Khơi dậy phong trào khởi nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) các ngành chức năng, doanh nghiệp đang sát cánh giúp người dân khởi nghiệp. Mọi ý tưởng khởi nghiệp dù lớn hay nhỏ đều thể hiện khát khao vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân và xã hội.

Xuất phát điểm thấp


Theo số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, số lượng doanh nghiệp ở ĐBSCL tăng trưởng rất chậm, bình quân khoảng 580 người dân mới có 1 doanh nghiệp (cả nước là hơn 220 người dân/doanh nghiệp). Đặc biệt tỷ lệ doanh nghiệp của vùng đang có dấu hiệu giảm dần đến gần 50% so với thời gian trước.


Khu vực ĐBSCL có 16 trường đại học, hàng năm số lượng sinh viên ra trường không ít nhưng hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp được tổ chức rất rời rạc, mang tính nhất thời khi số lượng các chương trình liên quan đến khởi nghiệp còn ít, việc mở lớp đào tạo kỹ năng cho khởi nghiệp không được tổ chức thường xuyên và nhất quán...


"So với các khu vực khác, khởi nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL đối mặt với nhiều khó khăn khi tăng trưởng kinh tế của vùng đã chậm lại trong nhiều năm liền, trong đó nông nghiệp - nền tảng kinh tế của vùng đang giảm rất mạnh. Tỷ lệ tăng dân số chung của vùng trong nhiều năm cũng thấp hơn tỷ lệ tăng chung của cả nước, tỷ lệ xuất cư thuần ra ngoài vùng khá cao trong nhiều năm... Trong khi đó ĐBSCL đang phải đối mặt với những thử thách rất lớn, đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây nên áp lực lớn về sự thay đổi và nhu cầu lớn trong ứng dụng công nghệ", Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy Kinh tế Fullbright cho biết.

ĐBSCL cần tận dụng tốt những lợi thế và cơ hội phát triển của vùng để xây dựng phong trào khởi nghiệp.

Cũng qua khảo sát và phân tích cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, có quy mô nhỏ và vừa rất dễ bị tổn thương trước áp lực cạnh tranh về vốn, đầu tư đổi mới công nghệ, quản trị nguồn nhân lực... Trong khi đó thói quen vùng miền vốn dễ dãi, xuề xòa, rộng rãi của người miền Tây sẽ rất dễ khiến bị thiệt hại trong những hợp đồng mua bán.

Hầu hết các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL chưa quan tâm ban hành, triển khai những chính sách, kế hoạch riêng cho hoạt động khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Phần lớn trong số đó chỉ phổ biến những kế hoạch chung chung nhằm phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn.

"Còn những khó khăn khách quan khác như: Cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, logistics non trẻ, hoạt động đẩy mạnh công nghệ vào sản xuất còn thấp... đã góp phần khiến các doanh nghiệp trong khu vực gặp nhiều khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh so với các địa phương khác", Tiến sĩ Huỳnh Thế Du nói thêm. 

Nhập cuộc khởi nghiệp


Năm 2016 được Chính phủ chọn là năm quốc gia khởi nghiệp. Ngay thời điểm này, các tỉnh ĐBSCL đã nhanh chóng xây dựng chương trình khởi nghiệp cho riêng mình.


Mạng lưới khởi nghiệp vùng ĐBSCL được thành lập nhằm liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương, tạo sức mạnh tổng thể để phát triển “hệ sinh thái” khởi nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Các đơn vị tham gia mạng lưới là các Sở Kế hoạch và Đầu tư của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cùng 2 đơn vị là Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Bạc Liêu và Khoa Công nghệ thông tin truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ.


"Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 sẽ xây dựng một lực lượng doanh nghiệp mới về số lượng, năng động, có khả năng cạnh tranh và hội nhập tốt để tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế từng địa phương, vùng và quốc gia. Từ mạng lưới các đơn vị tham gia khởi nghiệp vùng sẽ tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, tìm kiếm phát hiện những ý tưởng tốt, hạt giống tốt để ươm tạo và hình thành "sàn ý tưởng" nhằm hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp", đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP Cần Thơ cho hay.


Tại lễ thành lập mạng lưới khởi nghiệp vùng ĐBSCL được tổ chức mới đây tại TP Cần Thơ, các đại biểu cho rằng việc thúc đẩy khởi nghiệp tại ĐBSCL không chỉ vì thực hiện mục tiêu chung của quốc gia mà còn là vấn đề mang tính cấp thiết, quyết định đến tiềm năng phát triển kinh tế lâu dài của cả vùng. Tăng cường khởi nghiệp tại ĐBSCL sẽ nâng cao tính hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực của xã hội, đồng thời cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.


Công việc cần kíp lúc này là nhanh chóng có những chính sách đặc thù phù hợp với đặc điểm của vùng để hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp từng bước phát triển bền vững. Nhiều địa phương mong muốn có chương trình khởi nghiệp để phát triển doanh nghiệp, có thêm những ngành kinh doanh mới, gia tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và sức sống mới cho nền kinh tế của vùng.


Theo Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp xây dựng, đơn vị này sẽ cung cấp cơ sở vật chất sẵn có, huy động được lợi thế về chức năng liên kết, kinh nghiệm trong cung cấp đào tạo... giúp những doanh nghiệp mới khởi nghiệp các bước đi vững chắc hơn.


Ngoài nhiệm vụ xây dựng tinh thần khởi nghiệp để thế hệ trẻ phát huy ý tưởng sáng tạo và kinh doanh (nhất là trong lĩnh vực công nghệ), chương trình còn tạo sự kết nối giữa các địa phương nhằm xây dựng mô hình liên kết có hệ thống với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Ngay trong năm nay kết hợp với các ngành chức năng, phòng sẽ tổ chức những cuộc hội thảo về khởi nghiệp và các cuộc thi khởi nghiệp; lập Quỹ tín thác hỗ trợ ý tưởng sáng tạo; tuyển chọn đưa vào ươm tạo và hỗ trợ ý tưởng cho khoảng 100 doanh nhân khởi nghiệp...


Những điểm sáng khởi nghiệp


Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Bến Tre vừa tổ chức Ngày hội "Bến Tre Đồng Khởi khởi nghiệp" năm 2017, chính thức trở thành địa phương khởi nghiệp mới của cả nước. Với chủ đề "Khởi nghiệp - Tiềm năng và cơ hội xứ Dừa", thanh niên tỉnh Bến Tre đã ra mắt cộng đồng khởi nghiệp cùng nhau khơi dậy tinh thần Đồng Khởi năm xưa phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu chính đáng.


"Được triển khai từ năm 2016, phong trào Đồng Khởi khởi nghiệp có mục đích giúp nâng cao tinh thần khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp của thanh niên và người dân tỉnh nhà. Kết hợp các ban, ngành chức năng, tỉnh đã thành lập hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm: Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, Quỹ đầu tư khởi nghiệp, Câu lạc bộ khởi nghiệp tiên phong... kêu gọi sự nhiệt tình tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh", ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực tỉnh Bến Tre cho biết.


Ngay sau khi đi vào hoạt động, tỉnh đã nhanh chóng tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng và dự án khởi nghiệp lần đầu tiên thu hút 45 ý tưởng, 22 dự án khởi nghiệp bao gồm nhiều ý tưởng sáng tạo phong phú như: Ý tưởng ủ phân bò Ba Tri bằng phương pháp Compost; dự án sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía, phục vụ trong nuôi tôm thâm canh; ý tưởng phát triển toàn diện du lịch Việt từ ứng dụng Android "Viet Nam Tour"...


Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp 100% từ nguồn huy động xã hội hóa hơn 10 tỷ đồng nhằm hỗ trợ vốn ban đầu giúp thanh niên, người dân triển khai những ý tưởng, dự án sáng tạo khởi nghiệp khả thi.



Ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: Việc làm thiết thực giúp dân khởi nghiệp

Là một trong các tỉnh tiên phong trong cả nước phát động phong trào giúp thanh niên khởi nghiệp, tỉnh Bến Tre đã có những việc làm cụ thể thiết thực giúp thanh niên, người dân khởi nghiệp. Khởi nghiệp bắt đầu từ ý tưởng mới và dù lớn hay nhỏ đều thể hiện sự khát khao vươn lên, dấn thân khẳng định bản thân. Góp phần đưa kinh tế tỉnh Bến Tre phát triển, chúng tôi đã triển khai chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” mục tiêu sẽ khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong mọi người dân.

Hiện Nhà nước đang xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp hướng đến xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, cường thịnh, phát triển bền vững. Tư duy năng động, sáng tạo, quyết liệt hành động thì mới có thể thành công. Phát triển doanh nghiệp để tạo nhiều việc làm hơn, thu nhập tốt hơn là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá kết quả chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh.

Kiến tạo môi trường cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp là giải pháp quan trọng nhất và tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả hơn việc cải cách thủ tục hành chính và chất lượng dịch vụ công; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp...

Thực tế cộng đồng khởi nghiệp mới sẽ có nhiều khó khăn, thử thách nhưng với sự hỗ trợ kịp thời của ngành chức năng, cùng với chủ trương đúng đắn của Nhà nước sẽ góp phần tạo ra lực lượng khởi nghiệp mới, năng động, đầy nhiệt huyết giúp tỉnh Bến Tre đạt được nhiều thành công mới trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống dân sinh.


Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Cần Thơ sẽ trở thành thung lũng khởi nghiệp

Kinh tế Cần Thơ đang liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng ổn định 5,88%/năm, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành về chỉ số cạnh tranh. Với hơn 1.000 doanh nghiệp mới ra đời mỗi năm, dự kiến đến năm 2020, Cần Thơ sẽ trở thành thung lũng khởi nghiệp của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp ở Cần Thơ cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức như: thiếu kinh nghiệm, thiếu tự tin ở doanh nghiệp trẻ, khó khăn trong việc huy động vốn vay từ các kênh truyền thống như ngân hàng thương mại...

Thời gian tới chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng môi trường sáng tạo, đẩy mạnh các chương trình đào tạo cho doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện UBND TP Cần Thơ đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá tình hình thực hiện của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, tổ chức thực hiện kế hoạch khởi sự doanh nghiệp, doanh nghiệp có ý tưởng đổi mới sáng tạo, mang lại hiệu quả cao.

Hiện chúng tôi đã xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng đội ngũ chuyên gia có năng lực theo từng giai đoạn cụ thể.

Song song đó có những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, môi trường pháp lý kinh doanh, tư vấn doanh nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại - mở rộng thị trường; thành lập các tổ chức tác động khởi nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo...


Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ: Ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp

Để có nền kinh tế năng động, có sức cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu, ĐBSCL không có cách gì khác là phải phát triển nhanh hơn, nhiều hơn số lượng và chất lượng các doanh nghiệp, trong đó thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp là lựa chọn tốt nhất. Để làm được điều đó, điều đầu tiên là phải có chương trình chung về khởi nghiệp cho vùng ĐBSCL.

Chính vì thế, cần đưa ĐBSCL vào địa bàn ưu tiên trong chương trình khởi nghiệp quốc gia. Ý tưởng về thung lũng khởi nghiệp ở ĐBSCL với trọng tâm là các ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản hệ sinh thái nước ngọt, ven biển, trồng rừng ven biển...), chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, cần nâng cấp các viện nghiên cứu đang có, hỗ trợ thành lập mới hoặc nâng cấp các viện nghiên cứu, kể cả ở các trường đại học có khả năng trong việc nghiên cứu về giống, công nghệ gen, công nghệ sinh học ứng dụng, công nghệ môi trường, công nghệ thông tin.

Ngoài ra, cần có cơ chế và chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ các chương trình đào tạo khởi nghiệp, các cuộc thi khởi nghiệp, tuyển chọn các ý tưởng để giới thiệu đưa lên sàn ý tưởng quốc gia. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới mô hình quản lý thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp...

Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại ĐBSCL, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ đã xây dựng Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của những đối tượng có khát khao khởi nghiệp, từ đó giải quyết những bất cập trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ nói riêng và toàn vùng ĐBSCL nói chung.

Hiện tại, Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đã được Phòng xây dựng cho giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 với tên gọi “Mekong Startup”, nhắm tới những mục tiêu cụ thể như: hình thành trung tâm khởi nghiệp với 100 chỗ làm việc giai đoạn 2016 - 2017, kết nối các vườn ươm tạo thành mô hình “đô thị khởi nghiệp” tại TP Cần Thơ đến năm 2020; tạo dựng 1.000 doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực về công nghệ, quản trị từ nay đến năm 2020; giải quyết trên 5.000 lao động có chuyên môn trực tiếp tham gia cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và 20.000 lao động kỹ năng làm việc gián tiếp...

Lê Nghĩa/Báo Tin Tức
Chuẩn bị cho 'Hội nghị Diên Hồng' về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
Chuẩn bị cho 'Hội nghị Diên Hồng' về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Với mục tiêu đảm bảo hiệu quả cao nhất cho Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu sắp tới, chiều 5/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan để kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị cho hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN