Khảo sát di dời chợ Tân An và chợ đầu mối nông sản Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 17/3, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cùng các sở, ngành chức năng đã đi khảo sát thực tế các vị trí dự kiến xây dựng chợ Hưng Thạnh để phục vụ di dời chợ Tân An, chợ An Lạc và quy hoạch chợ đầu mối nông thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long. Các địa điểm dự kiến xây dựng hai khu chợ này đều nằm trên địa bàn quận Cái Răng.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Sở Công Thương Cần Thơ khảo sát vị trí dự kiến xây dựng chợ Hưng Thạnh, phía sau Bến xe Trung tâm Cần Thơ (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng). 

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Cần Thơ, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát, lựa chọn vị trí phù hợp để di dời Tân An, chợ An Lạc và quy hoạch chợ đầu mối nông, thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả, có 6 vị trí nằm trên địa bàn quận Cái Răng được đề xuất gồm: Khu vực sau bến xe mới thành phố Cần Thơ (vị trí 1), Khu vực chợ 586, phường Phú Thứ (vị trí 2), Khu vực phường Ba Láng, cặp Quốc lộ 61C (vị trí 3), Khu tái định cư Trung tâm Văn hóa Tây Đô (vị trí 4), Khu 11 ha tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng thuộc quy hoạch dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô - giai đoạn 2 (vị trí 5), Khu đô thị mới lô số 5B với diện tích 11,8 ha của Công ty cổ phần Thương mại Địa ốc Hồng Loan (vị trí 6).

Theo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, sau khi tiến hành khảo sát thực tế, tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến, Sở Công Thương cùng với các sở, ngành, đơn vị thống nhất đề xuất UBND thành phố xem xét di dời chợ Tân An và chợ An Lạc về khu đất 4,8 ha sau bến xe mới thành phố Cần Thơ (vị trí 1); quy hoạch chợ đầu mối nông, thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1 tại khu vực phường Ba Láng (quận Cái Răng) với diện tích khoảng 10 - 18 ha (vị trí 3).

Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, chợ Tân An và chợ An Lạc cần phải được di dời gấp theo chỉ đạo của Thành ủy Cần Thơ, tuy nhiên hiện mới chỉ đến giai đoạn kêu gọi đầu tư. Việc khảo sát thực tế nhằm có cơ sở để báo cáo lãnh đạo thành phố. Lãnh đạo Sở Công Thương đề nghị UBND quận Cái Răng chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với Sở để triển khai các công việc liên quan khi có nhà đầu tư quan tâm, đến tìm hiểu dự án; phấn đấu trong năm 2022 sẽ kêu gọi được nhà đầu tư vào dự án chợ Hưng Thạnh.

Hồi cuối tháng 11/2021, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký Quyết định 3538/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục 23 dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 (đợt 1), trong đó có dự án đầu tư xây dựng mới khu chợ tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng.

Theo đó, Cần Thơ mời gọi đầu tư xây dựng khu chợ mới ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng để phục vụ cho việc di dời hai khu chợ lâu đời nhất ở trung tâm thành phố là chợ Tân An và chợ An Lạc về khu chợ mới này.

Khu đất xây dựng chợ có diện tích 4,8 ha, có vị trí gần bến xe trung tâm của thành phố Cần Thơ; hình thức lựa chọn nhà đầu tư được UBND thành phố Cần Thơ đưa ra là chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như những dự án đầu tư khu đô thị. Khu đất xây dựng chợ mới có vị trí thuận lợi cả đường bộ và đường thủy khi cầu Trần Hoàng Na hoàn thành nên được đánh giá trong tương lai không xa đây sẽ là khu chợ đầu mối sầm uất nhất của thành phố Cần Thơ.

Chợ Tân An được xem là chợ lớn nhất tại trung tâm thành phố Cần Thơ. Chợ hiện có 15 điểm kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống thuộc Xí nghiệp Chế biến thực phẩm II và có khoảng 560 lô, sạp kinh doanh của các hộ tư nhân. Ngoài ra, chợ còn có hơn 120 hộ kinh doanh mặt hàng tự sản, tự tiêu của người dân quận Ninh Kiều và quận Cái Răng.

Do vị trí chợ thuận lợi về đường thủy, bộ nên từ khi thành lập đến nay chợ hoạt động kinh doanh hiệu quả, vừa là nơi bán lẻ đến người tiêu dùng, vừa là đầu mối phân phối, cung ứng hàng hóa cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống khác trên địa bàn quận, huyện và các địa phương lân cận. Mỗi ngày, chợ Tân An tiêu thụ, phân phối từ 20-25 tấn rau, củ, quả; 40-50 tấn thủy sản các loại; 13-15 tấn thịt gia súc, gia cầm và có lưu lượng khách rất lớn, bình quân từ 3.000 - 3.500 lượt khách/ngày đêm.

Trong khi đó, chợ An Lạc hiện chia làm 2 khu với tổng diện tích hơn 3.500 m2, vị trí tiếp giáp gần với chợ Tân An. Chợ có quy mô nhỏ chủ yếu bán mặt điện máy và hàng thủy sản tươi sống phục vụ người dân sống tại khu vực xung quanh chợ. Hiện cơ sở hạ tầng ở khu chợ này cũng đã xuống cấp.

Đối với quy hoạch chợ đầu mối nông, thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long, bà Lê Thị Trúc Linh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng cho biết, chợ đã được quận đưa vào quy hoạch từ năm 2017 với diện tích 18 ha, tuy nhiên đến nay vẫn chưa chọn được vị trí cụ thể. Sau khi đoàn khảo sát chốt được vị trí cụ thể thì quận sẽ cung cấp thông tin cụ thể của khu đất đó để làm cơ sở thực hiện kêu gọi đầu tư.

Theo quy hoạch phân khu của UBND quận Cái Răng, địa điểm quy hoạch chợ đầu mối nằm ở phường Ba Láng, cặp Quốc lộ 61C và nằm sát với tuyến đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ, dự kiến khởi công quý III/2022.

Tin, ảnh: Thanh Liêm (TTXVN)
Đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nông sản
Đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nông sản

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vấn đề nông sản nếu cứ làm theo cách cũ sẽ bị động. Bởi vậy, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN