay nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của hàng hóa và khai thác hiệu quả lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Do vậy, việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, bảo đảm cho sản phẩm chủ lực phát triển một cách ổn định, bền vững là vấn đề đặt ra hiện nay.

Thu hoạch thanh long ruột đỏ ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp). Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Còn nhiều rào cản

Những năm qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang nỗ lực phát triển các sản phẩm chủ lực như: Lúa gạo, cá tra, tôm, trái cây… và thực tế là những sản phẩm này đã đóng góp to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Chính vì thế, việc các địa phương trong vùng ĐBSCL quan tâm, tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển có chọn lọc các sản phẩm chủ lực với những ưu thế cạnh tranh vượt trội là một việc làm hết sức cần thiết.

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, mặc dù thời gian qua chưa có một cơ quan hay tổ chức khoa học nào trong nước xác định “tiêu chí” cho sản phẩm chủ lực, nhưng qua thực tế cho thấy có những sản phẩm nhờ lợi thế đặc thù của địa phương và tính vượt trội của nó đã trở thành sản phẩm chủ lực một cách tự nhiên. Các sản phẩm này được nhiều người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến như là một sản phẩm đặc trưng của vùng hay địa phương đó.

Các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng đã dựa vào lợi thế, tiềm năng và yêu cầu phát triển đã xác định một số sản phẩm chủ lực của mình để đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp người dân xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu cho các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương.

Chẳng hạn tại Tiền Giang, thời gian qua đã tập trung phát triển 7 loại trái cây đặc sản gồm: Vú sữa Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công, khóm Tân Lập, bưởi long Cổ Cò, xoài cát Hòa Lộc, lúa chất lượng cao, rau an toàn, các sản phẩm nuôi trồng thủy sản (cá tra, tôm, nghêu)… Hay tỉnh Bến Tre lại chọn ưu tiên phát triển chế biến nông, lâm, thủy hải sản, chế biến các sản phẩm từ dừa…

Tỉnh Hậu Giang cũng đã tập trung đầu tư vào các sản phẩm chủ lực gồm: Bưởi năm roi, cá lóc đồng, cá rô đồng, cam sành Ngã Bảy, chanh không hạt Châu Thành, khóm Cầu Đúc, quýt đường Long Trị, cá sặc rằn, cá thát lát… theo chương trình phát triển nông sản chủ lực của tỉnh giai đoạn 2013 - 2015. Định hướng đến 2020, Hậu Giang nỗ lực hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu, kênh tiêu thụ để nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho bà con nông dân.

Nhờ quy hoạch các sản phẩm chủ lực, tỉnh Hậu Giang đã tập trung đầu tư để nâng cao giá trị cho cây bưởi năm roi như xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho loại sản phẩm đặc trưng và sản xuất với quy mô diện tích khoảng 1.700 ha tập trung ở huyện Châu Thành với khả năng cung ứng cho thị trường khoảng 24.800 tấn/năm.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh với các mặt hàng khác cùng loại, Hậu Giang đã xây dựng nhãn hiệu “bưởi năm roi” sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận của GlobalGAP với diện tích vào khoảng 55,4 ha.

Tương tự đối với sản phẩm nông sản đặc trưng dứa Cầu Đúc hiện có diện tích trồng trên toàn tỉnh khoảng 1.655 ha đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa và được Sở Khoa học và Công nghệ, Sở NN&PTNT đầu tư nguồn giống, vốn để xây dựng các mô hình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang còn triển khai nhiều hình thức giới thiệu quảng bá về sản phẩm như: Công dụng và thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm; thông tin về tình hình sản xuất và định hướng phát triển… Có thể nói, đây là một trong những giải pháp mà Hậu Giang triển khai đồng bộ nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm đặc trưng của mình.

Với những cách làm trên, đáng lý tất cả những mặt hàng nông sản có lợi thế của các địa phương sẽ được hỗ trợ, thúc đẩy ngày càng được phát triển và năng lực cạnh tranh ngày càng tốt hơn, giúp người nông dân ổn định sản xuất tăng thu nhập.

Tuy nhiên, thực tế lại không đạt hiệu quả như mong muốn. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh trong vùng ĐBSCL và hiện tại tỉnh đã có một số loại nông sản được công nhận nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thế nhưng tình hình sản xuất các loại nông sản này gần như “giậm chân tại chỗ”, quy mô sản xuất đang thu hẹp lại bởi đầu ra chưa ổn định, giá cả bấp bênh.

Cần quy hoạch liên kết vùng

Hiện nay, quy hoạch liên kết vùng chưa có. Trong liên kết vùng cần có sự tham gia của nhà khoa học, các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp đủ mạnh để làm đầu mối tiêu thụ nông sản chủ lực. Sản phẩm chủ lực của liên kết vùng cần có thương hiệu, hạn chế cạnh tranh nội bộ giữa các tỉnh trong tiểu vùng. Liên kết vùng cần phải tính tới hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất…

                      Ông Kim Ngọc Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh



Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hậu Giang, diện tích trồng bưởi năm roi hiện chỉ còn 1.700 ha nhưng trước đó vào năm 2010 là vào khoảng 3.000 ha; diện tích trồng cây dứa giảm từ 2.500 ha xuống còn 1.655 ha. Cá rô Hậu Giang hiện chỉ còn nuôi trồng vài ha, hầu hết là “treo hầm”.

Chỉ riêng cá thát lát đang giữ nguyên diện tích nuôi mặc dù được giá nhưng người dân chưa dám đầu tư thả nuôi vì sợ giá lên xuống thất thường.

Cá rô, sản phẩm đặc sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Duy Khương – TTXVN

Cần giải pháp căn cơ

Thực tế đang diễn ra ở một số loại sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh Hậu Giang cũng là thực trạng chung của một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các tỉnh, thành địa phương khác trong vùng ĐBSCL. Thực trạng trên cũng đã chỉ ra một vấn đề là mối liên kết theo chuỗi giá trị để đảm bảo đầu ra cho nhóm nông sản chủ lực của các địa phương vùng ĐBSCL vẫn chưa hình thành một cách đầy đủ để phát huy được lợi thế cạnh tranh.

Thực tế tại tỉnh Hậu Giang, dù ngành nông nghiệp của tỉnh xác định công nghệ chế biến nông sản thực phẩm được xem là mũi nhọn, giữ vai trò chủ yếu trong cơ cấu giá trị nông nghiệp, động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển nhưng đến nay việc thu hút loại doanh nghiệp này vẫn rất khiêm tốn dẫn đến chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế cạnh tranh đem lại nhiều giá trị gia tăng cho tỉnh.
Tích tụ ruộng đất để phục vụ sản xuất hàng hóa lớn
Để tích tụ đất đai phục vụ cho sản xuất hàng hóa lớn, thứ nhất là gắn với thị trường lao động, thậm chí là gắn với chiến lược công nghiệp hóa. Có nghĩa là làm sao tạo ra việc làm và thu nhập phi nông nghiệp một cách chính thức để rút mạnh lao động nông thôn ra khỏi nông nghiệp. Thứ hai là tạo điều kiện cho những nông dân có năng lực tích tụ được đất: Thủ tục thuê đất, mua đất thuận lợi, chi phí giao dịch rẻ, có vốn mua đất, mua máy, có đường, có điện áp dụng cơ giới, mảng này gắn với thị trường đất đai và cơ sở hạ tầng. Thứ ba, gắn với vấn đề phát triển nông thôn, có chính sách để có thể thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, hợp tác với nông dân sản xuất lớn giải quyết vấn đề đầu vào và đầu ra cho nông nghiệp. Ba mảng này phải lồng ghép với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chung, kể cả việc sửa đổi Luật Đất đai.
                                                              TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia kinh tế


Do vậy, có ý kiến cho rằng, nếu Chính phủ, các địa phương vùng ĐBSCL triển khai tốt vấn đề liên kết vùng và có cơ chế chính sách hiệu quả hơn nữa trong việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư lĩnh vực nông nghiệp thì đây sẽ là “nhóm giải pháp căn cơ” tháo gỡ những bất cập nói trên để nâng cao được năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm nông sản có lợi thế.

Liên kết vùng được đặt ra là một yêu cầu hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Đồng thời, vùng nguyên liệu của một số sản phẩm nông sản có lợi thế ở các địa phương chưa thực sự đảm bảo về quy mô, sản lượng để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Do vậy, việc tăng cường phối hợp liên kết các địa phương có cùng mặt hàng để sản xuất và cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến nông sản là hết sức cần thiết.

Một điều đáng mừng là việc triển khai yêu cầu liên kết nói trên sẽ rất khả thi khi từ tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 593/QĐ-TTg về việc thực hiện cơ chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL mà nội dung trọng tâm là liên kết phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực vùng là lúa gạo, thủy sản và trái cây.

Do vậy, vấn đề còn lại là các bộ, ngành có liên quan, địa phương vùng ĐBSCL nhanh chóng triển khai có hiệu quả cơ chế thí điểm này nhằm tăng năng lực cạnh tranh trên tinh thần “cạnh tranh trong liên kết” và dần xóa bỏ tư tưởng “cạnh tranh đối đầu” giữa các địa phương trong vùng.

Một vấn đề khác, để nâng cao được năng lực cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của từng địa phương thì theo các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, những giải pháp đó phải giải quyết đồng thời được 3 vấn đề được xem là cốt lõi.

Đó chính là phải nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa nông sản bằng giá cả và cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh phải quan tâm tới mẫu mã của sản phẩm nông sản.

Ngay tại thời điểm này, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng, đang bước vào giai đoạn mới với tinh thần tái cơ cấu ngành nông nghiệp toàn diện. Do đó, ngành nông nghiệp không thể chỉ dựa vào nông dân giữ vai trò chủ đạo như trước đây mà phải có sự tham gia và hợp tác chặt chẽ hơn của doanh nghiệp để giải quyết được 3 điểm nghẽn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn vốn và áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Thực tế thời gian qua, nhìn chung việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rất hạn chế. Tính đến tháng 9/2016, cả nước chỉ mới chỉ có 4.424 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 0,95% tổng số doanh nghiệp có đăng ký và đang hoạt động trong nền kinh tế.

Doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu là loại vừa và nhỏ (chiếm 96,53%, trong đó 50% doanh nghiệp siêu nhỏ), còn số doanh nghiệp lớn mang tính đầu tàu còn rất ít dù thời gian qua, chủ trương, chính sách, cơ chế liên tục được hoàn thiện.

Vậy đâu là điểm nghẽn lớn nhất khiến các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp? Theo nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, đất đai vẫn đang là cản trở lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, đất đai phục vụ sản xuất trên diện rộng không nhiều, gây trở ngại lớn trong việc phát triển sản xuất trên quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật tiên tiến.

Thực tế là nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đang hoạt động ở các địa phương trong vùng ĐBSCL đều khó khăn do quỹ đất không đủ để đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn và hiện đại.

Có doanh nghiệp cho rằng, một nghịch lý mà doanh nghiệp đang gặp phải là cần đất để xây dựng các nhà máy ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Tuy nhiên chủ trương Nhà nước lại giữ đất nông nghiệp không cho chuyển mục đích sang đất xây dựng công nghiệp.

Do vậy, Chính phủ và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần có những chủ trương hài hòa để giải quyết mâu thuẫn này, có chính sách tạo quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tiền thuê đất tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, có đủ đất đai để tiến hành sản xuất.

Mặt khác các doanh nghiệp cũng khó tiếp cận đất đai vì phải thỏa thuận với hộ nông dân. Theo đó, nếu thỏa thuận được thì phải chi phí 2 lần trả tiền sử dụng đất, tiền thuê hoặc mua đất của người có quyền sử dụng đất, đồng thời lại phải nộp tiền sử dụng đất.

Do vậy, Chính phủ cần đánh giá, rà soát lại kết quả thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP, trong đó đặc biệt quan tâm tháo gỡ vấn đề khó khăn nhất hiện nay là vấn đề đất đai theo hướng làm sao để doanh nghiệp chỉ trả tiền mua hoặc thuê đất một lần.

Đồng thời, có ý kiến cho rằng, trước tình trạng canh tác manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ trong các mô hình sản xuất theo chuỗi, cánh đồng lớn… là những hạn chế phổ biến và dẫn đến hàng loạt hạn chế khác thì càng thúc đẩy Chính phủ sớm có chính sách phù hợp về đất đai. Cụ thể là cần chính sách tích tụ ruộng đất để doanh nghiệp có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khác là đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp cũng cần được quan tâm. Hiện nay, phần lớn lao động ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật một cách căn bản vì đa số xuất thân từ nông thôn, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu bằng khả năng và kinh nghiệm mang tính truyền thống.

Cho nên việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ quản lý còn thiếu, yếu kiến thức và kỹ năng dẫn đến quản lý điều hành mang tính tự phát, cảm tính và thiếu tầm nhìn.

Giải quyết những “bức xúc” của doanh nghiệp

Thời gian tới, tăng trưởng trong nông nghiệp chủ yếu sẽ phải dựa vào chính sách phát triển doanh nghiệp và khoa học công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện nay rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công đoạn sản xuất mà họ chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ. Do vậy, cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực... để họ quan tâm hơn đến đầu tư vào nông nghiệp. Khi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, họ sẽ là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam



Do vậy cần có quy hoạch, phân luồng đào tạo chuyên môn và dạy nghề, đặc biệt là chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, phù hợp, cán bộ quản lý có năng lực để cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất hay khu công nghiệp sản xuất hàng hóa chủ lực của vùng.

Song song đó, Chính phủ nên có chính sách giao cho doanh nghiệp ký hợp đồng đào tạo lao động để phục vụ cho chính doanh nghiệp của họ và có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ trang trại… không có đủ điều kiện tự đào tạo nguồn nhân lực.



Anh Đức
“Hiến kế” cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long
“Hiến kế” cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long

Nhằm nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, mới đây tại tỉnh Trà Vinh, Trường Đại học Trà Vinh phối hợp cùng Viện Nghiên cứu và hợp tác bảo tồn gen Katti (Hungary) đã tổ chức hội thảo...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN