Nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc các huyện miền núi giáp Tây Nguyên

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, 29 huyện miền núi giáp Tây Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Các địa phương trên địa bàn đã tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, tận dụng tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường thực hiện nhiều giải pháp đầu tư thâm canh, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tăng lên gấp nhiều lần so với trước.


Nhiều địa phương miền núi giáp Tây Nguyên của các tỉnh Khánh Hòa, Bình Phước, Phú Yên đã củng cố hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt được thị trường ưa chuộng vào gieo trồng, chăn nuôi đại trà tăng thu nhập cho đồng bào.

Phát triển kinh tế trang trại VAC tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Tuấn Ngọc

Năm 2016, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của các huyện miền núi giáp Tây nguyên đã tăng 7,7% so với năm 2015. Một số cây trồng chủ lực như lúa, ngô, sắn, cà phê, hồ tiêu, cao su, điều đều tăng nhanh: Cây lúa đạt trên 71.000 ha, năng suất bình quân 35 tạ thóc/ha và đạt sản lượng 251.000 tấn; trên 116.800 ha điều và gần 12.000 ha cà phê; hơn 41.300 ha cao su… 


Sản phẩm nông nghiệp của các huyện miền núi giáp Tây Nguyên ngày càng đa dạng và đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa, chấm dứt tình trạng sản xuất tự cung tự cấp như trước đây. Đồng bào đã đầu tư phát triển mạnh chăn nuôi, nhất là phát triển nhanh đàn bò hàng hóa. Hiện nay, tổng đàn gia súc của các huyện có 1,4 triệu con, trong đó đàn bò 295.000 con. 


Nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các huyện miền núi giáp Tây Nguyên đã triển khai thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời, tổ chức lồng ghép có hiệu quả với các chương trình, chính sách khác góp phần phát triển hạ tầng, thay đổi diện mạo nông thôn.


Năm 2016, các huyện đã đầu tư xây dựng 276 công trình giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất, công trình thủy lợi, hệ thống điện lưới quốc gia, công trình cấp nước sinh hoạt… Hiện nay, 94% số thôn, buôn trong khu vực đã có điện lưới quốc gia, trong đó, các huyện miền núi giáp Tây Nguyên của các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã có 100% thôn, buôn có điện lưới quốc gia.


Hệ thống giáo dục từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông không ngừng phát triển, trên 96% số trạm y tế xã trong khu vực đã có bác sỹ. Công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn khu vực đã giải quyết việc làm cho 56.000 lao động, 35.000 người được đào tạo nghề… Nhờ các biện pháp tích cực trên, năm 2016, bình quân thu nhập đầu người đạt trên 17,6 triệu đồng, tăng gần 9,5% so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3,8%/năm…


Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các huyện miền núi giáp Tây Nguyên sản xuất, nông, lâm nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, chăn nuôi phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ tín dụng. Lâm nghiệp là thế mạnh nhưng chưa phát triển, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, chưa bền vững…


Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho phép các huyện miền núi giáp Tây Nguyên được áp dụng tất cả những cơ chế, chính sách đặc thù như ở Tây Nguyên. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đặc biệt để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội ở các huyện miền núi gắn với việc thực hiện Chương trình nông thôn mới; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, chủ yếu là các hồ chứa, đập dâng.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh trong khu vực xây dựng các Đề án đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, có chính sách khuyến khích, bảo vệ và phát triển rừng, gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu phát triển một số cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao ở các địa bàn có điều kiện, tăng suất đầu tư trồng rừng phòng hộ, đẩy mạnh công tác giao khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng buôn làng… góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.


Hiện nay, 29 huyện miền núi của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Phước giáp với các tỉnh Tây Nguyên. Các địa phương miền núi giáp Tây Nguyên này có tổng diện tích tự nhiên 2,3 triệu ha, với 1,4 triệu người, gồm 317 đơn vị hành chính cấp xã, 1.898 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 1.236 thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số.

Quang Huy (TTXVN)
Đầu tư ngân sách nhà nước cho vùng Tây Nguyên ngày càng tăng
Đầu tư ngân sách nhà nước cho vùng Tây Nguyên ngày càng tăng

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho vùng Tây Nguyên vẫn tăng lên trên 62.100 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN