Đẩy mạnh liên kết kinh tế vùng Tây Nguyên:

Hợp tác phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên

Liên kết, hợp tác đầu tư phát triển du lịch các tỉnh Bình Định - Phú Yên - Gia Lai - Đắk Lắk nhằm khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của từng địa phương là mục tiêu nhằm tăng trưởng du lịch vùng một cách bền vững của từng địa phương.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, mục tiêu của liên kết, hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Gia Lai - Đắk Lắk là hướng tới tổng lượng khách du lịch của mỗi địa phương hàng năm tăng 20%.

Theo đó, chương trình liên kết sẽ tạo điều kiện phát huy tối đa tài nguyên du lịch của từng địa phương, khai thác nguồn lực một cách hợp lý, tạo động lực phát triển du lịch; đồng thời, tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cơ sở lưu trú… góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư của 4 địa phương. Bên cạnh đó, hình thành các tour du lịch chung của 4 tỉnh mang tính đặc sắc riêng của từng địa phương, để xây dựng thương hiệu du lịch chung của các tỉnh, đồng thời đảm bảo bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của từng địa phương. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước con người và phong tục tập quán của từng địa phương đến với du khách trong và ngoài nước với mục tiêu “bốn địa phương một điểm đến”...

Cưỡi voi tham quan thắng cảnh là sở thích của du khách khi đến Buôn Đôn (Đắk Lắk). Ảnh: Viết Tôn

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Phan Đình Phùng, để liên kết và phát triển du lịch của 4 địa phương đạt hiệu quả, trong thời gian tới, các địa phương cần phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của 4 địa phương, lấy điểm nhấn là tài nguyên núi và biển với các sản phẩm đa dạng phù hợp cho các thị trường khách du lịch quốc tế chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và khách nội địa. Xây dựng quảng bá du lịch, cẩm nang du lịch, xây dựng gian hàng chung của bốn tỉnh tại các sự kiện hội chợ triển lãm, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, sự liên kết phát triển du lịch giữa 4 tỉnh là nhằm kết hợp du lịch sinh thái rừng với sinh thái biển như tổ chức các tuyến du lịch tham quan vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, thác nước đẹp của các tỉnh Tây Nguyên với tham quan sinh thái biển, tắm biển tại Bình Định. Đồng thời, kết nối di sản văn hóa phi vật thể như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên qua các lễ hội như Festival cồng chiêng, lễ mừng nhà rông, lễ mừng lúa mới với việc tìm hiểu về hát bài chòi, hát bội, lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và võ cổ truyền Bình Định. Mỗi địa phương có những sự kiện tiêu biểu và lễ hội khác nhau, do đó cần có sự hợp tác để khai thác tốt hiệu quả của các lễ hội phù hợp, tránh trùng lặp về thời gian và tiến đến liên kết tổ chức định kỳ 1-2 lễ hội văn hóa lớn của các địa phương nhằm tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch.

Liên kết phát triển du lịch của 4 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Gia Lai - Đắk Lắk góp phần xây dựng thương hiệu đặc trưng trong việc tổ chức liên kết như logo, slogan, tổ chức các cuộc họp báo, hội thảo tại thị trường lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu các sản phẩm du lịch và tổ chức đón các đoàn Famtrip, Presstrip trong và ngoài nước đến các địa phương...
Viết Tôn - Viết Ý
Cần “nhạc trưởng” cho kinh tế vùng
Cần “nhạc trưởng” cho kinh tế vùng

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa đến các địa phương trong vùng và đến các vùng khác, Tây Nguyên cần một cơ chế phối hợp ăn ý và hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN