Làm giàu từ trồng cà phê xen cây ăn quả, hồ tiêu

Ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, nhiều người biết đến chị Nguyễn Thị Thái Hà (tổ dân phố khối 8, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar).

Không chỉ là người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chị Nguyễn Thị Thái Hà còn giúp đỡ nhiều gia đình nông dân nghèo khó trên địa bàn vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chị Thái Hà cho biết: Chị sinh ra và lớn lên tại thị xã Buôn Hồ nhưng sau khi lập gia đình vì kế mưu sinh nên năm 1999, hai vợ chồng đưa nhau về lập nghiệp tại thị trấn Quảng Phú.

Lúc đầu, gia đình chị cũng như nhiều bà con nông dân khác sống trên vùng đất bazan màu mỡ, trù phú này nhưng mới chỉ biết trồng cây lúa, cây ngô. Làm quần quật suốt ngày đêm, gia đình chị vẫn không thấy khấm khá hơn.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị Thái Hà quyết định đi thăm quan học tập ở những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi từ cây cà phê cũng như tham khảo ý kiến của các nhà quản lý, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên từ đó chuyển 2 ha đất sang trồng cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả, đồng thời, mạnh dạn vay vốn kinh doanh thêm ngành vật tư nông nghiệp, mua bán sản phẩm cà phê nhân.

Đặc biệt, để nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích, chị Thái Hà đã lựa chọn nhóm cây ăn quả có giá trị như bơ, sầu riêng cơm vàng hạt lép và hồ tiêu đưa vào trồng xen trong vườn cà phê.

Theo chị Thái Hà, cà phê chị trồng với khoảng cách 3x3 m, cứ hai hàng cà phê xen 1 hàng tiêu và sử dụng cây keo dậu để làm trụ cho cây tiêu cũng với khoảng cách tương tự và trồng theo hướng Bắc Nam để đón ánh nắng đều khắp vườn.

Khi cây tiêu cũng như trụ phát triển, chị cho hãm ở độ cao từ 4 đến 6 mét, tỉa cành vừa phải, đặc biệt, chị chỉ tổ chức đánh bồn nhẹ ở trụ tiêu, còn cà phê thì đánh bồn sâu (làm bồn) nhằm giúp trụ tiêu thoát nước tốt hơn hạn chế tối đa ngập úng cho cây tiêu vào mùa mưa. Còn đối với cây bơ sầu riêng cơm vàng hạt lép, chị trồng xen trong vườn cà phê với mật độ 90 đến 92 cây/ha, khoảng cách 9x12 m.

Qua thực tế, với cách trồng xen các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như trên không những mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng thuần cà phê mà còn có tác dụng điều hòa được điều kiện khí hậu vườn cây, tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ cần thiết, gìn giữ môi trường sinh thái, giúp cây cà phê sinh trưởng, phát triển bền vững.

Vừa làm vừa tích lũy từ nguồn vốn để đầu tư mở rộng diện tích đến kinh nghiệm cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… nên năng suất cây trồng ngày càng cao và ổn định.

Trong tình hình biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay, để tiết kiệm nguồn nước, giảm thuê mướn lao động tưới nước cho vườn cây, chị đã đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm với công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel trên toàn bộ diện tích cây trồng, với tổng mức đầu tư bình quân trên 50 triệu đồng/ha. Nhờ đó mà năng suất, chất lượng cây trồng luôn được nâng cao, giảm chi phí, cho lợi nhuận tăng cao.

Hiện nay, chị Thái Hà có 22 ha được phủ kín cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ… trong đó có 5.000 cây cà phê, năng suất bình quân 4 tấn cà phê nhân/ha, hồ tiêu 15.000 gốc, hiện có 40% diện tích hồ tiêu đã cho thu hoạch, với sản lượng đạt 20 tấn tiêu hạt, 1.000 cây sầu riêng, trong đó có 350 cây cho thu hoạch, sản lượng 50 tấn, 700 cây bưởi da xanh đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch.

Với vườn cà phê xen các loại cây ăn trái lâu năm như trên, năm 2016, chị Thái Hà đã có tổng doanh thu trên 7 tỷ đồng và chị kỳ vọng những năm đến khi các loại cây cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ Booth 7… đi vào giai đoạn kinh doanh cho thu hoạch ổn định với giá cả như hiện nay thì doanh thu cũng tăng lên hơn gấp nhiều lần so với hiện nay.

Ngoài làm giàu cho mình, chị Thái Hà còn giúp cho hàng chục gia đình đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, J’rai… về vốn, giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật để đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị H’riêng trước đây thiếu vốn để mua giống cà phê, vật tư phân bón đầu tư thâm canh cây cà phê, nên cây cà phê của gia đình còi cọc, năng suất thấp. Chị Thái Hà đã cho chị H’riêng mượn vốn không tính lãi, giúp mua phân bón trả chậm, giống mới cà phê, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, cắt tỉa cành… Nhờ vậy, hiện nay, chị H’riêng không những thực hiện tốt các biện pháp thâm canh cây cà phê để đạt năng suất cao từ 3 tấn cà phê nhân trở lên mà còn thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng…

Chị Nguyễn Thị Thái Hà cũng đã mạnh dạn kiến nghị Nhà nước cần có chính sách thuận lợi hơn nữa để bà con nông dân nói chung, những người sản xuất kinh doanh cà phê nói riêng dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng lãi suất ưu đãi, xúc tiến thương mại, tăng cường công tác thông tin dự tính dự báo cũng như liên kết chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo giá cả ổn định để người bà con nông dân yên tâm sản xuất, góp phần nâng cao đời sống.

Quang Huy (TTXVN)
Nông dân 'thấp thỏm' nợ nần vì giá hồ tiêu giảm mạnh
Nông dân 'thấp thỏm' nợ nần vì giá hồ tiêu giảm mạnh

Niên vụ hồ tiêu 2016 - 2017, hồ tiêu ở Đắk Nông cho năng suất sản lượng cao, tuy nhiên giá giảm mạnh khiến các nông hộ không khỏi lo lắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN